Một cánh tay rụt rè giơ lên, người phụ nữ luống tuổi cố gắng để HĐXX nhìn thấy bà trước khi vào nghị án. Đó là mẹ của bị cáo. Dù theo luật, bà không được phát biểu, nhưng HĐXX vẫn nán lại. Người phụ nữ kể nguyên nhân con mình phạm tội, một bi kịch trên con đường hoàn lương. Không khí phiên tòa lặng đi hồi lâu.
Lầm lỗi đầu đời
Nguyễn Thành Vĩ (SN 1981, ngụ TP HCM) vừa phải lãnh án 2 năm tù về tội “trộm cắp tài sản” trong phiên sơ thẩm do TAND quận Bình Thạnh xét xử. Đây là lần thứ 2 Vĩ gây án. Ấy vậy mà nhiều người có mặt tại tòa, khi hiểu câu chuyện, lại thông cảm, thương cho Vĩ nhiều hơn là oán ghét.
Phiên xử đã tan, nhưng người dự khán không bàn luận đến tội danh, án phạt của Vĩ mà muốn nói đến một câu chuyện khác. Câu chuyện về con đường hoàn lương phía sau một người lỗi lầm. Trong phiên xử, những câu chuyện, chia sẻ của mẹ Vĩ khá ngắn. Hơn nữa sau đó bà vội vàng rời phiên tòa như lo sợ nán lại lâu sẽ có người quen nhìn thấy, nên PLVN đã lần theo địa chỉ để tìm hiểu thêm về câu chuyện của Vĩ.
Giữa trưa một ngày tháng 6, người viết tìm đến nhà Vĩ. Nhác thấy người lạ nhắc đến tên Vĩ, người mẹ vội vàng kéo khách vào trong nhà. Bà đưa khách vào tận sâu phía nhà trong như sợ hàng xóm nghe câu chuyện giữa bà và khách. Chỉ và khách ngồi bệt dưới đất. Cha Vĩ, bị tật ở chân trái, cũng ngồi lại trải nỗi lòng. Đôi vợ chồng già nói chuyện thật nhỏ, ánh mắt luôn nhìn ra phía cửa xem có hàng xóm nào ngang qua hoặc tụ tập xì xầm không.
“Hôm đó, tôi vội ra về vì sợ quay phim, chụp hình. Thấy ống kính là tôi điếng hồn rồi. Không phải tôi che giấu hành vi của con mình mà tôi sợ đăng hình, tên tuổi lên phương tiện đại chúng, rồi sau này nó ra ngoài phải sống sao. Từng một lần nó phải rơi vào bi kịch vì sự gièm pha, vì sự kỳ thị của người xung quanh. Vì nó bế tắc, không tìm thấy được sự tin tưởng trên con đường hoàn lương”, mẹ Vĩ nói.
Bà kể, hôm dự tòa, bà biết không có quyền ý kiến nhưng bà vẫn phải cố gắng để được nói. Nói không phải để biện hộ cho Vĩ mà để cho nhiều người khác. Những người đã từng là tội phạm và đang bị xã hội xa lánh, kỳ thị, không tìm được việc làm, không tìm được sự cảm thông, tin tưởng trên con đường làm lại cuộc đời. Bà không ngờ, HĐXX và những người dự phiên tòa lại xúc động với câu chuyện của Vĩ.
Đôi vợ chồng già là giáo viên về hưu, có 5 người con. Vợ chồng mong muốn các con trở thành người có học, mai sau không thua thiệt với bạn bè. Vĩ cũng vậy, ngày nhỏ ngoan hiền, học giỏi và đậu vào một trường đại học. Vĩ giỏi đánh cờ tướng nên thường lê la làm vài ván lúc cafe sáng.
Đó là năm 2006, còn vài tháng nữa, Vĩ sẽ thành tân cử nhân, sẽ kiếm việc làm như nguyện ước của cha mẹ. Ấy vậy mà, không hiểu sao Vĩ kẹt tiền. Đang đánh cờ, Vĩ thấy người đàn ông cùng chơi có tiền, tài sản nên nảy sinh ý định đánh người rồi chiếm đoạt.
Vĩ nhặt hòn đá, đập vào sau đầu khiến người đàn ông nọ gục xuống đất. Nhưng sau đó Vĩ hoảng sợ. Vĩ quên mất ý định chiếm đoạt tài sản và bỏ chạy về nhà thưa với mẹ.
Nghe con gây chuyện tày đình, người mẹ vội vàng đưa Vĩ lên công an đầu thú. Bà kể: “Dù rất thương con nhưng tôi không thể chấp nhận được hành vi đó. Tôi muốn con mình nhận thức được sai lầm và phải cải tạo để sau này còn làm lại cuộc đời. Nhưng thực sự mà nói, sau ngày vào tù, tương lai của nó gần như kết thúc. Bốn năm đại học, chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp, vậy mà...”
Người bị Vĩ đánh chỉ bị thương tích phần mềm 10% nhưng do xét hành vi sử dụng hung khí đánh vào chỗ hiểm yếu, Vĩ bị truy tố tội giết người và phải lãnh án 12 năm tù. Vĩ đi tù, mẹ Vĩ dặn dò cố gắng cải tạo, học tập, tịnh tâm suy nghĩ về hành vi của mình để sớm được khoan hồng. Vì vậy, Vĩ chỉ thụ án hơn 8 năm rồi được ân xá.
Bước đường cùng?
Ra tù năm 2014, Vĩ tâm sự sẽ làm lại cuộc đời, nhưng chuyện đời không dễ như vậy. Mang tội danh giết người, Vĩ bị hàng xóm, láng giềng kỳ thị. Những người hàng xóm sợ Vĩ, sợ kẻ từng có hành vi “giết người” (dù nạn nhân không chết). Vĩ không được phép vào nhà hàng xóm, không có cơ hội lại gần bất cứ ai. Vô tình chạm mặt, Vĩ tươi cười, định chào đôi câu nhưng người ta né ra xa, chỉ gật đầu rồi đi tuốt.
Vĩ thấy mình như kẻ xa lạ. Vĩ cũng là con người, sao không được chào đón, không được đối xử tử tế? Vĩ cũng muốn nói chuyện với hàng xóm, cũng muốn cafe cười nói với vài người hoặc làm ván cờ. Vĩ muốn chứng minh rằng mình cần sự tin tưởng của mọi người vào nỗ lực hoàn lương, nhưng rồi Vĩ thất vọng. Hàng xóm, họ hàng, thậm chí nhiều người thân quay lưng với Vĩ. Vĩ trở nên mặc cảm, dần xa lánh tất cả mọi người.
Niềm an ủi của Vĩ có lẽ là người vợ bây giờ và cha mẹ. Cô gái biết Vĩ từng có tiền án nhưng vẫn chấp nhận làm vợ. Ngày cưới, Vĩ muốn chứng minh cho mọi người biết mình đã thay đổi. Vĩ đã có vợ ắt hẳn sẽ lo làm ăn, lo kiếm tiền để nuôi vợ, sinh con. Vĩ muốn mọi người nhìn Vĩ bằng ánh mắt khác, bỏ qua sự kỳ thị với kẻ từng phạm tội. Nhưng không... Nhiều người vẫn giữ nguyên sự ích kỷ, kỳ thị.
Có vợ, Vĩ mang hồ sơ đi khắp nơi xin việc. Nhìn vào cái lý lịch có chữ “giết người”, nhà tuyển dụng chỉ lắc đầu rồi trả lại hồ sơ. Một tháng trời, Vĩ lặn lội khắp nơi, từ công ty lớn, nhỏ, đến xưởng cá nhân, không ai dám nhận vào làm. Vĩ lại kể với mẹ. Thương con, muốn con tìm được việc mà yên lòng hoàn lương. Mẹ Vĩ mang hồ sơ lên công an phường nhờ giúp đỡ. Nhưng công an phường cũng không thể giúp gì. Mẹ Vĩ thất vọng, chỉ biết khuyên con cố gắng, nhất là đừng nghĩ quẩn mà làm bậy.
Không xin được việc, Vĩ chọn nghề xe ôm. Vĩ không có bến cố định mà lang thang tìm khách, lúc bến xe miền Đông, miền Tây, lúc An Sương. Ngày có khách được dăm ba chục ngàn. Ngày vắng khách, Vĩ phải xin mẹ, xin vợ tiền đổ xăng, tiền ăn trưa.
Xin hoài cũng thấy kỳ, Vĩ sa vào lỗi lầm trộm cắp. Ngày 27/12/2016, tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, Vĩ phát hiện 1 chiếc xe Wave màu đỏ dựng không có người trông coi. Vĩ dùng loay hoay mở khóa và dắt xe đi. Xe không nổ máy, Vĩ gọi bạn tới, nói là xe của Vĩ bị hư không nổ máy nên nhờ đẩy giúp. Sau khi đẩy xe về tới nhà bạn, Vĩ bị phát hiện và bắt giữ.
Phiên tòa lần này, Vĩ khóc nức nở, xin giảm nhẹ hình phạt để được về nhà với vợ con. Con Vĩ mới hơn 1 tuổi.
Mẹ Vĩ nói: “Cảm ơn mọi người đã hiểu và cảm thông cho Vĩ ở ngay phiên tòa. Tôi thật sự rất buồn vì sự yếu đuối khiến Vĩ không trụ được trước những thị phi của người đời mà tái phạm. Tôi mong rằng Vĩ sẽ nhận thức được vấn đề mà cố gắng cải tạo, bản lĩnh hơn.
Con tôi phạm tội không phải vì bản chất của nó xấu mà vì một số người tự cho phép mình kỳ thị, xa lánh, đối xử với người từng là tội phạm như kẻ không ra gì làm họ thêm mặc cảm mà trở thành người khác tính nết. Tôi mong những người khác đừng dính vào bi kịch như con tôi”.
Theo Bùi Yên/Pháp luật Việt Nam