Các vụ án được đưa ra xét xử lưu động gồm: vụ án xét xử Nguyễn Kế Vũ (trú TP Đà Nẵng) về tội “Cố ý gây thương tích”, vụ án Lê Thị Quỳnh Tiên và Đặng Văn Phước (trú TP Đà Nẵng) về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Để đảm bảo đạt được hiệu quả, mục đích của phiên tòa lưu động, lãnh đạo VKSND và TAND đã phối hợp chặt chẽ từ khâu lựa chọn vụ án, địa điểm mở phiên tòa, thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử,… bố trí lực lượng bảo vệ trước, trong và sau phiên tòa xét xử lưu động. Tại mỗi phiên tòa xét xử lưu động, các Kiểm sát viên đã căn cứ vào tính chất, nội dung từng vụ án lồng ghép tuyên truyền các quy định, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Tuyên truyền pháp luật thông qua tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động. (Ảnh: TD)

Các phiên tòa xét xử lưu động đều thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham dự. Trên cơ sở luận tội của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử thống nhất với nhận định của Kiểm sát viên về đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và quyết định mức hình phạt phù hợp với hành vi phạm tội của các bị cáo, được dư luận nhân dân đến tham dự phiên tòa đồng tình. HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Kế Vũ 3 năm tù giam, Lê Thị Quỳnh Tiên 8 năm 6 tháng tù, Đặng Văn Phước 1 năm 6 tháng tù giam.

Bằng việc theo dõi phiên tòa một cách trực quan, sinh động, người dân dễ dàng tiếp cận, theo dõi, nắm bắt được các quy định pháp luật, hiểu được điều gì là đúng, là sai, hành vi nào sẽ bị pháp luật trừng trị. Qua đó, có tác dụng thiết thực trong công tác tuyên truyền pháp luật cho quần chúng nhân dân, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

 

Trần Thùy Dương - VKSND quận Thanh Khê