Tại hiện trường, nhìn cảnh rừng bị phá tan hoang, ông Thanh cho rằng vụ phá rừng tại vực rừng phòng hộ Sông Kôn quy mô tuy không quá lớn nhưng mức độ phá rừng khá nghiêm trọng. Tỉnh Quảng Nam rất quyết liệt nhưng bảo vệ vô cùng khó khăn. “Cứ mỗi lần nhìn những cây rừng như thế này ngã xuống, tôi có cảm giác như máu mình đổ xuống”- ông Thanh nói.
|
|
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (áo trắng) trong buổi thị sát |
Trước đó như báo BVPL đã đưa tin, khu vực rừng phòng hộ Sông Kôn vừa xẩy ra vụ phá rừng nghiêm trọng. Xác định của cơ quan chức năng cho thấy tại khoảnh 8, 9, 10, 11 Tiểu khu 41 xã Tà Lu; khoảnh 1, 3 Tiểu khu 140 Zà Hung; huyện Đông Giang có 33 gốc cây bị chặt hạ, trong đó có 28 gốc thuộc địa bàn xã Tà Lu, 05 gốc thuộc địa bàn xã Zà Hung theo địa giới hành chính. Ước tính khối lượng gỗ thiệt hại là 45,6 m3, gỗ từ nhóm III đến nhóm VII; một số gỗ đã vận chuyển khỏi hiện trường; số gỗ còn tại hiện trường 05 lóng gỗ tròn và 01 cây gỗ chưa cưa xẻ, khối lượng 10,852 m3; 08 phách gỗ xẻ, khối lượng 2,299 m3. cơ quan chức năng đã xác định được các đối tượng gây ra vụ phá rừng này là Vũ Văn Trứng, Vũ Văn Cưng (trú tại rú xã Jơ Ngây), Nguyễn Hồng, Bhnướch Hồng, A Tinh Bnóc (trú tại xã A Ting).
Tại buổi làm việc sáng nay với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại huyện Đông Giang, ông Hồ Văn Minh - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn cũng thừa nhận thiếu sót khi để xảy ra vụ phá rừng. Đồng thời, ông Minh cho biết bản thân cũng chưa kiểm tra, giám sát đến nơi đến chốn nên đã dẫn đến tình trạng phá rừng quy mô lớn và BQL đã có báo cáo gửi cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam về vụ việc.
|
|
Ông Lê Trí Thanh chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi phá rừng |
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu các lực lượng cần tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng một cách khoa học, tổ chức triển khai trên thực tế phải phù hợp với điều kiện cụ thể; công tác tuần tra, phát hiện, xử lý vi phạm phải kịp thời, nhanh và đảm bảo tính nghiêm minh.
“Các đơn vị, địa phương phải xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là việc làm thường xuyên, liên tục chứ không phải theo đợt, theo kế hoạch định sẵn, đặc biệt phải kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi phá rừng. Nếu phát hiện cán bộ kiểm lâm sai phạm trong quản lý khai thác rừng, dứt khoát phải xử lý đến nơi đến chốn. Đồng thời, phải làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền xã để xảy ra phá rừng trên địa bàn”- ông Thanh nói trong buổi làm việc.
Xuân Nha