Kế hoạch và phương thức đào tẩu của hai tử tù

Sáng 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Trốn khỏi nơi giam, giữ” và “Che giấu tội phạm”. Hai bị cáo Lê Văn Thọ (tức Thọ “sứt”, SN 1980, trú tại xã Thanh Sơn, Thanh Hà, Hải Dương) và Nguyễn Văn Tình (SN 1989, ở xã Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội) bị đưa ra xét xử về tội “Trốn khỏi nơi giam giữ” theo Điều 386 Bộ luật Hình sự năm 2015.

4 bị cáo Nguyễn Thị Phương Lan (SN 1994, trú tại phường Phả Lại, thị xã Chí Linh, Hải Dương), Nguyễn Văn Hạnh (SN 1972), Nguyễn Văn Việt (SN 1985), Nguyễn Văn Ba (SN 1989), đều trú ở xã Yên Quang, Kỳ Sơn, Hòa Bình cùng bị đưa ra xét xử về tội “Che giấu tội phạm”, quy định tại Điều 389 BLHS.

Theo Cáo trạng của VKSND Tp. Hà Nội: Ngày 27/4/2017, Nguyễn Văn Tình bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Tương tự, ngày 18/5/2017, Lê Văn Thọ cũng bị TAND tỉnh Hà Nam áp dụng hình phạt tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Trong thời gian kháng cáo và chờ được xét xử phúc thẩm, ngày 1/7/2017, Tình và Thọ được chuyển vào giam chung tại buồng giam số 3, khu D, Trại Tạm giam T16 - Bộ Công an.

Sau ít ngày quan sát, Thọ “sứt” nhận thấy cơ sở vật chất ở buồng giam đã cũ và xuống cấp. Đối tượng nảy sinh ý định trốn khỏi nơi giam giữ. Ngày 10/7/2017, Thọ “sứt” nói rõ kế hoạch bỏ trốn và rủ Tình cùng thực hiện. Cả hai đã bàn bạc, trao đổi, thống nhất cách thức trốn khỏi nơi giam và cùng nhau chuẩn bị dụng cụ cho việc trốn. Từ 16h30 đến 23h ngày 10/9/2017, Thọ và Tình đã tháo khóa mở cùm, xé chăn bện thành dây và dùng đinh sắt đục khoét thủng tường gạch trốn khỏi buồng biệt giam.

Trả lời HĐXX, Thọ “sứt” khai, vừa vào Trại tạm giam T16 Bộ Công an được 1 ngày, bị cáo này đã nảy sinh ý định đào tẩu. Quan sát thấy cơ sơ vật chất phòng giam đã xuống cấp, Thọ rủ Tình cùng thực hiện hành vi trốn trại. Thọ và Tình nhìn thấy trên tường để đồ có 2 chiếc đinh vít bằng sắt có thể dùng làm vật để cạo khoét tường gạch. Lợi dụng quản giáo không có mặt, Tình tháo lỏng chiếc đinh vít nhưng vẫn để nguyên vị trí trên tường. Để mở được khóa cùm chân, Thọ bảo Tình rút sợi chỉ từ khăn mặt để cưa cắt lấy một mảnh nhựa nhỏ từ nắp hộp đựng cơm bằng nhựa dùng làm thìa mở ổ khóa.

leftcenterrightdel
Thọ "sứt" và Tình tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 

Theo trình bày của Lê Văn Thọ, việc chuẩn bị đào tẩu diễn ra trong nhiều ngày. Khi thực hiện việc mở khóa cùm, Thọ lấy mảnh nhựa mở khóa, tháo cùm chân cho Tình. Hai tử tù xé chăn bện dây vải dài khoảng 10m có thắt nút từng đoạn để dùng làm dây đu qua các bức tường bao của trại tạm giam.

Theo Thọ, do trước đó Tình bị tạm giam tại khu B1 nên đã quan sát được sơ đồ, địa hình của trại giam T16. Lợi dụng lúc cán bộ quản giáo đổi ca trực, hai đối tượng đu dây trèo qua tường rào thoát khỏi trại giam. Sau khi trốn trại, Thọ đi Hưng Yên, đòi nợ được 100 triệu đồng, sau đó di chuyển xuống Quảng Ninh bằng taxi.

Xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho những người liên quan

Cáo trạng xác định, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Văn Việt và Nguyễn Văn Ba biết Tình là đối tượng bị kết án tử hình đã trốn khỏi nơi giam giữ nhưng vẫn bao che, cho ăn uống, cho mượn điện thoại để liên lạc và cho mượn xe máy để tử tù di chuyển trốn tránh sự truy bắt của cơ quan công an.

Đối với Nguyễn Thị Phương Lan, cô gái này cũng biết rõ người yêu cũ đã bị kết án tử hình nhưng trốn khỏi nơi giam giữ song vẫn nghe điện thoại, giúp tử tù liên lạc với người thân, cùng thuê nhà nghỉ ở với nhau và gọi xe taxi cho Thọ đi trốn tránh sự truy bắt của cơ quan công an.

“Bị cáo có gọi cho bị cáo Lan, có nói chuyện và bị cáo Lan khuyên bị cáo ra đầu thú.” -Thọ “sứt” trình bày và mong muốn HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Lan. Bị cáo đã nhận thức được việc làm sai trái của mình đã làm liên lụy đến nhiều người. Ba cán bộ quản giáo đã bị truy tố vì hành vi sai trái của bị cáo. Khi rơi vào hoàn cảnh giữa sự sống và cái chết, nếu không bị kết án tử hình thì bị cáo cũng không trốn trại.

leftcenterrightdel
Các bị cáo bị xét xử tội "che giấu tội phạm" 

Tỏ ra ăn năn vì hành động của mình đã làm ảnh hưởng tới nhiều người, bị cáo Tình xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho những người liên quan. Khai báo trước tòa, 4 bị cáo bị cáo buộc giúp sức cho 2 tử tù trốn trại đều thừa nhận hành vi phạm tội và mong muốn HĐXX xem xét khi lượng hình.

Hai tử tù nhận thêm bản án 7 năm tù

Trình bày quan điểm trước tòa, đại diện Viên KSND TP Hà Nội khẳng định, lời khai của các bị cáo phù hợp với tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Hành vi phạm tội của hai bị cáo Thọ và Tình là nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu cho xã hội. Hai bị cáo nhận thức được hành vi nhưng vẫn cố ý thực hiện. Các bị cáo khác với tình cảm cá nhân đã giúp sức cho Thọ và Tình trốn thoát, gây khó khăn cho lực lượng truy bắt.

Đại diện VKS nhận định: Cáo trạng đã truy tố đúng người, đúng tội. Các bị cáo đã trưởng thành, 2 bị cáo Thọ và Tình đã bàn bạc với nhau để thực hiện hành vi phạm tội. Các bị cáo khác để giúp 2 bị cáo trên đã không tố giác, có dấu hiệu coi thường pháp luật. Tuy nhiên, các bị cáo đồng phạm giúp sức cho hai bị cáo trốn chạy phạm tội lần đầu, tại cơ quan điều tra cũng như trước tòa đều thành khẩn khai báo.

Sau giờ nghị án, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt Lê Văn Thọ và Nguyễn Văn Tình mỗi bị cáo 7 năm tù giam. Tổng hợp các hình phạt trước đó, buộc hai bị cáo phải chịu mức án chung là tử hình. Bị cáo Nguyễn Văn Hạnh bị tòa tuyên phạt 12 tháng tù; các bị cáo Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Văn Việt và Nguyễn Thị Phương Lan cùng chịu mức án 9 tháng tù.

Liên quan đến vụ việc này, trước đó, ngày 4/5, Viện KSND Tối cao đã ban hành cáo trạng, truy tố 3 cựu cảnh sát trong tội “Thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn” trong vụ 2 tử tù vượt ngục tại trạm tạm giam T16 Bộ Công An là Lê Văn Thọ (tức Thọ “sứt”) và Nguyễn Văn Tình.

Theo đó, các cựu cảnh sát bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gồm: Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Đức Thắng (nguyên thiếu úy, nguyên cán bộ quản giáo tại trại tạm giam T16) và Nguyễn Thái Hoàng (nguyên trung sĩ cảnh sát bảo vệ trại tạm giam T16). Cơ quan tố tụng xác định, việc để 2 tử tù vượt ngục, các bị can Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Đức Thắng là cán bộ quản giáo nhưng quá trình thực hiện nhiệm vụ, hai bị can đã không tuân thủ đúng các quy định pháp luật, quy chế nghiệp vụ của Bộ Công an và Trại tạm giam T16 về quản lý, kiểm tra buồng giam nên không phát hiện các dụng cụ cũng như hành vi bỏ trốn của Thọ và Tình.

Bị can Nguyễn Hoàng Thái, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao đã không tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật, quy chế nghiệp vụ của Bộ Công an và Trại tạm giam T16 về việc canh gác và bảo vệ mục tiêu canh giữ. Thái tự ý bỏ vị trí được phân công tại chòi C nên 2 tử tù đã lợi dụng việc này để trốn khỏi nơi giam giữ. Quá trình điều tra, 3 cựu cảnh sát đã thành khẩn khai báo, thừa nhận do thiếu trách nhiệm, chủ quan nên để xảy ra vụ vượt ngục. Theo khai nhận, vi phạm này không có động cơ cá nhân hoặc tác động từ người khác.

Đối với một số vi phạm của các cán bộ chiến sĩ khác của Trại tạm giam T16 chưa đến mức phải xử lý hình sự, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã có văn bản kiến nghị Trại tạm giam T16, Bộ Công an, xem xét xử lý kỷ luật.

 

Nhóm Pv