Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thái Bình, trong khoảng thời giữa năm 2022 đến đầu tháng 11/2022, Trần Việt Bắc cùng 20 bị can khác gồm: Phạm Thị Lĩnh, Nguyễn Văn Nam, Trịnh Đức Thắng, Hoàng Xuân Lâm, Trần Đình Hoàng, Nguyễn Đắc Huấn, Phạm Văn Đối, Đào Thanh Tùng, Đặng Văn Mạnh, Đặng Văn Chung, Đào Văn Long, Đào Văn Hiểu, Đặng Văn Vinh, Đào Anh Tuấn, Đào Xuân Minh, Trần Văn Ngọc, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Thu Trà, Nguyễn Quỳnh Anh và Nguyễn Thị Tuyết đã đến Campuchia làm thuê thực hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Việt Nam thông qua mạng viễn thông.
Các bị can gọi điện thoại theo kịch bản được chuẩn bị từ trước, giả danh là nhân viên viễn thông, nhà mạng; cán bộ cơ quan Công an, Viện kiểm sát và lãnh đạo, chỉ huy của cơ quan Công an, Viện kiểm sát thông báo việc bị hại bị đánh cắp thông tin cá nhân, hiện đăng ký một số điện thoại khác đang thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, nhằm mục đích làm cho người bị hại hoảng sợ về tinh thần và chuyển tiền vào các tài khoản do các bị can đưa ra để chiếm đoạt. Trong thời gian từ tháng 11/2022 đến ngày 5/1/2023, với thủ đoạn nêu trên, các bị can đã lừa đảo, chiếm đoạt của 26 người bị hại với tổng số tiền hơn 11 tỉ đồng. Số tiền các bị can thu lợi bất chính từ hoạt động lừa đảo là 46.937 USD và 51.580.000đồng.
Quá trình điều tra, truy tố, cũng như tại phiên tòa, 21 bị cáo đã thành khẩn khai nhận, ăn năn hối cải về toàn bộ hành vi phạm tội của mình, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên thực hành quyền công tố đã tích cực, chủ động tham gia xét hỏi bị cáo, người bị hại để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo.
Đại diện VKSND tỉnh Thái Bình trình bày luận tội tại phiên toà đánh giá, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, đã xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ. Các bị cáo đã chiếm đoạt số tiền lớn hơn 11 tỉ đồng của 26 người bị hại ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, gây bức xúc, hoang mang trong dư luận và quần chúng nhân dân. Các bị cáo phạm tội có tổ chức, các bị cáo cấu kết chặt chẽ cùng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền, dưới sự điều hành trực tiếp của 2 người Đài Loan Trung Quốc và bị cáo Trần Việt Bắc, có sự phân công cụ thể nhiệm vụ của từng nhóm nhỏ để thực hiện các công đoạn gọi điện thoại giả danh nhân viên viễn thông, nhà mạng, Công an để lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên.
Luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng nhất trí với bản Cáo trạng truy tố, luận tội của Viện kiểm sát và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Khi được nói lời sau cùng, bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo được sớm trở về làm người công dân có ích cho xã hội.
Trên cơ sở kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và đề nghị của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Việt Bắc (SN 1993, trú tại xã Xuân Giang, huyện Nghị Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) 18 năm tù; 2 bị cáo Trần Thị Lĩnh (SN 1990, trú tại xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) và Trần Đình Hoàng (SN 1990, trú tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) mức án 16 năm tù. Cùng với đó, tuyên phạt 2 bị cáo với mức án 15 năm tù; 2 bị cáo mức án 14 năm; 9 bị cáo mức án 13 năm 6 tháng tù; 2 bị cáo mức án 13 năm tù; 3 bị cáo mức án 12 năm tù.
Hội đồng xét xử buộc các bị cáo bồi thường hơn 11 tỉ đồng cho 26 bị hại được xác định bị nhóm này lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là bản án thích đáng thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật, là bài học răn đe đối với các bị cáo và phòng ngừa chung.