Lấy 1 tỷ 540 triệu đồng, Tự và Bản chia nhau chiếm hưởng, không trả lại cho Công ty Thịnh An. Khi bị đòi nhiều lần, Tự và Bản bỏ trốn với mục đích chiếm đoạt số tiền trên.

Nguyễn Gia Tự (63 tuổi, trú tại phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoa) thành lập Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Gia Lộc (viết tắt là Công ty Gia Lộc) từ năm 2003 và đứng danh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty.

Một năm sau, Tự ký quyết định bổ nhiệm Thiều Thị Bản (60 tuổi, trú tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội) làm Phó Giám đốc Công ty Gia Lộc và ủy quyền cho Bản được đóng dấu công ty thực hiện ký kết các hợp đồng liên danh, liên kết với các công ty, đơn vị kinh tế. Quá trình hoạt động, Bản và Tự đã lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng của đối tác sau đó bỏ trốn.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, ông Đỗ Danh Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thương mại Thịnh An (viết tắt là Công ty Thịnh An) gửi đơn đến cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội tố cáo Bản có hành vi chiếm đoạt của Công ty Thịnh An số tiền 1,5 tỷ đồng trong việc ký hợp đồng thi công san lấp mặt bằng khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn -  Thanh Hóa giai đoạn 2 và khu công nghiệp cầu cảng Phước Đông (huyện Cần Đước, tỉnh Long An).

 

Hai bị cáo Tự và Bản tại phiên xử.
Hai bị cáo Tự và Bản tại phiên xử.


Quá trình điều tra đã xác định, ngày 8-9-2009, Bản đại diện cho Công ty Gia Lộc ký hợp đồng liên danh thuê thiết bị thi công công trình san lấp mặt bằng khu vực nhà máy thuộc Dự án liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn giai đoạn 2.

Ngày 12-11-2009, Bản đại diện cho Công ty Gia Lộc ký hợp đồng liên danh thi công Dự án san lấp mặt bằng Cụm công nghiệp cầu cảng Phước Đông với Công ty Thịnh An. Sau khi ký hợp đồng, Công ty Gia Lộc đã thu tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng của Công ty Thịnh An.

Một thời gian sau, Công ty Thịnh An không tiếp tục tham gia dự án, Bản đã trả lại cho ông Khánh 50 triệu đồng. Còn lại 1 tỷ 540 triệu đồng, Tự và Bản chia nhau chiếm hưởng, không trả lại cho Công ty Thịnh An. Khi bị đòi nhiều lần, Tự và Bản bỏ trốn với mục đích chiếm đoạt số tiền trên. Tháng 1- 2015, Bản bị bắt theo lệnh truy nã. Một năm sau, Tự cũng bị bắt trong quá trình lẩn trốn.

Tại phiên xử, Bản khai nhận, việc bị cáo đại diện cho Công ty Gia Lộc ký kết hợp đồng liên danh và nhận tiền của Công ty Thịnh An là theo chỉ đạo của bị cáo Tự. Trước khi ký hợp đồng, Tự nói với bị cáo là Công ty Gia Lộc đã ký được hợp đồng với chủ đầu tư dự án và cho xem hợp đồng đã ký, nhưng bị cáo không nhớ là Công ty Gia Lộc đã ký với công ty nào.

Vì tin tưởng Tự nên bị cáo mới đại diện cho Công ty Gia Lộc ký hợp đồng liên danh thực hiện Dự án san lấp mặt bằng Cụm công nghiệp cầu cảng Phước Đông với Công ty Thịnh An và nhận tiền của ông Khánh, sau đó chuyển lại cho Tự phần lớn trong số tiền.

Về lý do bỏ trốn, bị cáo Bản khai nhận, đến thời hạn cam kết trong hợp đồng đã ký với Công ty Thịnh An nhưng không thấy thực hiện được, bị cáo hỏi thì Tự trả lời, do dự án không khả thi nên Công ty Gia Lộc không tham gia nữa. Khi bị cáo hỏi Tự về việc trả lại số tiền đã nhận của Công ty Thịnh An thì Tự nói, cứ từ từ.

Lo sợ ông Khánh truy tìm để đòi tiền nên bị cáo bỏ trốn. Về số tiền đã nhận của Công ty Thịnh An, bị cáo Tự khai, do làm ăn thua lỗ nên bị cáo không có tiền trả.

Kết thúc phiên xử ngày 5-1, HĐXX xác định, hành vi của hai bị cáo Tự và Bản đã phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, quy định tại khoản 4, Điều 140 - BLHS. Tuy nhiên lời khai của hai bị cáo này chưa đồng nhất về số tiền cụ thể mà họ đã nhận của Công ty Thịnh An rồi chia nhau. Điều này liên quan trực tiếp đến phán quyết của Toà về phần bồi thường dân sự cho nguyên đơn dân sự là Công ty Thịnh An. Nhận thấy không thể làm rõ nội dung này ngay tại phiên xử nên HĐXX hoãn phiên toà, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung về số tiền cụ thể mà bị cáo Bản đã đưa cho bị cáo Tự sau khi nhận từ Công ty Thịnh An. Trên cơ sở đó, HĐXX mới có thể ra quyết định bồi thường dân sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

 

Theo Nguyễn Hưng/Công an nhân dân

.