Ngày 25/11/2019, TAND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự liên quan đến các bị cáo trong đường dây tín dụng đen xuyên quốc gia, sử dụng những hình thức hành hạ người khác như thời trung cổ khiến dư luận bức xúc.
Cho vay với lãi suất 205%/năm
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thanh Hóa, khoảng tháng 7/2017, Nguyễn Cao Thắng (SN 1984, quê Hải Phòng, trú ở phường 15, quận 10, TP HCM) và Nguyễn Đức Thành (SN 1984) đã cùng nhau góp vốn mỗi người 1 tỉ đồng lập Công ty Tài chính Nam Long, có trụ sở chính tại 393/5 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM.
Công ty không đăng ký kinh doanh với cơ quan chức năng, do Nguyễn Đức Thành làm Giám đốc chỉ đạo mọi hoạt động cho vay, thu nợ, lợi nhuận chia làm 2 phần, mỗi phần 50% để tái đầu tư, 50% lợi nhuận còn lại chia đôi. Với gói vay 41 ngày, mỗi ngày người vay phải trả số tiền gốc và lãi là 3% tổng số tiền vay; với gói vay 50 ngày, mỗi ngày người vay phải trả cả gốc và lãi là 2,5% tổng số tiền vay; ngoài ra còn gói "lãi đứng" với mức lãi suất từ 1%/ ngày.
Công ty Nam Long hoạt động từ tháng 9/2017 đến 3/2018 thì Thành quyết toán báo lỗ 200 triệu đồng, đề nghị Thắng mở rộng mô hình kinh doanh mới có lãi. Thắng yêu cầu Thành phải chuyển 1 tỉ đồng để góp vốn cho Công ty Nam Long với mức lãi suất 6%/tháng; đồng thời giao cho anh vợ mình là Trần Hồng Phong (SN 1985, ở phường Đông Khê, Quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) làm kế toán, quản lý việc chi tiêu.
|
|
Các bị cáo tại phiên xét xử |
Để thu hút khách vay, Thành chỉ đạo đồng bọn đăng thông tin trên mạng hoặc trực tiếp tìm hiểu nhu cầu vay vốn của những người dân trên địa bàn rồi chủ động đến gặp gỡ, đề xuất việc cho vay với thủ tục nhanh gọn. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, công ty đã mở rộng "chân rết" ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước.
Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, công ty núp bóng dưới hình thức hoạt động của Công ty CP Tư vấn đầu tư và kỹ thuật xây dựng Thành Nam hoạt động trên lĩnh vực xây dựng. Mức lãi suất mà các đối tượng cho các bị hại vay từ 185% đến 205%/năm, cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật cho phép từ 85% đến 105%.
Cơ quan tố tụng đã làm rõ số tiền mà các đối tượng đã cho bị hại vay là 16 tỷ 320 triệu đồng, số tiền mà các đối tượng đã chiếm đoạt là gần 5,2 tỷ đồng.
Hành hạ nhân viên như …thời trung cổ
Nội dung cáo trạng đề cập, Thành đã soạn thảo một bộ quy chế với những quy định hà khắc, chặt chẽ dành cho các nhân viên. Trong đó, hướng dẫn cặn kẽ các bước làm việc với khách hàng, thẩm định tài sản, các phương thức đòi nợ hay đối phó với công an, cả các tình huống xử lý khi khách hàng chây ì không trả nợ.
Tháng 7/2018, anh Nguyễn Văn Minh (SN 1999, ở xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, Bắc Giang) là nhân viên của Công ty Nam Long, khu vực 20. Sau khi thu tiền khách hàng, Minh đã cầm 16,5 triệu đồng cùng với xe máy của công ty bỏ trốn. Ngày 8/7/2018, Thành gọi điện cho Ngô Văn Chương và Nguyễn Thành Long lên nhà Minh để nói chuyện về việc Minh lấy tiền và xe bỏ trốn nhưng không gặp Minh ở nhà.
Tối 9/7/2018, Thành cùng Trần Văn Phiên, Đoàn Minh Cương, và một người em của Cương, Bùi Văn Chung, Vũ Văn Thanh, Ngô Quang Đông, Doanh ngồi uống bia tại đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tại đây, Thành bảo cả nhóm đi Sóc Sơn tìm Minh để "dạy một bài học".
Sau đó, tất cả đi 2 xe taxi lên Sóc Sơn. Thành phân công cho Thanh, Long, Phiên và Cương ngồi trong quán phở, số còn lại đứng xung quanh. Khi Minh đến quán thì cả nhóm lao vào đánh đập, sau đó Minh được đưa về chi nhánh Công ty Nam Long ở Sóc Sơn để hành hạ, đánh đập.
Đến 10h ngày 19/7/2018, Chương thấy Minh thở yếu, kêu khó thở nên gọi Kiên rồi cùng Vũ gọi taxi đưa Minh đi cấp cứu, Khoa và An đi xe máy theo sau. Tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, nghe bác sĩ nói nạn nhân có dấu hiệu tim ngừng đập; lo sợ Minh chết, Chương và Vũ ra quán nước ngồi, rồi đưa tiền cho Khoa vào đưa tiền cho bác sĩ.
Khi Khoa vào thấy có công an đang làm việc đã hoảng sợ cùng Chương, Tiến, Vũ, An về một nhà nghỉ ở Hoằng Hóa gọi điện cho Tùng đến bảo mọi người tháo hết sim điện thoại vứt đi.
Sau đó, An, Vũ, Tùng về Công ty Nam Long chi nhánh ở Nam Định còn Chương và Tiến đi Thường Tín (Hà Nội) để trốn. Đến khoảng 17h cùng ngày, Nguyễn Văn Minh tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. CQĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã trưng cầu giám định tử thi và kết luận anh Minh tử vong do suy tuần hoàn do dập, rách lách trên cơ thể đa chấn thương.
Ngày 22/7/2018, các đối tượng Chương, Phiên, Cương, Thành đến Cơ quan Công an đầu thú. Đến ngày 14/8/2018, các đối tượng Long, Chung, Thanh cũng đã ra đầu thú. Từ đây cơ quan điều tra đã từng bước điều tra, phá vụ án tín dụng đen lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn.
Chỉ có 1/89 bị hại đến Tòa
Ngày 25/11/2019, TAND tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự liên quan đến các bị cáo trong đường dây tín dụng đen xuyên quốc gia, sử dụng những hình thức hành hạ người khác như thời trung cổ khiến dư luận bức xúc.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Đức Thành (SN 1988, quận 1, TP.HCM); Đoàn Minh Cương, Trần Văn Phiên (SN 1991); Bùi Văn Chung (SN 1992), Nguyễn Thành Long (SN 1988), Vũ Văn Thanh (SN 1989), Ngô Văn Chương (SN 1988), Đặng Việt Hà (31 tuổi, trú tại Tân Thành, Kinh Dương, Hải Phòng); Đào Anh Tài (quận Bình Thạnh, TP.HCM); Nguyễn Văn Lữ (quận Hải An, Hải Phòng) và Mai Quang Anh (An Dương, Hải Phòng); Vũ Văn Hoàng (SN 1994), Đồng Văn Tùng (SN 1989); Trần Hồng Phong (SN 1985), Nguyễn Cao Thắng (SN 1984).
Các bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội “Giữ người trái phép”, “Cố ý gây thương tích”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
TAND tỉnh Thanh Hóa đã triệu tập 89 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, tuy nhiên, tại phiên tòa, chỉ có 1/89 người có mặt.
Vì có quá nhiều người vắng mặt, đại diện VKSND tỉnh Thanh Hóa, người bào chữa đã đề nghị Hội đồng xét xử cho hoãn phiên tòa để bảo đảm quyền lợi cho các bên liên quan.
Hội đồng xét xử sau khi hội ý đã công bố quyết định hoãn phiên tòa. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 17/12 đến ngày 20/12/2019.