Gần 100 tháng tù cho 5 bị cáo

TAND huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai vừa đưa ra xét xử vụ án về “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” và tuyên phạt các bị cáo Lê Quốc Toản 4 năm tù, Đinh Bơch, Đinh Xơch 14 tháng tù, Đinh Kel 12 tháng và Đinh Kom 7 tháng tù.

Theo cáo trạng, sau khi nhận được thông tin về vụ tập kết gỗ tại thôn 4, xã Đắk Pơ Pho, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai, ngày 11/7/2022 Cơ quan CSĐT Công an huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai chủ trì tiến hành khám nghiệm hiện trường tại vị trí vườn nhà rẫy của Lê Quốc Toản (SN 1983, chỗ ở hiện nay thôn 4, Đăk Pơ Pho, Kông Chro, Gia Lai).

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên xét xử.

Kết quả khám nghiệm xác định có 788 thanh, lóng, hộp gỗ đã được chế biến thành phẩm quy cách làm nhà ở, tổng khối lượng quy thành tròn là 50,923m3 gỗ thông thường từ nhóm II đến nhóm VI. Trong đó chủng loại gỗ Xoay 22,594m3, Bằng lăng 14,181m3, Cà chít 4,372m3, SP3 9,774m3.

Quá trình điều tra xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2019, Lê Quốc Toản đã thuê các đối tượng gồm Đinh Kom (SN 1988), Đinh Kel (SN 1980), Đinh Bơch (SN 1975) và Đinh Xơch (SN 1990 cùng trú tại huyện Kông Chro – Gia Lai) đi khai thác gỗ tại lô 6, khoảnh 6, tiểu khu 753 thuộc xã Đăk Pơ Pho, huyện Kông Chro lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp IaPa quản lý.

Khi lên đến rừng, Toản đi tìm kiếm những cây gỗ cần khai thác rồi dùng rựa đánh dấu lên thân cây, sau đó Toản nói với Đinh Kom, Đinh Kel, Đinh Bơch và Đinh Xơch dùng cưa lốc cưa hạ các cây gỗ mà Toản đã đánh dấu rồi cưa xẻ hộp theo quy cách. Đối với những cây thẳng, có đường kính lớn từ 35 cm trở lên thì Toản yêu cầu lấy nguyên cây dài từ 6m -7m.

leftcenterrightdel
 Số gỗ tang vật tại hiện trường mà Báo Bảo vệ pháp luật ghi nhận được.

Sau khi cưa hạ và xẻ hộp xong, các đối tượng tập kết gỗ lên đường mòn và phụ giúp Toản lái máy cày kéo gỗ về rẫy của Toản. Quá trình khai thác gỗ thì Toản cùng với Kom, Kel, Bơch, Xơch đã khai thác 45 cây gỗ từ nhóm III đến nhóm VI với khối lượng gỗ bị thiệt hại là 24,401m3, gồm chủng loại cà chít, SP3, bằng lăng.

Trong đó, Đinh Kom tham gia khai thác 32 cây gỗ với khối lượng 17,313m3, Đinh Kel tham gia khai thác 41 cây gỗ với khối lượng 22,95m3, Đinh Bơch tham gia khai thác 41 cây gỗ với khối lượng 22,95m3, Đinh Xơch tham gia khai thác 41 cây gỗ với khối lượng 23,76m3. Mỗi ngày đi khai thác gỗ thì Toản trả 150 ngàn đồng/ngày/người.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng cũng xác định Toản đã mua 2 bộ hồ sơ, hóa đơn giá trị gia tăng của công ty TNHH MTV Đồng Minh (địa chỉ trụ sở 636 Quang Trung, Phường Tây Sơn, thị xã An Khê, Gia Lai) để nhằm hợp thức hóa số gỗ khai thác trái phép.

Xét thấy việc mua bán hóa đơn này xảy ra trên địa bàn thị xã An Khê nên Cơ quan CSĐT Công an huyện Kông Chro đã ban hành công văn số 86/CV-CSĐT ngày 31/7/2023 chuyển vụ việc trên đến Cơ quan CSĐT Công an thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Đối với hành vi thiếu trách nhiệm của nhân viên bảo vệ, quản lý rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp IaPa tại lô 6 khoảnh 6 tiểu khu 753 Cơ quan CSĐT Công an huyện Kông Chro tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sau.

leftcenterrightdel
 Các bị can Đinh Bơch, Đinh Xơch, Đinh Kel và Đinh Kom và hiện trường nơi khai thác gỗ trái phép.

Từ điều tra như trên, VKSND huyện Kông Chro tỉnh Gia Lai ban hành cáo trạng truy tố các bị can Lê Quốc Toản, Đinh Bơch, Đinh Kel, Đinh Xơch tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 232 BLHS 2015. Truy tố bị can Đinh Kom tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 232 BLHS 2015.

Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 11/10, TAND huyện Kông Chro tuyên phạt bị cáo Lê Quốc Toản 4 năm tù, Đinh Bơch, Đinh Xơch 14 tháng tù, Đinh Kel 12 tháng và Đinh Kom 7 tháng tù. Ngoài ra, HĐXX còn tuyên phạt tiền bổ sung đối với Lê Quốc Toản và yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với các bị cáo. Tuyên tịch thu sung công quỹ 50,923m3 gỗ và một máy cày là tang vật của vụ án.

Báo Bảo vệ pháp luật đưa vụ việc ra ánh sáng

Trước đó, Báo Bảo vệ pháp luật có phản ánh về một vụ tập kết gỗ quy mô lớn tại bìa rừng làng Chư Krey, xã Đăk Pơ Pho huyện Kông Chro. Sau khi Báo có phản ánh, UBND huyện Kông Chro có công văn đề nghị cơ quan chức năng huyện Kông Chro vào cuộc điều tra xử lý vụ việc.

leftcenterrightdel
 PV Báo Bảo vệ pháp luật tác nghiệp tại hiện trường vụ cất giấu gỗ quy mô lớn tại xã Đăk Pơ Pho, huyện Kông Chro.

Theo đó, những ngày đầu tháng 10/2022, Phóng viên (PV) Báo Bảo vệ pháp luật nhận được nguồn tin từ quần chúng nhân dân về một vụ tập kết gỗ quy mô lớn tại xã Đăk Pơ Pho, huyện Kông Chro (Gia Lai). Báo tin và cho biết địa điểm nơi tập kết gỗ nhưng nguồn tin khuyên PV không nên tiếp cận hiện trường. “Anh chỉ cho biết vậy thôi, chú đừng liều mà vào đó, động đến mấy ông buôn gỗ là nguy hiểm lắm” nguồn tin nói khi gọi điện cho PV.

Sau khi cân nhắc và báo cáo với lãnh đạo Văn phòng đại diện miền Trung – Tây Nguyên, Báo Bảo vệ pháp luật theo quy định, PV đã quyết định tới hiện trường để điều tra sự việc. Ngay trong buổi chiều hôm đó, PV đã lái xe chạy hơn 8 giờ đồng hồ từ TP Đà Nẵng để lên huyện Kông Chro (Gia Lai), khi tới nơi đã là đêm muộn.

Sáng hôm sau, PV đã cố gắng tiếp cận hiện trường nơi tập kết gỗ tại bìa rừng thuộc làng Chư Krey, xã Đăk Pơ Pho. Tuy nhiên, khi chuẩn bị tiếp cận hiện trường, PV tiếp tục nhận được lời cảnh báo từ người dân làng Chư Krey. “Gỗ họ giấu trong bìa rừng kia kìa nhưng em đừng vào. Vào đó họ đuổi đánh không có đường chạy thoát thân đâu”, một người dân vừa chỉ về phía đám rẫy mía bên bìa rừng vừa đưa lời cảnh báo cho PV.

leftcenterrightdel
 Chiếc máy cày là phương tiện chở gỗ trong vụ án.

Nhận thấy sự nguy hiểm nếu vào hiện trường mà không có sự trợ giúp nên PV quay lại UBND xã Đăk Pơ Pho để tìm kiếm sự giúp đỡ. “Chỗ đó tôi biết, đường vào khó đi lắm, để tôi lấy xe máy chở anh vào” ông T. – một lãnh đạo tại xã Đăk Pơ Pho đồng ý giúp PV tiếp cận hiện trường.

Tiếp cận hiện trường, PV nhận thấy hàng chục khối gỗ được tập kết tại bìa rừng thuộc làng Chư Krey, xã Đăk Pơ Pho. Điểm tập kết cách cánh rừng khoảng 200m đến 500m khuất lấp sau cánh đồng mía của người dân. Tất cả số gỗ đều được làm thành phẩm của một căn nhà có quy mô lớn đã hoàn thành các công đoạn gia công và chỉ chờ được dựng lên.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND huyện Kông Chro kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Sau khi tiếp cận, ghi nhận hiện trường, PV đã liên hệ làm việc và cung cấp thông tin này cho lãnh đạo UBND huyện huyện Kông Chro. Tiếp nhận thông tin, UBND huyện Kông Chro đã chỉ đạo làm rõ sự việc.

Nói về vụ án này, lãnh đạo VKSND huyện Kông Chro cho biết, Báo Bảo vệ pháp luật đã nhận định và phản ánh chính xác về vụ việc. “Chiếc máy cày mà Báo Bảo vệ pháp luật chụp được chính xác là công cụ để các đối tượng sử dụng để vận chuyển gỗ”, lãnh đạo VKSND huyện Kông Chro nói.

Xuân Nha- Hoàng Long