Trước đó, 7h30' sáng 16/9, các bị cáo đầu tiên trong vụ gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã được đưa tới TAND tỉnh Sơn La để xét xử.

Từ sáng sớm, lực lượng an ninh, bảo vệ phiên tòa đã có mặt tại TAND tỉnh Sơn La và được triển khai hai bên đường Tô Hiệu (đường dẫn đến TAND tỉnh Sơn La), để bảo vệ phiên tòa.

Phiên tòa có số lượng các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đông nhất từ trước tới nay được đưa ra xét xử tại Sơn La. Tổng số người bị triệu tập, làm chứng để xét xử lên đến 90 người, trong đó có 8 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ công tác trong ngành Giáo dục tỉnh Sơn La, 47 người  và đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 43 người làm chứng.  

leftcenterrightdel
Các bị cáo tại phiên tòa 

Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Quản Hữu Chiến. Đại diện VKSND tỉnh Sơn La giữ quyền công tố tại phiên tòa là các KSV Lê Thu Hà và KSV Nguyễn Văn Thành.

Phiên tòa được mở tại Phòng xét xử số 4, dù là phòng xét xử lớn nhất của TAND tỉnh Sơn La nhưng chỉ kê được 5 hàng ghế dành cho các bị cáo. Phòng xử không có đủ chỗ cho các người liên quan bị triệu tập đến tòa.

Khu vực tác nghiệp báo chí được bố trí ở góc dưới cùng bên trái phòng xét xử, khá khó khăn cho việc tác nghiệp.

Ngoài ra, với quy định không sử dụng điện thoại để quay phim, chụp ảnh cũng gây khó khăn cho các phóng viên đưa tin tòa.

Trong buổi sáng 16/9, phần thủ tục, xét lý lịch, căn cước của các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng thì 44/47 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và 32/43 nhân chứng vắng mặt. Vì vậy, sau khi hội ý, Chủ tọa phiên tòa đã quyết định hoãn phiên tòa. Đồng thời, Chủ tọa cũng công bố ngày 15/10 sẽ mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này.

leftcenterrightdel
Khu vực tác nghiệp của phóng viên chật chội  khó khăn cho việc tác nghiệp

Cáo trạng của VKS xác định hành vi nhận tiền, thoả thuận sẽ nhận tiền để sửa nâng điểm cho thí sinh của các bị cáo có dấu hiệu của tội Nhận hối lộ, Đưa hối lộ và Môi giới hối lộ. Tuy nhiên, ngoài lời khai của các bị cáo và số tiền đã nộp cho Cơ quan điều tra, không có tài liệu nào khác để chứng minh nên không có căn cứ để truy cứu hình sự.

Bị cáo Yến trước kỳ thi đã thông qua mối quan hệ cá nhân nhận giúp nâng điểm cho 15 thí sinh. Trong đó ông Yến nhận từ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La Hoàng Tiến Đức danh sách 8 thí sinh cần nâng điểm, trong đó 5 người muốn nâng 27 điểm cho ba môn. Cáo trạng không xác định ông Yến có hành vi nhận tiền để nhờ nâng điểm.

Bị cáo Nga trực tiếp nhận thông tin nhờ nâng điểm cho 16 thí sinh. Trong số này, bà Nga nhận hơn một tỷ đồng để nâng điểm cho bốn em và sau đó đã tự nguyện nộp cho Cơ quan An ninh điều tra. Các gia đình thí sinh đều phủ nhận đưa tiền cho bà Nga nhờ nâng điểm.

Trong số 7 thí sinh nhờ sửa điểm, bị cáo Huynh nhận một tỷ đồng của một người đàn ông ở thành phố Sơn La để nâng điểm cho hai thí sinh, 300 triệu đồng để nâng điểm cho một thí sinh. Bị cáo Thuỷ nhận 500 triệu đồng của ba người và bị cáo Sọn nhận 440 triệu để sửa điểm cho một thí sinh.

Theo kết quả điều tra, 18 trường hợp trung gian đã nhận thông tin từ người nhà các thí sinh hoặc thông qua người khác. Trong số này hai người không thừa nhận cung cấp thông tin thí sinh, 16 người thừa nhận chuyển thông tin thí sinh nhưng chỉ "nhờ xem trước điểm thi".

Với phụ huynh của các thí sinh, 27 người thừa nhận chuyển thông tin nhờ xem điểm và không hứa hẹn gì về lợi ích vật chất với các bị cáo hay người trung gian. 15 phụ huynh không thừa nhận cung cấp tên thí sinh cho các bị cáo và người trung gian.

Ngọc Đức