Đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2: Tòa triệu tập gần 200 người
Cập nhật lúc 11:30, Chủ nhật, 07/01/2018 (GMT+7)
Ngày mai (8/1/2018), TAND TP.HCM công khai xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm bị VKSNDTC truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo dự kiến, phiên toà sẽ được mở từ 8h ngày 8/1/2018 đến ngày 7/2/2018.
Theo đó, thẩm phán, chủ toạ phiên toà vẫn là ông Phạm Lương Toản và bà Huỳnh Thị Việt Tiên giữ vị trí thẩm phán thứ 2. Thẩm phán dự khuyết là ông Nguyễn Văn Hà và bà Quách Thanh Bình. Ba hội thẩm nhân dân là các ông Lê Giáo, Nguyễn Thành Châu và Nguyễn Tùng. Về phía VKS, đại diện VKSND TP.HCM tham gia phiên toà theo sự phân công của VKSNDTC là ông Trần Ngọc Quang – Trưởng phòng 3, KSV Trung cấp, bà Nguyễn Quỳnh Lan – Phó trưởng phòng 3, KSV Trung cấp. Hai KSV dự khuyết là bà Lê Thị Đông và ông Phạm Văn Đức đều là KSV Trung cấp, VKS TP.HCM.
Tính đến thời điểm hiện tại, vụ án có 70 luật sư tham gia bào chữa cho 46 bị can và gần 200 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng được triệu tập.
|
|
Bị cáo Phạm Công Danh trong phiên tòa giai đoạn 1 (nguồn: dantri.com.vn) |
Phạm Công Danh trong phiên tòa giai đoạn 1Đại diện VKS TP.HCM cho biết, vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm bị khởi tố vì tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được tách ra từ vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm bị khởi tố với 2 tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm các quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng” đã được xét xử trước đó. Đây là 1 trong 3 kiến nghị của VKS TP.HCM tại phiên toà Phạm Công Danh và đồng phạm phạm 2 tội danh được Hội đồng thẩm phán chấp nhận. Sở dĩ có kiến nghị này vì vụ án quá lớn, có quá nhiều hành vi phạm tội và xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau mà trong giai đoạn đầu (giai đoạn 1) không thể điều tra hết và toàn diện toàn bộ hành vi phạm tội của tất cả các đối tượng. Quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng là phải tách các hành vi phạm tội đó theo từng tội danh và vấn đề nào rõ thì làm trước. Do đó, ở giai đoạn 1 là tiến hành khởi tố và xét xử hành vi phạm tội của Phạm Công Danh xảy ra toàn bộ ở ngân hàng Xây dựng (VNCB) bởi hành vi Cố ý làm trái và Vi phạm cho vay. Nhưng ở giai đoạn này là 1 dạng hành vi khác của Phạm Công Danh và các đồng phạm là Cố ý làm trái nhưng không xảy ra ở ngân hàng Xây dựng (VNCB) mà xảy ra tại 3 ngân hàng là Sacombanh, BIDV và TPBank. Theo đó, Phạm Công Danh dùng tiền của ngân hàng Xây dựng (VNCB) để bảo lãnh cho các khoản vay của ông tại 3 ngân hàng trên dẫn đến thiệt hại cho ngân hàng Xây dựng (VNCB) số tiền 6.126.839.273.721 đồng. Hành vi phạm tội của Phạm Công Danh ở 3 ngân hàng này giống hệt nhau về thủ đoạn và cách thức, đại diện VKS. TP.HCM nhấn mạnh.
Hoa Việt
* Ở giai đoạn 1 trong quá trình xét xử, VKS TP.HCM đã kiến nghị khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn và các đối tượng có liên quan; kiến nghị khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến hành vi của Phạm Thị Trang; kiến nghị khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” liên quan đến hành vi của nhóm Hội đồng tín dụng của Hội sở ngân hàng Đại Tín gồm Hoàng Văn Toàn và các thành viên khác đều được Hội đồng thẩm phán đồng ý và hiện tại đã khởi tố cả 3 vụ án. Dự kiến đến hết năm 2018 sẽ kết thúc điều tra và xét xử cả 3 vụ án này. |