Ngày 17/4, TAND tỉnh Đắk Nông tiếp tục xét xử đối với 39 bị cáo về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. Vụ án có hơn 20 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của những người liên quan.
|
|
Toàn cảnh phiên tòa xét xử đối với 39 bị cáo về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. |
Tại phần tranh luận của phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Lưu Văn Nguyện (Giám đốc Công ty Bình Minh, tỉnh Hậu Giang) cho rằng, cơ quan tố tụng xem lại trong việc cáo buộc đối với bị cáo này. Theo đó, Cơ quan điều tra đã cản trở quyền được bào chữa của bị cáo Nguyện và quyền bào chữa của luật sư trong quá trình điều tra vụ án.
Vị luật sư này dẫn chứng: “Nguyện được điều tra viên dẫn dắt từ người liên quan trong vụ án, tiếp sau đó là đồng ý đi cùng điều tra viên từ Hậu Giang lên Đắk Nông ngay trong đêm 12/7/2019 để lấy lời khai. Thế nhưng, bất ngờ vào sáng ngày 14/7/2019 Nguyện đã trở thành người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp. Cuối cùng, vào 21h ngày 22/7/2019, Nguyện đã trở thành bị cáo…”.
Ngoài ra, người bào chữa cho bị cáo Nguyện cũng đề nghị HĐXX xem xét đánh giá để không chấp nhận sự buộc tội bị cáo này trong việc đồng phạm với bị cáo Trịnh Sướng về hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả. Theo đó, luật sư đề nghị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố trong phiên tòa rút phần truy tố đối với bị cáo Nguyện về toàn bộ số dung môi liên quan đến bị cáo Trịnh Sướng (hơn 32,7 triệu lít).
|
|
Hội đồng xét xử tại phiên tòa. |
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Viện kiểm sát đồng ý với luật sư, đề nghị HĐXX xem xét rút một phần truy tố đối với bị cáo Nguyện liên quan hơn 32,7 triệu lít dung môi nói trên. Riêng đối với vấn đề luật sư cho rằng trong quá trình điều tra có vi phạm tố tụng nghiệm trọng, đại diện Viện kiểm sát nói là có vi phạm nhưng nhỏ, không phải nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyện bị cáo buộc, từ 21/7/2018 đến 30/5/2019 đã bán cho Trịnh Sướng hơn 32,7 triệu dung môi giúp Sướng sản xuất hơn 33,2 triệu lít xăng giả, tương đương số lượng hàng thật trị giá hơn 620 tỉ đồng. Công ty Bình Minh hưởng lợi số tiền hơn 16 tỉ đồng, trong đó Nguyện hưởng lợi 64 triệu đồng (0,4%CP).
Cũng tại phần tranh luận, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Sơn (SN 1984, chồng của chủ Công ty xăng dầu Thu Trang, tỉnh Đắk Nông) cho rằng, số lượng dung môi thực tế nhóm Nguyễn Văn Hướng (SN 1970, trú tại tỉnh Đắk Nông), Nguyễn Mạnh Tiến (SN 1975) - Chủ DNTN thương mại xăng dầu Vân Nam và Sơn bị quy buộc mua của Nguyễn Thị Thu Hòa (SN 1981, trú tại TP Cần Thơ) 46 chuyến tương ứng 920 ngàn lít là không chính xác. Hơn nữa, số lượng dung môi của 46 chuyến này hoàn toàn không thu giữ được. Mặt khác, số lượng từng chuyến có thể thể hiện trong chứng từ là 20 ngàn lít nhưng thực tế có thể ít hơn.
|
|
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Cũng theo luật sư, để kết luận hàng đó là giả thì CQĐT phải trưng cầu giám định. Trên thực tế, các mẫu giám định vẫn có mẫu có kết quả không phải là hàng giả. “Trong khi, 920 ngàn lít mà Viện kiểm sát quy buộc đối với nhóm bị cáo Hướng, Tiến, Sơn là sản xuất, buôn bán hàng giả nhưng không thu được tang vật, không có mẫu giám định. Thế nhưng, lại kết luận đó là hàng giả là không có căn cứ… Chúng tôi cũng đề nghị xem xét mức án với bị cáo Sơn vì bị mức án đề nghị quá nặng, không công bằng…”- vị luật sư bào chữa cho bị cáo Sơn lý giải.
Ngoài ra, luật sư cũng cho hay, tại phiên tòa bị cáo Hướng, Tiến và Sơn đều khẳng định góp tiền mua xe để kinh doanh xăng dầu chứ không phải để thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết nên bị cáo đã phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức, chỉ là tài xế chở xăng dầu sau khi các bị cáo khác đã liên hệ những nơi mua dung môi và bán xăng giả. Vì vậy, có căn cứ để xác định bị cáo Sơn phạm tội chỉ ở mức độ giúp sức…
|
|
Đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. |
Đối đáp lại phần tranh luận của luật sư, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, ngoài lời khai của bị cáo, còn có các hóa đơn đầu vào, đầu ra trong quá trình mua bán và một số chứng cứ khác trong hồ sơ. Riêng với việc luật sư cho rằng, vai trò của bị cáo Sơn là thấp nhất, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, vai trò của 3 bị cáo trong vụ việc là như nhau. Vì cả 3 người cùng góp tiền mua dung môi, ban đầu là vận chuyển xăng, sau đó vận chuyển dung môi, được phân công nhiệm vụ… nên Viện kiểm sát áp dụng mức hình phạt cho 3 bị cáo bằng nhau.
Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát đồng ý với luật sư về việc tính công bằng đối với các bị cáo trong cùng một vụ án. Do đó, tại tòa đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức hình phạt đối với 3 bị cáo. Mỗi bị cáo bị đề nghị xử phạt từ 5 đến 6 năm tù./.