TAND huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Tô Kim Dậu (SN 1957, trú tại tổ dân phố Chùa Hạ, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên) bị VKSND huyện Bình Xuyên truy tố về tội Hủy hoại tài sản theo điểm b khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng tại phiên tòa xét xử bị cáo Tô Kim Dậu. Ảnh: VKSND huyện Bình Xuyên. 

Căn cứ các tài liệu trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa thì do mâu thuẫn trong việc quản lý, sử dụng đất đai, ngày 28/10/2021 và ngày 7/11/2021, tại khu vực bờ kênh xả Đầm Cả thuộc tổ dân phố Cửa Đồng, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Tô Kim Dậu đã dùng cưa máy, dao, dây chạc, thang gỗ để cưa, chặt phá tổng số 40 cây ăn quả, cây lấy gỗ của gia đình anh Nguyễn Văn Thuận (SN 1971) và chị Tạ Thị Sinh (SN 1974) trú tại tổ dân phố Chùa Hạ, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên.

Tổng giá trị tài sản Tô Kim Dậu đã hủy hoại là 66.370.000 đồng.

Đây là vụ án có tính chất phức tạp, bị cáo kêu oan. Vụ án nhận được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân và chính quyền địa phương.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo và luật sư bào chữa của bị cáo cho rằng, bị cáo chặt cây của bị cáo và cây trồng trên đất của bị cáo nên bị cáo bị oan.

Kiểm sát viên đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị đề cương xét hỏi và dự thảo những tình huống phát sinh tại phiên tòa.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã tranh luận và đối đáp với Luật sư về từng vấn đề với lập luận rõ ràng, chặt chẽ, sắc bén và chứng cứ vững chắc, đầy đủ.

Kiểm sát viên đã sử dụng tài liệu trong hồ sơ đã được số hóa công bố tại phiên tòa để bảo vệ quan điểm truy tố và đã được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Hội đồng xét xử đã tuyên án bị cáo Tô Kim Dậu phạm tội Hủy hoại tài sản theo điểm b khoản 2 Điều 178 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo 2 năm 6 tháng tù.

Phiên tòa diễn ra dân chủ, công khai, nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân tham gia phiên tòa.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên đã sử dụng tài liệu trong hồ sơ đã được số hóa công bố tại phiên tòa. Ảnh: VKSND huyện Bình Xuyên.

Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Dậu cho rằng,  phần đất mà bị cáo Dậu chặt cây là đất của Dậu đã nhận chuyển nhượng lại của ông Nhã, ông Sinh (có xác nhận của HTX Hương Ngọc) vào năm 2005.

Sau đó năm 2014, Công ty thủy lợi Liễn Sơn đã phải có biên bản về việc làm bờ kênh đi qua đất của Dậu (có xác nhận của UBND thị trấn Hương Canh).

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đã chứng minh và chỉ rõ việc chuyển nhượng đất hoang theo giấy chuyển nhượng năm 2005 giữa Tô Kim Dậu và ông Nhã, Ngư là không đúng pháp luật và không có giá trị pháp lý.

Đại diện Viện kiểm sát chỉ rõ, theo bản đồ 299 thì phần đất ven bờ kênh là phần đất ao và đất hoang thuộc quản lý của UBND thị trấn Hương Canh (đất chưa sử dụng).

Điều 103 Luật đất đai năm 2003 thì UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý, bảo vệ đất chưa sử dụng tại địa phương và đăng ký vào sổ địa chính.

Còn tại khoản 4 Điều 7 Luật đất đai 2003 quy định: UBND các cấp đại diện quyền chủ sở hữu về đất đai và quản lý Nhà nước về đất tại địa phương theo thẩm quyền (Khoản 4 Điều 7 Luật đất đai).

Hợp tác xã không phải là chủ thể trong quản lý đất đai tại địa phương.

Phần bờ kênh nơi Dậu chặt cây nhà Thuận không phải phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Tô Kim Dậu mà thuộc quyền quản lý của UBND thị trấn Hương Canh.

Ông Nhã, ông Sinh Nương và Tô Kim Dậu chỉ có công trong việc cải tạo, đắp bờ kênh cho cao lên để thuận tiện cho việc thả cá ở thời điểm đó, chứ không phải ông Nhã, hay Dậu có quyền sử dụng đối với phần đất này.

Chính ông Nhã đã xác nhận nội dung này tại bút lục 267 - 268 trong biên bản ghi lời khai của Kiểm sát viên VKSND huyện Bình Xuyên ngày 18/10/2022.

Xác nhận và đóng dấu của Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngọc cũng là không phù hợp. Hợp tác xã không phải là chủ thể trong quản lý đất đai tại địa phương. Không có quyền xác định tính pháp lý của việc chuyển nhượng này.

Đại diện Viện kiểm sát cũng chứng minh phần đất bờ kênh nơi ông Dậu chặt cây giáp với đường quốc lộ 2 không phải là phần đất mà Dậu được UBND huyện Bình Xuyên giao cho sử dụng.

Phía luật sư cũng cho rằng, cây mà Dậu chặt là cây thuộc quyền sở hữu của Dậu.

Về quan điểm này, đại diện Viện kiểm sát chứng minh và chỉ rõ, có đủ cơ sở xác định toàn bộ số cây mà Tô Kim Dậu chặt, phá là tài sản của anh Nguyễn Văn Thuận, không phải của Tô Kim Dậu.

Lời khai của bị hại là anh Nguyễn Văn Thuận về nguồn gốc cây xác định số cây bị ông Dậu chặt là của mình, có trình bày đầy đủ nguồn gốc: người cho cây, người bán cây, người trồng cây, người cẩu cây.

Theo đó, lời khai của người cho cây, người bán cây, lời khai người trồng cây, lời khai người làm chứng phù hợp với lời khai của anh Thuận.

Tại lời khai ngày 29/10/2021 và tại hiện trường xảy ra vụ việc ngày 28/10/2021, ông Dậu xác định số cây mà ông Dậu cùng anh Thắng cưa đổ là của gia đình anh Nguyễn Văn Thuận, được trồng trên đất của ông đã nhận chuyển nhượng lại của người khác.

Trước khi ông Dậu chặt cây, có việc Dậu yêu cầu nhà Sinh Thuận chặt cây. Như vậy, nếu là cây của nhà ông Dậu thì ông Dậu sẽ tự chặt, không phải bảo nhà Thuận chặt cây. Điều này phù hợp với trình bày của Dậu tại hiện trường (thể hiện trong video ghi âm ghi hình tại hiện trường: “tôi đề nghị gia đình anh Thuận chặt nhiều lần nhưng không chặt … Tôi chặt cây để lấy mặt bằng, cây tôi trả cho họ”.

Đại diện Viện kiểm sát nhận định, lời khai của bị cáo đã phù hợp lời khai của bị hại, người làm chứng, hiện trường và thực tế sự việc xảy ra, nên có đủ cơ sở xác định, cây mà Dậu chặt ở ven kênh thuộc sở hữu của anh Thuận, chị Sinh.

 

Nguyễn Thị Ngọc Bích