Ngày 17/10, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên án đối với Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan (giai đoạn 2).

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa giai đoạn 2.

Theo HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan chi phối mọi hoạt động của Tập đoàn Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, phân công cho các bị cáo khác thực hiện các hành vi gian dối trong việc phát hành trái phiếu, chiếm đoạt số tiền 30.081 tỉ đồng của 35.824 bị hại; chỉ đạo các bị cáo khác cắt đứt dòng tiền để che giấu nguồn gốc số tiền hơn 415.000 tỉ đồng do phạm tội mà có.

HĐXX đồng ý với quan điểm của VKSND TP Hồ Chí Minh, xác định bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ án, do đó tuyên phạt bị cáo Lan chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 8 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” và 12 năm tù về tội “Rửa tiền”.

Ngoài ra, HĐXX cũng tuyên phạt bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 8 năm tù về tội “Rửa tiền”, 6 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hình phạt mà bị cáo Hoàng phải chịu là 23 năm tù.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, từ tháng 12/2013 đến tháng 7/2020) bị tuyên phạt 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”,  5 năm tù “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hình phạt mà bị cáo phải chịu là 17 năm tù.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”,  7 năm tù về tội “Rửa tiền”. Tổng hình phạt mà bị cáo phải chịu là 14 năm tù.

Bị cáo Ngô Thanh Nhã (Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty An Đông) bị tuyên phạt 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bị cáo Lan) bị tuyên phạt 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan) bị tuyên phạt 2 năm tù về tội “Rửa tiền”.

Bị cáo Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) bị tuyên phạt 11 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 2 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, 3 năm tù về tội “Rửa tiền”. Tổng hợp hình phạt là 16 năm tù.

Bị cáo Trịnh Quang Công (Giám đốc Công ty Acumen) bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, 5 năm tù về tội “Rửa tiền”. Tổng hợp hình phạt là 15 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Hữu Hiệu (Phó tổng giám đốc Công ty An Đông) bị tuyên phạt 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hợp hình phạt là 12 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Vũ Anh Thi (Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Việt Nam) bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiế đoạt tài sản”, 2 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hợp hình phạt là 9 năm tù.

Bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Bến Thành) bị tuyên phạt 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 2 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Tổng hợp hình phạt là 10 năm tù.

Bị cáo Hồ Bửu Phương (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị tuyên phạt 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiế đoạt tài sản”.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX nhận định, các bị cáo liên đới bồi thường hơn 30.000 tỉ đồng cho 35.824 bị hại.

Đối với 79 tài khoản của các bị cáo với tổng số tiền hơn 92 tỉ đồng và hơn 5.000 USD; 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán TVSI của các bị cáo, người liên quan và các pháp nhân liên quan với tổng số tiền 824 tỉ đồng và 261.000 USD. Hội đồng xét xử chấp thuận đề nghị của các các bị cáo là chuyển số tiền trên để khác phục hậu quả vụ án.

Riêng đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, HĐXX xét thấy có liên quan đến nghĩa vụ bồi thường nên cần tiếp tục chấm dứt giao dịch, tạm dừng giao dịch để đảm bảo thi hành án, đảm bảo nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Lan. Đồng thời, tiếp tục kê biên 73,04% cổ phần tại Công ty CP Đầu tư Hợp Thành 1; 82% phần vốn góp tại Công ty TNHH bảo hiểm FWD Việt Nam; 77,89% cổ phần Công ty CP dược phẩm Đông Dược 5;  84,82% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông; 13,23% cổ phần tại CTCP Đầu tư Sao Thủy… do có liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan, các bị cáo và cá nhân khác.

Trước đó, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh luận tội, khẳng định bị cáo Trương Mỹ Lan thành lập, nắm giữ 60% cổ phần và làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ năm 1992 đến nay. Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan thông qua người thân, pháp nhân và cá nhân khác đứng tên hộ để nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán TVSI qua đó thao túng, chỉ đạo, điều hành, chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân này.

Từ năm 2018 đến năm 2020, Trương Mỹ Lan đã đề ra chủ trương và chỉ đạo Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT; Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc; Nguyễn Phương Hồng, Phó Tổng Giám đốc thuộc Ngân hàng SCB; Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI và Hồ Bửu Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sử dụng 4 Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu khống với tổng khối lượng hơn 308 triệu trái phiếu để huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư, thu về tổng số tiền hơn 30.081 tỉ đồng, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.

Từ ngày 1/1/2018 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt tổng số tiền hơn 445.748 tỉ đồng thông qua tham ô tài sản và phát hành trái phiếu. Trong quá trình chiếm đoạt số tiền trên, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo đồng phạm thực hiện các hành vi rút tiền, chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB nhằm che giấu nguồn gốc, hợp thức sử dụng số tiền tiền do phạm tội mà có chủ yếu để chi trả các khoản vay của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB; trả nợ giữa các công ty/cá nhân trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay mượn nhau; chuyển tiền ra nước ngoài thanh toán các hợp đồng “khống”.

Từ ngày 27/10/2012 đến ngày 7/10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập các hợp đồng "khống" mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn giữa các công ty tại Việt Nam và công ty ở nước ngoài. Thông qua các hợp đồng này thực hiện chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài tổng số tiền hơn 4,5 tỉ USD, tương đương hơn 106.730 tỉ đồng./.

Đại Lánh