Theo bản luận tội của VKS, kết quả điều tra công khai tại phiên tòa đã làm rõ nội dung và các tình tiết của vụ án, làm rõ các chứng cứ tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố. Trên cơ sở đó đại diện VKSND Thành phố Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa có đủ căn cứ để xác định nội dung vụ án và hành vi phạm tội của các bị cáo như sau:

Ngày 27/3/2010, Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương gồm 5 cổ đông sáng lập đã thống nhất ký Hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ 24 triệu cổ phần sở hữu cho Lê Hòa Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 với giá là 20.756,34 đồng/cổ phần tương đương 52 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza. Sau khi ký hợp đồng đặt cọc, Lê Hòa Bình đã tiến hành ký Hợp đồng chuyển nh­ượng cổ phần với từng cổ đông sáng lập của Công ty Xuyên Thái Bình D­ương. Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông Công ty TNHH Nam Hà Thành; Công ty CP Bất động sản B­ưu chính viễn thông Việt Nam; Công ty CP đầu tư Vietsan và ông Nguyễn Minh Quý được ký theo giá như thỏa thuận tại Hợp đồng đặt cọc (52 triệu đồng/m2). Riêng hợp đồng chuyển nhượng số 66/2010/PVPL-MN ngày 2/4/2010 của Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) do Nguyễn Ngọc Sinh - Tổng giám đốc ký chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần thể hiện giá chuyển nhượng chỉ là 13.578 đồng/ cổ phần (t­ương đương 34 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza); tổng giá trị hợp đồng là 191.972.000.000 đồng. Như vậy, so với giá đã đ­ược thỏa thuận trong Hợp đồng đặt cọc thì tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng giảm 87.009.560.000 đồng. Kết quả điều tra về việc ký hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá trị thực tế, đã xác định được các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đã có sự móc nối, chỉ đạo, thông đồng với các bị cáo Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa để thực hiện việc ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 66/2010/PVPL-MN với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực tế đã đặt cọc 52 triệu đồng/m2 với tổng số tiền 87.009.560.000 đồng để lấy tiền chênh lệch, chia nhau chiếm đoạt. Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã chiếm đoạt được 14 tỷ đồng; bị cáo Đinh Mạnh Thắng đã chiếm đoạt 05 tỷ đồng; bị cáo Đào Duy Phong đã chiếm đoạt 08 tỷ đồng; bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh chiếm đoạt 02 tỷ đồng; đối tượng Đặng Sỹ Hùng đã chiếm đoạt 20 tỷ đồng; tổng cộng các bị cáo đã chiếm đoạt được 49 tỷ đồng trong tổng số 87.009.560.000 đồng.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên toà

Kết quả điều tra công khai tại phiên tòa đã xác định rõ hành vi phạm tội của các bị cáo thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần của PVP Land thấp hơn giá trị thực tế để chiếm đoạt tiền như sau:

1. Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT - Tổng công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC)

Tại phiên tòa cũng như trong quá trình điều tra bị cáo không thừa nhận việc đã thỏa thuận, chỉ đạo bán cổ phần của PVP Land với giá thấp hơn giá trị thực tế để chia nhau chiếm đoạt tiền chênh lệch. Nhưng, với kết quả điều tra công khai tại phiên tòa cho thấy: Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) do Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT, nắm 14.000.000 cổ phần, sở hữu 28% vốn điều lệ của PVP Land và theo Quy chế về người đại diện phần vốn của PVC tại các doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Quyết định số 402/QĐ-XLDK ngày 21/11/2008 thì Đào Duy Phong - Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Ngọc Sinh - Tổng giám đốc PVP Land (được Trịnh Xuân Thanh ký quyết định cử là người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land) phải báo cáo xin ý kiến chấp thuận của HĐQT PVC và Trịnh Xuân Thanh là người có quyền quyết định trong việc cho phép chuyển nhượng số cổ phần này. Ngày 10/02/2010, Trịnh Xuân Thanh đã có các chỉ đạo về việc tiếp tục thực hiện đầu tư, triển khai dự án Nam Đàn Plaza. Tại cuộc họp này, Trịnh Xuân Thanh nắm rõ các thông tin về dự án, trong đó giá trị sử dụng đất là 25 triệu USD (tương đương khoảng 52 triệu đồng/m2). Nhưng vào tháng 03/2010, sau khi có cuộc gặp với các bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương tại nhà hàng số 1 đường Xuân Diệu, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, Trịnh Xuân Thanh đã gọi điện hỏi Đào Duy Phong về khách đến mua cổ phần và sau đó, theo lời khai của Đào Duy Phong thì Đinh Mạnh Thắng đã gọi điện nói Thái Kiều Hương đưa khách đến gặp Phong; tại buổi gặp này Hương nói đã thống nhất với Trịnh Xuân Thanh, Thanh chỉ đạo giá bán là 40 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza, nhưng chỉ thể hiện trong hợp đồng là 34 triệu đồng/m2; phần chênh lệch Phong sẽ được nhận 10 tỷ đồng, phần còn lại Hương sẽ có trách nhiệm đưa cho Trịnh Xuân Thanh và Thắng “cận” (tức Đinh Mạnh Thắng). Sau đó, Trịnh Xuân Thanh đã ký Nghị quyết số 411 và số 427/NQ-XLDK có nội dung chấp thuận phương án chuyển nhượng trên cơ sở Tờ trình số 07 PVPL/TTr-NĐD ngày 01/4/2010 của Đào Duy Phong với giá 34 triệu đồng/m2 (tương đương khoảng 16,4 triệu USD tổng diện tích đất của dự án và thấp hơn giá trị 25 triệu USD đã được kết luận ngày 10/02/2010). Căn cứ lời khai của bị can Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa về việc ngày 05/4/2010, sau khi ký hợp đồng, Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa đã mời các cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy ăn trưa tại nhà hàng My Way trên đường Hoàng Đạo Thúy, thành phố Hà Nội; tại cuộc gặp này có sự xuất hiện của Trịnh Xuân Thanh, Thanh có hỏi Bình đã ký hợp đồng chưa, Thanh nói nếu Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh không ký hợp đồng thì sẽ cách chức. Căn cứ lời khai Nguyễn Ngọc Sinh về việc Trịnh Xuân Thanh đã thông báo và giới thiệu người mua, chứng tỏ Thanh đã biết việc này nên Sinh đã ký Hợp đồng với giá 34 triệu đồng/m2.

Ngày 06/4/2010, Lê Hòa Bình thực hiện thanh toán 50% giá trị hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho các cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương; theo lời khai của Thái Kiều Hương, thì tại đây Hương được Đặng Sỹ Hùng nhờ nhận 14 tỷ đồng từ Lê Hòa Bình để chuyển cho Trịnh Xuân Thanh. Sau khi nhận 14 tỷ đồng từ Lê Hòa Bình, Thái Kiều Hương đã gọi điện nhờ Đinh Mạnh Thắng chuyển cho Trịnh Xuân Thanh và được Thắng đồng ý; tối cùng ngày, Thái Kiều Hương đã chuyển 14 tỷ đến nhà Thắng, giao cho vợ Thắng là Nguyễn Thị Thanh Vân. Sáng ngày 07/4/2010, Đinh Mạnh Thắng cho 14 tỷ vào va li kéo và chỉ đạo lái xe của Thắng là Vũ Đức Lưu chuyển cho lái xe của Trịnh Xuân Thanh là Nguyễn Đặng Toàn để chuyển cho Trịnh Xuân Thanh. Lời khai của Thái Kiều Hương, Đinh Mạnh Thắng, Vũ Đức Lưu, Nguyễn Đặng Toàn phù hợp với nhau về việc nhận và chuyển 14 tỷ đồng cho Đinh Mạnh Thắng để chuyển cho Trịnh Xuân Thanh. 

Với những tài liệu, chứng cứ nêu trên, có đủ căn cứ kết luận: Trịnh Xuân Thanh chính là người đã quyết định và chỉ đạo cho chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương cho Lê Hòa Bình- Chủ tịch HĐQT công ty CP xây dựng 1/5 với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực của Dự án (52 triệu đồng/m2) với mục đích để chiếm đoạt số tiền chênh lệch và Trịnh Xuân Thanh đã được chia hưởng  14 tỷ đồng từ số tiền chênh lệnh đó.     

2. Đối với bị cáo Đào Duy Phong, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land)

Tại phiên tòa cũng như trong quá trình điều tra Đào Duy Phong thừa nhận được Trịnh Xuân Thanh gọi điện nói về việc có khách đến mua cổ phần. Sau đó, Đinh Mạnh Thắng gọi điện cho Phong báo có khách đến gặp về việc mua cổ phần và sau đó Thái Kiều Hương dẫn Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đến gặp Phong tại trụ sở PVP Land, giới thiệu Duy là người muốn mua dự án Nam Đàn Plaza. Tại buổi gặp này, Hương thông tin với Phong là đã thống nhất với Trịnh Xuân Thanh và Thanh chỉ đạo giá bán là 40 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza, nhưng chỉ thể hiện trong hợp đồng là 34 triệu đồng/m2; phần chênh lệch khoảng 26 - 27 tỷ đồng, Phong sẽ được nhận 10 tỷ đồng, phần còn lại Hương sẽ có trách nhiệm đưa cho Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng. Ngày 01/4/2010, Đào Duy Phong đã ký Tờ trình số 07 PVPL/TTr-NĐD đề xuất Hội đồng quản trị PVC phương án chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá không thấp hơn 13.500 đồng/cổ phần tương đương giá bán đất 34 triệu đồng/m2 và ngày 12/4/2010, Đào Duy Phong ký Quyết định số 18 PVPL/QĐ-HĐQT phê duyệt cho Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Sinh ký Hợp đồng chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá tương đương 34 triệu đồng/m2. Sau đó Trình Xuân Thanh đã ký các Nghị quyết số 411 và số 427/NQ-XLDK có cùng nội dung chấp thuận phương án chuyển nhượng theo Tờ trình số 07 PVPL/TTr-NĐD ngày 01/4/2010 của Đào Duy Phong. Đến chiều ngày 13/4/2010, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đã đưa cho Đào Duy Phong 10 tỷ đồng trong số tiền chênh lệch giá.

Kết quả điều tra tại phiên tòa, lời khai của Đào Duy Phong phù hợp lời khai của các bị cáo Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, Nguyễn Ngọc Sinh và phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác như lời khai của anh Trần Ngọc Long (lái xe của Phong), anh Trần Huy Hùng (lái xe của Sinh). Do đó VKS có đủ căn cứ kết luận: Với cương vị là Chủ tịch HĐQT của PVP Land, là người đại diện phần vốn của Nhà nước tại PVP Land, Phong biết rõ Dự án Nam Đàn PlaZa có giá trị 25 triệu USD, tương đương là 52 triệu đồng/m2 đất, nhưng Phong vẫn ký Nghị quyết chấp thuận cho PVP Land chuyển nhượng cổ phần với giá không thấp hơn 13.500 đồng/cổ phần (tương đương 34 triệu đồng/m2) để được hưởng tiền chênh lệch giá khi chuyển nhượng. Bản thân Phong đã trực tiếp nhận 10 tỷ đồng tiền chênh lệch giá do Lê Hòa Bình chuyển thông qua Huỳnh Nguyễn Quốc Duy. Số tiền này Đào Duy Phong đã đưa lại cho Sinh 02 tỷ đồng và sử dụng cá nhân 08 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra trước đây, gia đình bị cáo đã tự nguyện nộp lại 10 tỷ đồng.

3. Đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land)

 Tại phiên tòa cũng như trong giai đoạn truy tố, Nguyễn Ngọc Sinh thừa nhận: Vào cuối giờ chiều ngày 31/3/2010, tại trụ sở PVP Land, Sinh được Đặng Sĩ Hùng báo cáo về việc ngày 27/03/2010 đã cùng các cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương ký thỏa thuận với Lê Hòa Bình về việc chuyển nhượng dự án Nam Đàn Plaza dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần với giá là 52 triệu đồng/m2, trước thời gian đó vào cuộc họp ngày 02/02/2010 và cuộc họp ngày 10/02/2010 để kiểm điểm tình hình triển khai dự án Nam Đàn Plaza do Trịnh Xuân Thanh chủ trì; Sinh nắm rõ dự án, trong đó giá trị sử dụng đất là 25 triệu USD (tương đương khoảng 52 triệu đồng/m2) và các chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh về phương án đầu tư, triển khai dự án. Nhưng sau khi được Đào Duy Phong truyền đạt ý kiến chỉ đạo ký hợp đồng bán cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá thực tế và sẽ có một khoản tiền chênh lệch để ngoài, nên Sinh đã ký Tờ trình số 196 PVPL/TT-KTKH ngày 30/3/2010 và ký Hợp đồng số 66/2010/PVPL-MN chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2 trước khi có Nghị quyết của PVC chấp thuận và Đào Duy Phong ký Quyết định phê duyệt để nhằm hưởng lợi từ số tiền chênh lệch. Ngoài ra, Sinh còn khai việc ký hợp đồng trước khi có Nghị quyết của PVC là do Trịnh Xuân Thanh đã thông báo và giới thiệu đối tác mua, chứng tỏ PVC đã biết việc này nên không cần xin ý kiến, nhưng sau đó Đào Duy Phong vẫn ký Tờ trình xin ý kiến PVC. Sinh thừa nhận đã được nhận 02 tỷ đồng từ Phong và biết rõ đó là tiền chênh lệch khi ký hợp đồng.

Kết quả điều tra tại phiên tòa, lời khai của Nguyễn Ngọc Sinh phù hợp lời khai của các bị cáo Đào Duy Phong, Đặng Sỹ Hùng, Lê Hòa Bình, Nguyễn Kim Thoa, nhân chứng Trần Ngọc Long, Trần Huy Hùng và phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác. Do đó có đủ căn cứ kết luận: Với cương vị là Tổng giám đốc PVP Land, là Người đại diện phần vốn của Nhà nước tại PVP Land, Nguyễn Ngọc Sinh biết rõ dự án Nam Đàn Plaza có giá trị quyền sử dụng đất là 52 triệu đồng/m2 nhưng vẫn ký Tờ trình số 196 PVPL/TT-KTKH ngày 30/3/2010 và ký Hợp đồng số 66/2010/PVPL-MN chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2 đất nhằm hưởng lợi từ số tiền chênh lệch. Bản thân Sinh đã trực tiếp được nhận 02 tỷ đồng tiền chênh lệch giá do Đào Duy Phong đưa. Trong giai đoạn truy tố bị cáo đã tác động với gia đình để nộp lại 02 tỷ đồng; hiện gia đình bị cáo đã nộp lại 1,5 tỷ đồng.

4. Đối với bị cáo Đinh Mạnh Thắng

Tại phiên tòa cũng như quá trình điều tra, bị cáo đã thừa nhận có hành vi: được Thái Kiều Hương nhờ tác động đến Trịnh Xuân Thanh và bị cáo trực tiếp tác động đến Đào Duy Phong là những người có quyền quyết định trong việc cho phép chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương, sau đó bị cáo được nhận từ Thái Kiều Hương 5 tỷ đồng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh nhận 14 tỷ đồng, nhưng bị cáo khai không biết số tiền 19 tỷ này là tiền chênh lệch giá từ việc Trịnh Xuân Thanh đồng ý cho phép PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2 thấp hơn giá thực tế là 52 triệu đồng/m2. Nhưng căn cứ lời khai của bị cáo Thái Kiều Hương, lời khai của Đào Duy Phong khẳng định Đinh Mạnh Thắng tác động, giới thiệu Thái Kiều Hương đến trao đổi về việc chuyển nhượng dự án và các tài liệu khác có đủ căn cứ, kết luận: Đinh Mạnh Thắng biết được số tiền 19 tỷ đồng Đinh Mạnh Thắng nhận từ bị cáo Thái Kiều Hương là tiền chênh lệch giá từ việc Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong đồng ý cho phép PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng dự án với giá thấp hơn thực tế để bị cáo được hưởng lợi.

5. Đối với bị cáo Thái Kiều Hương, nguyên là Phó tổng giám đốc, kiêm Kế toán trưởng của Công ty Vietsan

Tại phiên tòa cũng như quá trình điều tra, bị cáo đã thừa nhận có hành vi nhờ Đinh Mạnh Thắng tác động đến Trịnh Xuân Thanh và Đào Duy Phong là những người có quyền quyết định trong việc cho phép chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương, thừa nhận hành vi chuyển cho Đinh Mạnh Thắng 19 tỷ đồng nhưng bị cáo khai không biết số tiền 19 tỷ đồng nhận từ bị cáo Lê Hòa Bình để đưa cho Đinh Mạnh Thắng 5 tỷ đồng và nhờ bị cáo Đinh Mạnh Thắng đưa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh 14 tỷ đồng, là tiền chênh lệch giá từ việc Trịnh Xuân Thanh đồng ý cho phép PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2 thấp hơn giá thực tế là 52 triệu đồng/m2..

Nhưng căn cứ tài liệu điều tra xác định, Công ty Vietsan do Thái Kiều Hương làm Phó tổng giám đốc kiêm kế toán trưởng là một cổ đông của dự án Nam Đàn Plaza và đã thống nhất ký hợp đồng đặt cọc với giá 52 triệu đồng/m2; căn cứ lời khai của bị cáo Đào Duy Phong khẳng định Thái Kiều Hương là người đưa Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đến gặp Đào Duy Phong đặt vấn đề mua cổ phần và Thái Kiều Hương là người đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh là ký hợp đồng với giá 34 triệu đồng/m2, phần chênh lệch chia nhau và Đào Duy Phong sẽ được hưởng 10 tỷ đồng. Do đó, có đủ căn cứ kết luận bị cáo biết rõ số tiền 19 tỷ đồng bị cáo nhận từ bị cáo Lê Hòa Bình là tiền chênh lệch giá từ việc Trịnh Xuân Thanh đồng ý cho phép PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2 thấp hơn giá thực tế là 52 triệu đồng/m2.

6. Đối với bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy

Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy chỉ thừa nhận đã thông qua ông Han và Thái Kiều Hương đến gặp Trịnh Xuân Thanh để hỏi về việc ký Nghị quyết chấp thuận cho PVP Land bán cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Duy không biết việc Bình đưa cho bị cáo Phong 10 tỷ đồng là tiền chênh lệch giá từ việc Thanh đồng ý cho phép PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2 thấp hơn giá thực tế là 52 triệu đồng/m2. Nhưng căn cứ lời khai của các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa và lời khai của anh Trần Ngọc Long (lái xe của Phong) tại phiên tòa cũng như trong quá trình điều tra đủ cơ sở kết luận bị cáo Duy đã có hành vi giao dịch, tác động đến các bị cáo trong vụ án để Lê Hòa Bình mua được dự án, biết rõ việc PVP Land ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với giá thấp hơn thực tế để rút tiền chênh lệch chia nhau, đã giúp bị cáo Đào Duy Phong chiếm đoạt số tiền 10 tỷ đồng, đối tượng Đặng Sỹ Hùng (đã chết) chiếm đoạt 20 tỷ đồng, bản thân bị cáo được hưởng 11 tỷ đồng và đã nộp lại 1,25 tỷ đồng.

7. Đối với bị cáo Lê Hòa Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5, Công ty cổ phần Minh Ngân

Bị cáo Bình trong quá trình điều tra đã thừa nhận biết rõ việc PVP Land ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 66/2010/PVPL-MN với giá thấp hơn giá thực tế (52 triệu đồng/m2) mà Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa đã mua, để cho các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh và đối tượng Đặng Sỹ Hùng rút tiền chênh lệch chia nhau chiếm đoạt, nhưng vì muốn mua được dự án và giá chung vẫn là 52 triệu đồng/m2 như hợp đồng đặt cọc nên bị cáo đồng tình thực hiện và đã chuyển 49 tỷ đồng trong số tiền ngoài hợp đồng cho các bị cáo trên chiếm đoạt được tiền của Nhà nước.

8. Đối với bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5, Công ty cổ phần Minh Ngân

Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa thừa nhận: Theo chỉ đạo của Lê Hòa Bình, Thoa đã thực hiện rút tiền từ ngân hàng để chuyển cho Đào Duy Phong 10 tỷ đồng, Đặng Sĩ Hùng 20 tỷ đồng, chuyển cho Công ty CP đầu tư­ Vietsan 19 tỷ đồng để Thái Kiều Hương chuyển cho Trịnh Xuân Thanh 14 tỷ đồng và Đinh Mạnh Thắng 05 tỷ đồng. Nhưng khi thực hiện việc chuyển tiền này Thoa mới biết số tiền trên là tiền chênh lệch giá trong việc ký Hợp đồng chuyển nh­ượng cổ phần số 66/2010/PVPL-MN ngày 2/4/2010 với PVP Land được ký với giá thấp hơn để chuyển số tiền chênh lệch cho một số cá nhân tại PVP Land.

Căn cứ kết quả điều tra tại phiên tòa, lời khai của các bị cáo Lê Hòa Bình, Thái Kiều Hương và các tài liệu chứng cứ  khác có đủ căn cứ kết luận: Trước khi làm thủ tục chuyển tiền Thoa đã biết việc Hợp đồng chuyển nh­ượng cổ phần số 66/2010/PVPL-MN ngày 2/4/2010 với PVP Land được ký với giá thấp hơn để chuyển số tiền chênh lệch một số cá nhân tại PVP Land nhưng Thoa vẫn thực hiện giúp cho Đào Duy Phong, Đặng Sĩ Hùng, Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt được số tiền 49 tỷ đồng.

    Kết quả điều tra tại phiên tòa đã đủ căn cứ kết luận:

         Các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đã có sự móc nối, chỉ đạo, thông đồng với các bị cáo Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa để thực hiện việc ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 66/2010/PVPL-MN với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực tế đã đặt cọc 52 triệu đồng/m2 để lấy số tiền chênh lệch là 87.009.560.000 đồng, chia nhau chiếm đoạt. Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã chiếm đoạt được 14 tỷ đồng; bị cáo Đinh Mạnh Thắng đã chiếm đoạt 05 tỷ đồng; bị cáo Đào Duy Phong đã chiếm đoạt 08 tỷ đồng; bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh chiếm đoạt 02 tỷ đồng; đối tượng Đặng Sỹ Hùng đã chiếm đoạt 20 tỷ đồng nhưng do sau khi thực hiện hành vi phạm tội Hùng đã chết nên Viện KSND tối cao đã đình chỉ vụ án đối với bị can Đặng Sỹ Hùng. Như vậy, các bị cáo và đối tượng Đặng Sỹ Hùng đã chiếm đoạt được 49 tỷ đồng trong tổng số 87.009.560.000 đồng.

         Toàn bộ 12.120.000 cổ phần mà PVP Land sở hữu tại Công ty Xuyên Thái Bình D­ương thuộc phần vốn góp của PVC là doanh nghiệp Nhà nước có 87,87% vốn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT và Đào Duy Phong - Chủ tịch HĐQT PVP Land, Nguyễn Ngọc Sinh - Tổng giám đốc PVP Land là người đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land.  Do vậy, số cổ phần này thuộc tài sản của Nhà nước giao cho các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong và Nguyễn Ngọc Sinh là những người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp quản lý, nhưng các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần với giá thấp hơn giá trị thực tế để rút ra nhằm chiếm đoạt 87.009.560.000 đồng và thực tế đã chiếm đoạt được 49 tỷ đồng. Vì vậy, hành vi chiếm đoạt tài sản của các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh và hành vi giúp sức của Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đã đủ căn cứ cấu thành tội “Tham ô tài sản” được qui định tại điểm a khoản 4 Điều 278 BLHS năm 1999. Do đó, Bản cáo trạng số 12/CTr-VKSTC-V3 ngày 27/12/2017 của VKSND tối cao, truy tố với các bị cáo về tội danh trên là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Thực hiện BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, căn cứ Nghị quyết số 41 ngày 20/6/2017 về việc áp dụng BLHS năm 2015 theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, thì hành vi tham ô tài sản của các bị cáo trong vụ án này cần được áp dụng xét xử theo điểm a, khoản 4 Điều 353 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Hành vi phạm tội của các bị cáo nêu trên là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Hành vi của các bị cáo không chỉ xâm hại đến số tiền đặc biệt lớn (87.009.560.000 đồng) của nhà nước, làm cho dự án Nam Đàn Plaza, một dự án có giá trị kinh tế rất lớn bị đình trệ, không triển khai được từ năm 2010 đến nay; làm cho 9.584 m2 đất của dự án tại đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội không được đưa vào khai thác sử dụng, gây lãng phí, thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích của xã hội. Hành vi phạm tội của các bị cáo còn xâm hại đến sự đúng đắn, liêm chính của công tác và trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước, xâm hại nghiêm trọng đến uy tín đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy quản lý nhà nước nói chung và quản lý doanh nghiệp Nhà nước nói riêng, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân về hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp Nhà nước, đã tạo ra dư luận xấu trong xã hội.

         Các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh là những người có chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm trong việc quản lý tài sản, điều hành các doanh nghiệp lớn thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; bị cáo Đinh Mạnh Thắng cũng là lãnh đạo của doanh nghiệp lớn, là những cán bộ đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, có quá trình rèn luyện, phấn đấu để đạt thành tích trong công tác, nhưng vì tư lợi của bản thân, không vượt qua sự cám dỗ của lợi ích vật chất, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình chiếm đoạt tiền của nhà nước, vi phạm pháp luật. Đối với Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa trong quá trình hoạt động kinh doanh biết rõ hành vi vi phạm luật của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh nhưng vì lợi ích cục bộ của cá nhân và doanh nghiệp nên vẫn đồng tình giúp sức cho hành vi phạm tội.

           Hành vi phạm tội của các bị cáo là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, một phần của tệ nạn tham nhũng, thể hiện lợi ích cục bộ của cá nhân và doanh nghiệp, hậu quả của hành vi phạm tội không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động rất xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Vì vậy, việc đưa vụ án ra xét xử nghiêm minh đối với các bị cáo, đã thể hiện việc kiên quyết đấu tranh phòng, chống tệ nạn tham nhũng của toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

           Đại diện VKS TP. Hà Nội nhận định, để quyết định hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội và đặc điểm nhân thân của từng bị cáo cần đánh giá, làm rõ tính chất, vai trò của từng bị cáo trong vụ án như sau:

           - Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT PVC, là người có chức vụ, quyền hạn cao nhất ở PVC, có vai trò quyết định việc cho chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần và chỉ đạo Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh thực hiện; bị cáo chiếm hưởng số tiền lớn 14 tỷ đồng. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo chưa thật thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, chỉ khai nhận một phần hành vi phạm tội của mình. Nhưng xét thấy, lời khai của bị cáo cũng đã góp phần làm sáng tỏ một phần nội dung vụ án, làm rõ hành vi của các đồng phạm khác; số tiền 14 tỷ đồng bị chiếm đoạt đã được bị cáo trả lại khi Thái Kiều Hương yêu cầu, nên cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

           - Bị cáo Đào Duy Phong, Chủ tịch HĐQT và bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh, Tổng giám đốc là những người có nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý tài sản cao nhất tại PVP Land, nhưng các bị cáo đã tích cực thực hiện hành vi phạm tội để rút tiền chênh lệch, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, bị cáo Đào Duy Phong chiếm đoạt 8 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh chiếm đoạt 2 tỷ đồng, nên bị cáo Đào Duy Phong có vai trò cao hơn bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh. Tuy nhiên, trong suốt quá trình điều tra trước đây và trong vụ án này, bị cáo Đào Duy Phong thành khẩn khai báo, chủ động nộp lại toàn bộ 10 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào việc làm rõ nội dung vụ án nên cần giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Đào Duy Phong. Đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh, trong quá trình điều tra bị cáo không thành khẩn, nhưng trong giai đoạn truy tố và tại phiên tòa bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội và tác động gia đình để khắc phục hậu quả, gia đình bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh đã tự nguyện nộp lại 1,5 tỷ đồng nên cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh.

           - Các bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy là những người thực hiện hành vi móc nối, tác động để Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land: Các bị cáo đã tích cực thực hiện hành vi giúp sức để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước; bị cáo Thái Kiều Hương và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy móc nối, bị cáo Đinh Mạnh Thắng trực tiếp tác động để các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh quyết định bán cổ phần, chiếm đoạt tài sản; bị cáo Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỷ đồng, nên vai trò bị cáo Đinh Mạnh Thắng cao hơn bị cáo Thái Kiều Hương; bị cáo Huỳnh Nguyễn Ngọc Duy là người tích cực thực hiện hành vi tác động việc chuyển nhượng cổ phần, được hưởng lợi 11 tỷ đồng, bị cáo Thái Kiều Hương không trực tiếp được hưởng lợi trong số tiền chiếm đoạt nhưng là người có vai trò tích cực trong việc chuyển nhượng cổ phần để Công ty Vietsan của Hương được hưởng lợi. Do đó bị cáo Thái Kiều Hương và bị cáo Huỳnh Nguyễn Ngọc Duy có vai trò ngang nhau. Tuy nhiên, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Đinh Mạnh Thắng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình, số tiền 5 tỷ đồng đã được bị cáo Đinh Mạnh Thắng trả lại khi Thái Kiều Hương yêu cầu, quá trình công tác, bị cáo có nhiều thành tích được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nên cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng. Đối với bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, Thái Kiều Hương không thật thành khẩn khai nhận hành vi của bản thân, nhưng trong quá trình điều tra, gia đình bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đã nộp lại 1,25 tỷ đồng, bị cáo Thái Kiều Hương chưa được hưởng lợi nên cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy và Thái Kiều Hương.

           - Bị cáo Lê Hòa Bình là Giám đốc, đã đồng tình và quyết định để các bị cáo Thanh, Phong, Sinh, Thắng rút tiền chênh lệch chia nhau chiếm đoạt. Bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa tích cực thực hiện việc chuyển 49 tỷ đồng trong số tiền ngoài hợp đồng cho các bị cáo để Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng chiếm đoạt được tiền của Nhà nước nên bị cáo Lê Hòa Bình có vai trò cao hơn bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa. Ngày 15/3/2017 bị cáo Lê Hòa Bình và bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa đã bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xử với mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và xét thấy bị cáo Lê Hòa Bình hiện đang bị bệnh nặng, bị cáo Thoa thực hiện theo sự chỉ đạo của bị cáo Bình nên cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa.

           Về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án:

           - Trong số tiền 49 tỷ đồng đã bị các bị cáo chiếm đoạt được, có số tiền 24.459.948.431 đồng đã được xử lý tại Bản án số 134/2017/HSPT ngày 15/3/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và số tiền 19 tỷ đồng bị Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt đã được Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng hoàn trả, chuyển lại cho Thái Kiều Hương; sau đó được chuyển thành tiền Lê Hòa Bình thanh toán tiền mua cổ phần cho Công ty Vietsan; Đề nghị HĐXX, căn cứ Khoản 3 Điều 47 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cần phải thu hồi của Công ty Vietsan để xung công quỹ Nhà nước.

           - Đối với số tiền 1,5 tỷ đồng mà bà Ngô Thị Luyến khắc phục hậu quả cho chồng là bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh (nộp tại Cục Thi hành án Hà Nội vào ngày 18/01/2018): Xét thấy bị cáo Phong đã nhận 10 tỷ đồng là tiền chênh lệch giá và Phong chiếm đoạt 8 tỷ đồng, Sinh chiếm đoạt 2 tỷ đồng. Nhưng trong vụ án xét xử Lê Hòa Bình về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vợ bị cáo Phong là bà Nguyễn Thúy Hoa đã nộp 10 tỷ  đồng vào Tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra. Số tiền này đã được giải quyết bằng Bản án số 134 ngày 15/3/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội bao gồm cả số tiền 2 tỷ đồng bị cáo Sinh chiếm đoạt. Hiện bà Ngô Thị Luyến (vợ bị cáo Sinh) bồi thường số tiền 1,5 tỷ đồng. Tại phiên tòa, bà Nguyễn Thúy Hoa yêu cầu bị cáo Sinh trả lại 02 tỷ đồng, do vậy đề nghị HĐXX trả lại cho bà Nguyễn Thúy Hoa và buộc bị cáo Sinh phải nộp số tiền còn lại là 500 triệu đồng.

           Từ những phân tích, nhận định nêu trên, VKSND TP. Hà Nội đề nghị HĐXX:

1. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 353, điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58 BLHS năm 2015, xử phạt Trịnh Xuân Thanh tù Chung thân, về tội Tham ô tài sản.

2. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 353, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 17; Điều 54; Điều 58 BLHS năm 2015, xử phạt Đào Duy Phong từ 17 năm tù đến 18 năm tù, về tội Tham ô tài sản.

3. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 353, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 54; Điều 58 BLHS năm 2015, xử phạt Nguyễn Ngọc Sinh  từ 14 năm tù đến 15 năm tù, về tội Tham ô tài sản.

4 - Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 353; điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 54; Điều 58 BLHS năm 2015, xử phạt Đinh Mạnh Thắng từ 11 năm tù đến 12 năm tù, về tội Tham ô tài sản.

5 - Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 353; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 54; Điều 58 BLHS năm 2015, xử phạt Thái Kiều Hương từ 11 năm tù đến 12 năm tù, về tội Tham ô tài sản.

6. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 353; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 17; Điều 54; Điều 58 BLHS năm 2015, xử phạt Huỳnh Nguyễn Quốc Duy từ 11 năm đến 12 năm tù, về tội Tham ô tài sản.

7. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 353; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 54; Điều 56; Điều 58 BLHS năm 2015, xử phạt bị cáo Lê Hòa Bình từ 09 năm tù đến 10 năm tù, về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt tù chung thân tại Bản án số 134 ngày 15/3/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là tù chung thân.

8. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 353; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 54; Điều 56; Điều 58 BLHS năm 2015, xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Thao từ 08 năm tù đến 09 năm tù, về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt tù chung thân tại Bản án số 134 ngày 15/3/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là tù chung thân.

Ngoài ra, đề nghị HĐXX quyết định hình phạt bổ sung phù hợp đối với các bị cáo.

          Đại diện VKSND TP.Hà Nội nói: ”trên đây là quan điểm của Viện KSND thành phố Hà Nội, đề nghị HĐXX xem xét, đưa ra Bản án đúng người, đúng tội đối với các bị cáo”.

Nhóm PV