leftcenterrightdel
 Bị cáo Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long ngoái lại nhìn người thân trước khi nghe Tòa tuyên án.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, từ năm 2017 đến năm 2021 cho thấy, Công ty CP Quản lý đường sông số 3 (Khu 2, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) đã ký kết, thực hiện các hợp đồng quản lý, bảo trì, xây lắp biển báo hiệu điều tiết đảm bảo giao thông với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Ban Quản lý vịnh Hạ Long và một số chủ đầu tư khác. 

Quá trình triển khai, các bị cáo là lãnh đạo Công ty đã thông đồng với một số cá nhân trong và ngoài Công ty để bớt khối lượng công việc so với hợp đồng, lập khống sổ sách nghiệm thu, chiếm đoạt tiền của một số chủ đầu tư; tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ đối với các hợp đồng ký kết với Ban Quản lý vịnh Hạ Long, đồng thời, tham ô tài sản của Công ty CP Quản lý đường sông số 3.

28 bị cáo đã bị truy tố về các tội danh: "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Nhận hối lộ”; "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó, cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà bị truy tố 2 tội danh “Tham ô tài sản” và “Nhận hối lộ”…

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tham gia tranh tụng tại phiên tòa.

Căn cứ kết quả điều tra và lời khai nhận tội của các bị cáo trước tòa, VKSND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm với xã hội; đã trực tiếp xâm phạm đến quyền lợi của nhiều khách thể; làm suy yếu, mất uy tín của các cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân; xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, quản lý tài chính của nhà nước. Các bị cáo đã cấu kết hình thành lợi ích nhóm, phạm nhiều tội.

Xét vai trò của các bị cáo trong vụ án, VKSND tỉnh Quảng Ninh đã trình bày quan điểm luận tội và đề nghị các mức hình phạt phù hợp với các bị cáo theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình và khẳng định VKSND tỉnh Quảng Ninh đã truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo nghe Tòa tuyên án.

Trong phần đối đáp, HĐXX cũng đề nghị những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến các bị cáo nêu ý kiến, quan điểm tại tòa, trong đó có liên quan đến số tiền các bị cáo đã nộp để khắc phục hậu quả. Tổng số tiền khắc phục hậu quả các bị cáo đã nộp là hơn 7,6 tỉ đồng. Trong đó, ông Phạm Hồng Hà – cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long nộp 2 tỉ đồng tiền khắc phục hậu quả.

Khi được nói lời sau cùng, các bị cáo đều bày tỏ sự ăn năn, hối hận vì các hành vi phạm tội của mình đã xâm phạm tài sản của nhà nước, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước; gây tổn hại đến lợi ích của tập thể, cơ quan đơn vị, người thân và gia đình. Các bị cáo đã hứa trước Hội đồng xét xử sẽ khắc phục hậu quả và mong muốn Hội đồng xét xử xem xét, cho được hưởng mức án thấp nhất để sớm có cơ hội trở về với gia đình và xã hội, làm lại cuộc đời.

Sau 3 ngày làm việc đầu tiên (19-21/4), TAND tỉnh Quảng Ninh đã kết thúc phần xét hỏi và tranh luận với các bị cáo theo các nhóm hành vi phạm tội. Ngày 24/4 và sáng ngày 25/4 là thời gian HĐXX nghị án. Chiều ngày 25/5, HĐXX đã tuyên: Phạm Văn Phả 30 năm tù; bị cáo Đỗ Công Hào, 30 năm tù; bị cáo Ngô Thị Thu Lư bị phạt tổng 27 năm tù; bị cáo Phạm Văn Chinh, nhận mức án 19 năm; bị cáo Đoàn Duy Khánh nhận mức án 17 năm tù…

leftcenterrightdel
 Cựu chủ tịch UBND TP Hạ Long nhận mức án 15 năm tù.

Ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long kiêm Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long phải nhận mức án 15 năm tù cho 2 tội Tham ô tài sản và Nhận hối lộ; bị cáo Bùi Sĩ Giáp, bị xử phạt tổng 13 năm tù; bị cáo Phạm Thái Dương, nhận mức án 10 năm tù…

Ngoài ra, căn cứ theo quy định của pháp luật, các bị cáo khác bị HĐXX tuyên phạt các mức án theo tính chất, mức độ phạm tội khác nhau, trong đó, mức thấp là 24 tháng tù cho hưởng án treo. Buộc các bị cáo nộp lại số tiền do phạm tội mà có.

 

An Quyên