Kỳ lạ việc “chở gỗ về rừng”

Những ngày cuối tháng 6/2022, báo Bảo vệ pháp luật nhận được thông tin về một vụ tập kết gỗ rất lớn tại xã Đăk Pơ Pho, huyện Kông Chro tỉnh Gia Lai. Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật đã đến hiện trường để tìm hiểu sự việc và rất bất ngờ trước những gì đã được chứng kiến.

leftcenterrightdel
 Số lượng gỗ lớn đã thành phẩm được tập kết tại xã Đăk Pơ Pho, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.

Tại hiện trường, hàng chục khối gỗ được tập kết tại bìa rừng thuộc làng Chư Krey, xã Đăk Pơ Pho. Điểm tập kết cách cánh rừng khoảng 200m đến 500m khuất lấp sau cánh đồng mía của người dân. Điều đáng đáng nói là tất cả số gỗ đều được làm thành phẩm của một căn nhà. Theo quan sát, đây là thành phẩm của một căn nhà có quy mô lớn đã hoàn thành các công đoạn gia công và chỉ chờ được dựng lên.

Hiện trường là các cột gỗ lớn đã được bào nhẵn, phun sơn được tập kết lại được che phủ bằng vải bạt. Ngoài ra các thành phần khác của căn nhà cũng được gia công xong và chất đống lại tại đây. Cách chỗ tập kết gỗ khoảng chục mét là một máy cưa chạy bằng điện được lắp đặt dùng để phục vụ việc gia công các thành phần của căn nhà. Điểm tập kết gỗ này cách trụ sở UBND xã Đăk Pơ Pho khoảng 6km.

leftcenterrightdel
 Gỗ đã được ra thành phẩm của một căn nhà.

Theo ông Trương Quang Giàu – Chủ tịch UBND xã Đăk Pơ Pho, UBND xã đang phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ việc tập kết gỗ nói trên. “Chúng tôi được biết, số gỗ này là của một người dân địa phương. Họ mua gỗ từ một xưởng gỗ ở An Khê chở về đây để làm nhà. Tôi cũng thắc mắc là anh này cũng không khá giả gì lắm mà sao lại mua gỗ để làm một căn nhà lớn như vậy”, ông Giàu nói.

Cơ quan Công an vào cuộc điều tra

Trao đổi với PV báo Bảo vệ pháp luật, ông Huỳnh Ngọc Ẩn – Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, huyện có công văn chỉ đạo làm rõ sự việc và yêu cầu Công an huyện chủ trì phối hợp với các cơ quan khác điều tra xác minh nguồn tin. UBND huyện Kông Chro cũng ban hành công văn về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, kiểm tra xác minh nguồn gốc gỗ tại làng Chư Krey, xã Đăk Pơ Pho.
UBND huyện Kông Chro giao Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra xác minh làm rõ nguồn gốc, số lượng, chủng loại gỗ tại điểm tập kết nêu trên. Tuy nhiên, qua đánh giá vụ việc, UBND huyện Kông Chro nhận định đây là một vụ tập kết, tàng trữ, cất giấu gỗ với quy mô lớn có nhiều tình tiết phức tạp cần kiểm tra xác minh làm rõ.
 
leftcenterrightdel
 Chiếc máy cưa tại hiện trường.

UBND huyện Kông Chro đã ban hành công văn về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, kiểm tra xác minh nguồn gốc gỗ tại làng Chư Krey, xã Đăk Pơ Pho. Tại công văn này, UBND huyện Kông Chro giao Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra xác minh ràm rõ nguồn gốc, số lượng, chủng loại gỗ tại điểm tập kết nêu trên. Tuy nhiên, qua đánh giá vụ việc, UBND huyện Kông Chro nhận định đây là một vụ tập kết, tàng trữ, cất giấu gỗ với quy mô lớn có nhiều tình tiết phức tạp cần kiểm tra xác minh làm rõ.

Vì vậy, UBND huyện Kông Chro giao Công an huyện chủ trì phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa, các đơn vị liên quan và UBND xã Đăk Pơ Pho khẩn trương điều tra xác minh làm rõ nguồn gốc, số lượng, chủng loại gỗ, phương tiện nào vận chuyển, thời gian vận chuyển.  Xác định việc lắp đặt bộ máy cưa tại vị trí trên có đúng quy định hay không.

leftcenterrightdel
 Video hiện trường.

Giao Hạt Kiểm lâm huyện chủ trì phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa, UBND xã Đăk Pơ Pho và các đơn vị có liên quan kiểm tra mở rộng hiện trường tại tiểu khu 753 và các khu vực lân cận thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa và UBND xã Đăk Pơ Pho để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác lâm sản trái phép.

Nhiều câu hỏi được đặt ra

Tìm hiểu sâu hơn, PV báo Bảo vệ pháp luật được biết thêm, vụ tập kết gỗ này không phải mới xảy ra mà gỗ này tồn tại từ năm 2021 đến bây giờ. Thông tin từ UBND xã Đăk Pơ Pho cho hay, năm 2021, chủ gỗ đã có hồ sơ gửi Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro để xin làm nhà. Tuy nhiên, Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro đã không  có công văn phản hồi lại cho chủ gỗ.  “Chủ gỗ cung cấp hai bộ hồ sơ về việc mua gỗ từ một xưởng gỗ tại An Khê với khối lượng là hơn 42m3 gỗ. Hồ sơ này bây giờ Hạt Kiểm lâm và Công an giữ, chúng tôi không giữ”, lãnh đạo UBND xã Đăk Pơ Pho cho biết.
PV báo Bảo vệ pháp luật cũng đã đến Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro để tiếp cận sự việc. Tuy nhiên, ông Trần Hùng Anh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro đã không có mặt tại trụ sở. Qua điện thoại, ông Trần Hùng Anh giới thiệu phóng viên liên hệ làm việc với ông Trương Văn Sơn – Phó Hạt trưởng.  Làm việc với phóng viên, ông Trương Văn Sơn – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro lại không thể trả lời các câu hỏi. “Tôi mới nhận chức Phó Hạt trưởng mới đây mà hồ sơ vụ này lại có từ 2021 trước khi tôi nhận chức nên tôi không rõ lắm. Tôi không biết để trả lời các câu hỏi của các anh”, ông Sơn nói.

leftcenterrightdel
 Một chiếc máy cày hoán cải ở hiện trường vụ cất giấu gỗ.

Sau khi phát hiện vụ việc dư luận đặt câu hỏi tại sao sự việc bắt đầu từ năm 2021 nhưng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro lại không giải quyết dứt điểm. Hơn 42m3 gỗ được vận chuyển vào bìa rừng là rất khó khăn tại sao lại qua mặt được cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng nhất là Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro ở đâu khi để người dân dựng lán trại, lắp đặt máy cưa tại bìa rừng để gia công gỗ trong một thời gian dài như vậy?

Như ông Huỳnh Ngọc Ẩn – Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro đã nói “Việc chuyển gỗ về rừng như vậy khiến chúng tôi có nhiều nghi ngờ nên không giao cho Kiểm lâm nữa mà phải giao cho Công an huyện điều tra mới làm rõ được”.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên, giai đoạn 2016 – 2030”. Mục tiêu của đề án là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng. Đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của khu vực Tây Nguyên. Một trong những giải pháp bảo vệ rừng được nêu trong đề án là điều tra, triệt phá những “đầu nậu”, chủ đường dây phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và chống người thi hành công vụ, sớm đưa ra truy tố, xét xử các vụ án điển hình tại một số địa phương trọng điểm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Xuân Nha