Tại phiên xét xử diễn ra từ ngày 5-7/6, đại diện VKS Quân Sự khu vực 2 vẫn giữ nguyên mức án như đã đề nghị ở phiên xét xử đầu năm 2018. Trước đó, phiên xét xử ngày 19/1/2018, HĐXX Tòa án quân sự khu vực 1 (Quân khu 5) đã chấp nhận đề nghị của đại diện VKS Quân sự khu vực 2 (thuộc VKS Quân sự Trung ương) trả hồ sơ để tiếp tục điều tra bổ sung vụ án này. Tuy nhiên, trong phần điều tra bổ sung không phát sinh thêm tình tiết gì mới làm thay đổi vụ án nên VKS Quân Sự khu vực 2 vẫn giữ nguyên mức án như trước khi trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Cụ thể, phiên xét xử lần này VKS Quân sự khu vực 2 vẫn giữ nguyên đề nghị mức án 30 đến 42 tháng tù đối với bị cáo Lê Xuân Chính. Bị cáo Nguyễn Văn Quang bị đề nghị mức án tương tự do được xác định là người tham gia tích cực nhất trong việc khai thác, vận chuyển trái phép gỗ pơ mu. Bị cáo Tư bị đề nghị xử phạt 30 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Bị cáo Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Sanh và Lê Trọng Dương cùng bị đề nghị mức 24 - 30 tháng tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án 24 - 30 tháng tù treo.

leftcenterrightdel
Các bị cáo tại phiên tòa 

Cáo trạng cho hay, từ năm 2016 bị cáo Lê Xuân Chính đã mốc ngoặc với các bị cáo khác trong đó giúp sức đắc lực là bị cáo Nguyễn Văn Quang (SN 1982, trú xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) trong vụ phá rừng pơ mu tại địa phận khoảnh 3, khoảnh 8, Tiểu khu 351 rừng phòng hộ thuộc xã La Dêê (huyện Nam Giang, Quảng Nam). Sau khi cơ quan chức năng phát hiện và ngăn chặn, các bị cáo đã khai thác trái phép là 41 cây gỗ pơ mu là loại gỗ thuộc nhóm IIA (thực vật rừng quý hiếm, nguy cấp) tổng giá trị thiệt hại được xác định là hơn 3,2 tỷ đồng.

Tại phiên xét xử ngày 19/1/2018, VKS xác định Lê Xuân Chính là chủ mưu và có 20 người khác liên quan đến vụ án cấu thành tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999, bổ sung năm 2009. Tuy nhiên tại phiên xét xử này, Lê Xuân Chính liên tục phủ nhận vai trò chủ mưu vụ phá rừng, đồng thời cho hay Nguyễn Văn Quang mới là người chủ động nói với Chính về khu vực khai thác và Chính chỉ đồng ý với Quang khai thác gỗ trên đất Lào, chứ không phải trên địa phận Việt Nam. Ngược lại Quang lại cung cấp nhiều thông tin mà Quang cho rằng là căn cứ để khẳng định Chính là người chủ mưu vụ phá rừng như cơ quan chức năng xác định. VKS Quân sự khu vực 2 đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung và được HĐXX chấp nhận.

leftcenterrightdel
 Hiện trường một cây pơ mu bị chặt hạ trong vụ án

Tại phiên xét xử được mở lại từ ngày 5-7/6/2018, kết thúc phần tranh tụng vào chiều hôm qua 7/6, sau khi nghị án, ngày  8/6, Tòa án Quân sự khu vực 1 (Quân khu 5) đã tuyên án sơ thẩm. Mức án cụ thể cho các bị cáo gồm: tuyên phạt bị cáo Lê Xuân Chính 48 tháng tù; Nguyễn Văn Quang 42 tháng tù; Nguyễn Văn Thắng 36 tháng tù; Lê Trọng Dương, Mai Văn Cường và Phạm Văn Bồng cùng 32 tháng tù; Mai Văn Châu 30 tháng tù; Nguyễn Văn Sanh 28 tháng tù.

Tuyên phạt bị cáo Tiêu Hồng Tư và Lê Hồng Diêu 30 tháng tù cho hưởng án treo. Các bị cáo Nguyễn Văn Ngự, Nguyễn Văn Danh, Hoàng Văn Sử, Cao Văn Hới, Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Văn Phường, Nguyễn Văn Tùng, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Dũng bị tuyên buộc 25 tháng tù cho hưởng án treo. Tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Luận 12 tháng tù cho hưởng án treo.

Ngoài ra, các bị cáo còn phải liên đới phải bồi thường thiệt hại cho Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung gần 600 triệu đồng. Số tiền này được trừ vào số tiền bán đấu giá số gỗ thu được và đã được nộp vào kho bạc Nhà nước.

Xuân Nha