Vụ án này có thể được coi là vụ án lớn nhất trong lịch sử tố tụng cho đến nay, được dư luận đặc biệt quan tâm.
 
Phạm Công Danh trước vành móng ngựa. Nguồn: Internet.
Phạm Công Danh trước vành móng ngựa. Nguồn: Internet.
 
Với hơn 18.000 tỷ đồng rút trái phép từ ngân hàng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ là tiền, vụ án Phạm Công Danh ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt kinh tế xã hội.
 
Vụ án này có thể được coi là vụ án lớn nhất trong lịch sử tố tụng cho đến nay, được dư luận đặc biệt quan tâm. Ngày 18/01/2017, phiên tòa phúc thẩm kết thúc phần tranh luận, các bị cáo nói lời cuối cùng. Dự kiến ngày 24/01/2017 Tòa sẽ tuyên án.
 
Nguồn gốc vụ án
 
Ngân hàng Đại Tín bị thua lỗ hơn 6.000 tỷ đồng, mất hết vốn. Phạm Công Danh lập đề án tái cơ cấu Trustbank (sau này là VNCB) xin Ngân hàng Nhà nước VN chấp thuận.
 
Tập đoàn Thiên Thanh,Phạm Công Danh và Phan Thành Mai được thuyết minh trong Đề án là có năng lực tài chính, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn.
 
Thực tế, Phạm Công Danh dùng bằng đại học giả, đã bị xử tù về hành vi chiếm đoạt tài sản. Phạm Công Danh, Tập đoàn Thiên Thanh không có năng lực tài chính như cam kết.
 
Tiền mặt của Tập đoàn này vào 31/12/2012 chưa đến 1 tỷ đồng, vào 31/12/2013 là 1,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2012, 2013 đưới 100 triệu đồng mỗi năm.
 
Hết năm 1013, Tập đoàn này vẫn lỗ lũy kế. Phạm Công Danh rút tiền từ Ocean Bank, rút tiền từ chính VNCB để trả tiền cho nhóm bà Hứa Thị Phấn mua cổ phần.
 
Phạm Công Danh vay tiềntừ BIDV để thực hiện “cam kết” tăng vốn VNCB từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng.Kiểm soát toàn bộ VNCB, Phạm Công Danhrút tiền trả BIDV. Phạm Công Danh tiếp tục rút hàng ngàn tỷ kháctừ VNCB, Tienphongbank, Sacombank để trả nợ và chi tiêu.
 
Sau bà Hứa Thị Phấn,nhóm Phạm Công Danh tiếp tục sở hữu gần 85% vốn cổ phần, thao túng ngân hàng. Phạm Công Danh cho vay với chính nhóm của mình, bất chấp thủ tục, nâng khống giá trị tài sản, thậm chí không cần hồ sơ vay. Phạm Công Danh lập hồ sơ thuê trụ sở, lập hợp đồng khống nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin … để rút tiền của VNCB.
 
Nguồn gốc của vụ án là các sai phạm trong một thời gian dài của bà Hứa Thị Phấngây thua lỗ cho Trustbank không bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
 
Sau đó là Đề án tái cơ cấu Trustbank của Phạm Công Danh với những nội dung gian dối lại được thông qua khi Phạm Công Danh, Tập đoàn Thiên Thanh không hề có năng lực tài chính.
 
Cá nhân Danh không có học, đã bị đi tù, không đủ điều kiện vẫn được làm Chủ tịch Ngân hàng. Phan Thành Mai không đủ điều kiện vẫn được phê duyệt làm Tổng Giám Đốc.
 
Nhóm Phạm Công Danh sở hữu 85% cổ phần VNCB là trái với quy định về sở hữu cổ phần. Phạm Công Danh dễ dàng dùng hồ sơ vay không đúng, nâng khống giá trị tài sản, vay tiền trái phép tại nhiều ngân hàng và chính VNCB để mua cổ phần VNCB, sử dụng vốn không đúng mục đích. Hành vi rút tiền của Phạm Công Danh diễn ra trong thời gian dài khi VNCB được giám sát nhưng không bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
 
Bản chất của vụ án
 
Tại phiên tòa, Phạm Công Danh khai bán hàng chục căn nhà, bỏ ra hàng ngàn tỷ cơ cấu VNCB. Nhưng vụ án đã làm rõ Danh không bỏ ra đồng nào cho VNCB.
 
Bản chất của vụ án là Phạm Công Danh không có tiền, đã mắc nợ trước khi mua VNCB. Danh rút tiền của chính VNCB mua VNCB. Sau đó, Danh tiếp tục rút tiền của VNCB trả nợ trước đó của cá nhân Danh, trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh và chi tiêu cá nhân, hàng ngàn tỷ không biết Phạm Công Danh để ở đâu, chi cho ai.
 
Phạm Công Danh đã gian dối,có kế hoạch rút tiền từ khi lập Đề án mua VNCB. Để rút tiền, Phạm Công Danh bất chấp pháp luật, dùng nhiều thủ đoạn, trên nhiều lĩnh vực hoạt động của ngân hàng, lôi kéo, tổ chức nhiều cá nhân trong bộ máy từ Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc Chi nhánh, nhân viên … tham gia. Phạm Công Danh cùng Phạm Công Trung (em trai Danh) lập ra hàng chục doanh nghiệp, thực chất không hoạt động, đưa những người như bảo vệ, rửa xe làm giám đốc để vay tiền, rút tiền.
 
Theo nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế, hành vi của Phạm Công Danh có dấu hiệu phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tình tiết tăng nặng là lợi dụng chức vụ quyền hạn chứ không phải Cố ý làm trái và Vi phạm quy định về cho vay.
 
Thực tế Phạm Công Danh vụ lợi, đã biến tài sản của VNCB thành tài sản của mình. Danh đã rút tiền của VNCB mua tài sản (cổ phần) cho mình, trả nợ và chi tiêu cho chính mình.
 
Phạm Công Trung, em trai Phạm Công Danh, được Cơ quan điều tra xác định giúp sức đắc lực cho Phạm Công Danh lập hồ sơ khống vay tiền ngân hàng, có hưởng lợi.
 
Phạm Công Trung đã bị Cơ quan điều tra khởi tố và ra lệnh bắt giam nhưng Viện kiểm sát không phê chuẩn. Không những thế, Tòa sơ thẩm còn trả lại cho Công ty Việt Trung (được xác định thuộc nhóm Thiên Thanh), rất nhiều bất động sản đã bị kê biên trước đó.
 
Có 36 bị cáo, thì chỉ một mình Phạm Công Danh phải bồi thường. Các bị cáo còn lại không phải bồi thường mặc dù đồng phạm cùng Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB.
 
Các sai phạm trong quá trình Phạm Công Danh lập đề án tái cơ cấu, mua ngân hàng, làm Chủ tịch ngân hàng, che dấu thông tin của ngân hàng chưa được làm rõ.
 
Thu hồi vật chứng
 
Tranh luận nóng nhất vụ án không phải là hành vi phạm tội của Phạm Công Danh, không phải là vấn đề bỏ lọt tội phạm, mà là việc Bản án sơ thẩm quyết định thu hồi hơn 5.600 tỷ đồng do được xác định là vật chứng từ ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích. Đồng thời, tại Tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị xem xét trách nhiệm, cấm xuất cảnh với ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích.
 
Bà Trần Ngọc Bích cùng các luật sư của mình đã chứng minh ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích không hề đồng thuận với Phạm Công Danh để rút tiền không có chứng từ.
 
Không có bất cứ chứng cứ nào về việc này ngoài lời khai mâu thuẫn nhau của các bị cáo, nhằm chạy tội cho chính các bị cáo.
 
Không có lý do gì khiến bà Bích lại đồng thuận để Danh chiếm đoạt tiền của chính mình. Bà Trần Ngọc Bích đã khai báo và nộp thuế đầy đủ, được phản ánh trong hồ sơ vụ án.
 
Điều hành một doanh nghiệp tư nhân thuộc nhóm lớn nhất Việt Nam, bà Trần Ngọc Bích nêu đề nghị của Viện kiểm sát đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp của gia đình bà, cha con bà Bích sẽ không bao giờ rời bỏ Việt Nam.
 
Các khoản vay của bà Bích cùng các cá nhân với số tiền 5.190 tỷ đồng có hồ sơ vay, có tài sản bảo đảm, giải ngân thật đã bị Viện kiểm sát nhận định là các khoản vay giả cách, từ đó đề nghị xem xét trách nhiệm của bà Bích, ông Thanh.
 
Nhưng các khoản vay 300 tỷ đồng mà VNCB tự ý cho vay không có hồ sơ vay, không có bất cứ chữ ký nào của người vay, tiền vay bị Phạm Công Danh sử dụng chi tiêu thì được Viện kiểm sát nhận định là khoản vay thật, từ đó đề nghị thu hồi các sổ tiết kiệm bị cầm cố không có hợp đồng.
 
Luật sư của bà Trần Ngọc Bích thì nêu đến 10 điểm mâu thuẫn trong chính quyết định thu hồi vật chứng của Bản án sơ thẩm. Cùng các khoản tiền có tính chất như nhau thì bản án chỉ thu tiền từ bà Bích, ông Thanh mà không thu từ BIDV, Sacombank, Công ty Hải Tiến.
 
Có cả những khoản tiền không xuất phát từ tiền rút ra từ VNCB cũng bị thu hồi. Từ việc thu hồi không có nguyên tắc, không hợp lý nên tổng thu hồi và bồi thường sẽ vượt quá cả mức thiệt hại của VNCB, dẫn đến Phạm Công Danh được hưởng lợi không có căn cứ, được nhận thêm tiền và tài sản.VNCB có lỗi nhưng đã không phải chịu thiệt hại. Việc thu hồi thực chất là chuyển thiệt hại từ VNCB sang người ngay tình, không có lỗi. Tổng thiệt hại Phạm Công Danh gây ra cho xã hội không hề thay đổi.
 
Dư luận mong muốn Bản án phúc thẩm sẽ có những phán quyết nghiêm minh, khách quan, toàn diện và không làm oan cho người vô tội.
 
Theo Văn Văn/Pháp luật plus
 
.