Chiều 6/3, sau 2 ngày xét xử và nghị án, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Trương Quang Việt (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và bị cáo Lê Minh Tuyến (cựu Trưởng phòng Tài chính, CDC Hà Nội) 30 tháng tù cũng được hưởng án treo, cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và Công ty Việt Á.

Theo cáo trạng của VKSND TP Hà Nội, năm 2020, CDC Hà Nội thực hiện gói thầu số 5 với hình thức đấu thầu rộng rãi mua 28.300 kít xét nghiệm COVID-19 với tổng số tiền 13,1 tỷ đồng.

Khoảng tháng 6/2020, bị cáo Trương Quang Việt và Lê Minh Tuyến mời Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Vũ Đình Hiệp (Phó Giám đốc Công ty Việt Á) đến trụ sở CDC Hà Nội để họp, bàn thống nhất trả tiền mua 61.000 kít xét nghiệm Việt Á ở giai đoạn trước (khi ông Nguyễn Nhật Cảm làm giám đốc). Trong cuộc họp, bàn này có đề cập nội dung làm thế nào để đảm bảo Công ty Việt Á trúng thầu gói thầu số 5.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trương Quang Việt (trái) và bị cáo Lê Minh Tuyến tại phiên xét xử.

Khi CDC Hà Nội thực hiện gói thầu số 5, bị cáo Trương Quang Việt khi đó là Chủ tịch Hội đồng mua sắm, có trách nhiệm chủ trì việc xây dựng, phê duyệt thông số kỹ thuật của kít xét nghiệm COVID-19, hướng dẫn bà Đỗ Thị Thu (Phó khoa Dược và vật tư y tế CDC Hà Nội) xây dựng hồ sơ mua sắm dựa trên sinh phẩm kít xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á sản xuất để đảm bảo cho công ty này tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Bị cáo Lê Minh Tuyến là thành viên Hội đồng mua sắm, biết việc CDC Hà Nội xây dựng thông số kỹ thuật của kít xét nghiệm COVID-19 đưa ra đấu thầu dựa trên sinh phẩm kít xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á sản xuất.

Đối với gói thầu trên, cơ quan tố tụng xác định, CDC Hà Nội mua 28.300 kít xét nghiệm với số tiền 13,1 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 9,1 tỷ đồng.

Sau khi được CDC Hà Nội thanh toán tiền mua kít xét nghiệm, dưới sự chỉ đạo của Tổng giám đốc Phan Quốc Việt, Công ty Việt Á đã chi hơn 1,1 tỷ đồng tiền "hoa hồng" cho các cán bộ tại CDC Hà Nội.

Trong đó, bị cáo Trương Quang Việt được 500 triệu đồng; Lê Minh Tuyến được 200 triệu đồng; bà Đỗ Thị Thu (Phó trưởng khoa Dược và vật tư y tế, CDC Hà Nội) được 30 triệu đồng. Số tiền còn lại, theo chỉ đạo của bị cáo Việt, bị cáo Tuyến chia cho một số cán bộ tại CDC Hà Nội. Đến nay, các bị cáo không chứng minh được cụ thể đã đưa tiền cho những ai.

HĐXX xác định hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, làm ảnh hưởng đến tính minh bạch, công bằng trong hoạt động đấu thầu. Các bị cáo là người có năng lực, nhận thức rõ hành vi của mình vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện. Trong đó, bị cáo Trương Quang Việt có vai trò cao hơn, là người dẫn dắt; bị cáo Lê Minh Tuyến giúp sức tích cực.

Đối với trường hợp bà Đỗ Thị Thu, cơ quan tố tụng cho rằng, bà Thu dù nhận tiền từ Việt Á nhưng là làm theo chỉ đạo của cấp trên, không có động cơ vụ lợi, đã khai báo thành khẩn và tự nguyện giao nộp tiền nên không xem xét xử lý hình sự.

Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi sai phạm của bản thân và thừa nhận nội dung truy tố đối với bị cáo là phù hợp nên không có ý kiến gì.

Do vậy, khi cân nhắc hình phạt đối với 2 bị cáo, HĐXX đã cân nhắc trong bối cảnh tổng thể, tương quan với vụ án đã được đưa ra xét xử trước đó. Quá trình giải quyết vụ án, HĐXX đánh giá cả 2 bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng, có nhiều thành tích trong công tác, có nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng, đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính, có nơi cư trú rõ ràng... Sai phạm của các bị cáo diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, các bị cáo thực hiện việc mua sắm với mong muốn có sản phẩm kit test để phục vụ phòng, chống dịch.

CDC Hà Nội cũng có đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho cả 2 bị cáo. Riêng với cựu Giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt, tòa ghi nhận bị cáo được đào tạo chuyên ngành tim mạch, từng có thời gian chuyên trách theo dõi sức khỏe cho lãnh đạo, có nhiều đóng góp cho ngành y tế nói chung và CDC Hà Nội nói riêng, được Thủ tướng, Bộ Y tế tặng bằng khen...

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử cho rằng việc tuyên án treo đối với các bị cáo là phù hợp, nhằm tạo điều kiện để cả hai được tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX nhận định do đã được giải quyết trong vụ án sơ thẩm trước đó của TAND TP Hà Nội, liên quan đến Công ty Việt Á và Phan Quốc Việt nên tòa không xem xét.

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa nhận định, các bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với các tài liệu, lời khai khác. Viện kiểm sát xác định, bị cáo Trương Quang Việt có vai trò cao nhất, bị cáo Lê Minh Tuyến thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Việt, hưởng lợi thấp hơn.

Xem xét các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX xử phạt cựu Giám đốc CDC Hà Nội từ 30-36 tháng tù, cho hưởng án treo; xử phạt bị cáo Lê Minh Tuyến từ 20-24 tháng, cho hưởng án treo cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đối với hành vi vi phạm của Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Việt Á), Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á) và một số cá nhân của Công ty này đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can cùng loại hành vi trong vụ án khác nên Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội không đề cập xử lý trong vụ án này là có căn cứ.

Vào tháng 1/2024, TAND TP Hà Nội đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ “đại án” Việt Á và tuyên phạt Phan Quốc Việt mức án 29 năm, Vũ Đình Hiệp mức án 15 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định đấu thầu” và “Đưa hối lộ”.

Ngoài ra, trong vụ án kít xét nghiệm Việt Á liên quan Học viện Quân y, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đã đưa ra xét xử và tuyên phạt Phan Quốc Việt 25 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Còn Vũ Đình Hiệp cũng phải nhận mức án 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Nhật Minh