Vì vậy, vai trò và trách nhiệm của các bị cáo khác nhau, có người tham gia vào một số khâu, tham gia một phần hoặc có bị cáo được bàn bạc, biết sai vẫn làm, có bị cáo không biết vẫn thực hiện. Do đó khi luận tội, VKS đã căn cứ trong tổng thể xâu chuỗi các hành vi mang tính logic trong mối quan hệ nguyên nhân – kết quả.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên tòa ngày 15/1. Ảnh: TTXVN

Đại diện VKS nêu quan điểm: “Qua các tài liệu, chứng cứ và thẩm vấn công khai tại toà cho thấy hậu quả do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra đã và vẫn đang xảy ra như luận tội, thiệt hại tới thời điểm này chưa được khắc phục. Do vậy, việc xem xét truy tố các bị cáo là cần thiết, công bằng, khách quan, đúng pháp luật”.

Qua thẩm vấn công khai, VKS nêu quan điểm bổ sung tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo vì đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra; tình tiết người phạm tội có thành tích xuất sắc hay vai trò có mức độ.

Theo đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho Bùi Mạnh Hiển - nguyên Chánh văn phòng PVC, Lương Văn Hoà - nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC; Lê Đình Mậu - nguyên Phó trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN; Phạm Tiến Đạt - nguyên Kế toán trưởng PVC so với mức đã đề nghị; cân nhắc xem xét giảm nhẹ với hình phạt với Nguyễn Ngọc Quý - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVC.

Đồng thời, đối với các bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, Lê Đình Mậu, Bùi Mạnh Hiển, Phạm Tiến Đạt, VKS không buộc các bị cáo liên đới bồi thường số tiền thiệt hại 119 tỷ đồng do hành vi cố ý làm trái gây ra. Đối với những bị cáo còn lại, VKS giữ nguyên quan điểm như luận tội.

Trước đó, khi luận tội, VKS đề nghị mức án với Nguyễn Ngọc Quý từ 8-9 năm tù, Phạm Tiến Đạt 6-7 năm tù, Bùi Mạnh Hiển, 13-14 năm tù, Lương Văn Hoà 3-14 năm tù và Lê Đình Mậu từ 7-8 năm tù.

Sau phần đối đáp của VKS, các luật sư tiếp tục nêu lên quan điểm của mình. Cảm ơn VKS đã xem xét đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Lê Đình mậu, song luật sư tiếp tục đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Lương Văn Hoà cũng đề nghị xem xét thêm về việc bị cáo đã nộp toàn bộ số tiền khắc phục hậu quả từ cách đây 6 năm. Do đó, mong VKS, HĐXX ghi nhận hậu quả đã được ngăn chặn để xem xét khi lượng hình cho bị cáo.

Luật sư bào chữa cho Vũ Đức Thuận – nguyên TGĐ PVC cho rằng đại diện VKS chưa đối đáp rõ vấn đề mà luật sư đề ra. Một lần nữa, theo luật sư, Thuận là người đại diện cho PVC và việc làm của Thuận là vì PVC nên trách nhiệm khắc phục thuộc về pháp nhân mà người đó đại diện, tức PVC, nhất là trong trường hợp hiện PVN chưa có yêu cầu bồi thường.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó TGĐ PVN thì cho rằng Sơn chỉ đảm nhận “khúc giữa” của quá trình. Vai trò vị trí chủ quan của Sơn liên quan vụ án này mờ nhạt. Do đó, luật sư đề nghị xem xét áp dụng hết các tình tiết giảm nhẹ cho Nguyễn Xuân Sơn.

Luật sư của Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVC cũng nêu quan điểm cho rằng vai trò của Minh là mờ nhạt, phạm tội lần đầu, nhưng mức án đề nghị quá nặng, do đó đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ thêm cho bị cáo Minh.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực – nguyên TGĐ PVN cảm ơn VKS đã đối đáp, nhận thấy cách làm của Viện kiểm sát khá khoa học và ghi nhận tình tiết giảm nhẹ với thân chủ.

Tuy nhiên, theo luật sư, đây là vụ án có nhiều bị cáo bị truy tố về cùng tội danh, trong cùng vụ việc... Khó khăn cho luật sư khi bảo vệ cho từng cá nhân nguyên là lãnh đạo PVN, cá thể hoá hành vi, chỉ ra đâu là phần có lỗi và không có lỗi của thân chủ. Do đó, không đi vào chi tiết thì không thể nào biết được đâu là trách nhiệm cá nhân dẫn đến sai phạm.

Nhóm PV