Thừa nhận gây thất thoát 22 nghìn tỉ nhưng vẫn… kêu oan
Ngày 4/5, phiên xử phúc thẩm hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng các đồng phạm trong vụ án thâu tóm nhà, đất công sản tại Đà Nẵng tiếp tục với phần thẩm vấn. Sau khi công bố bản án sơ thẩm và kháng cáo của các bị cáo cũng như các cá nhân, tổ chức liên quan, HĐXX xét hỏi các bị cáo về việc có thay đổi nội dung kháng cáo hay không.
Trả lời HĐXX, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh giữ nguyên nội dung kháng cáo, đồng thời xin gửi bổ sung một số tài liệu, chứng cứ mới.
Theo bản án sơ thẩm, trong vụ án này, tại 6/7 dự án bất động sản, bị cáo Trần Văn Minh đã chỉ đạo các cán bộ cấp dưới thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nhanh chóng hoàn thành hồ sơ để giúp Phan Văn Anh Vũ được nhận quyền sử dụng đất các dự án này không qua đấu giá quyền sử dụng đất, áp đơn giá giao quyền sử dụng đất không sát với giá thị trường tại thời điểm đó, cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở trái với quy định pháp luật.
Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước tại thời điểm khởi tố điều tra là hơn 19,6 nghìn tỉ đồng.
|
|
Các bị cáo tại phiên xét xử. |
Tại 18 nhà, đất công sản, mặc dù không thuộc diện được mua chỉ định nhưng Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng những văn bản pháp lý của UBND TP Đà Nẵng do bị cáo Trần Văn Minh ký ban hành trái pháp luật để bàn bạc, thỏa thuận với Giám đốc một số công ty (là các đơn vị được mua chỉ định) đứng tên xin mua nhà công sản, xin giảm hệ số sinh lợi.
Sau đó, trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các công ty này lại có văn bản đề nghị thay đổi tên người nhận quyền sử dụng đất sang cho bị can Phan Văn Anh Vũ với lý do Vũ là người nộp tiền mua nhà và được Trần Văn Minh cùng các đồng phạm thực hiện hành vi làm trái quy định của Nhà nước về quản lý tài sản tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ được mua 15/18 nhà, đất công sản trái pháp luật.
Hành vi này của bị cáo Trần Văn Minh và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước tại 18 nhà, đất công sản nêu trên tại thời điểm khởi tố điều tra là hơn 2,1 nghìn tỉ đồng.
Với những hành vi trên, cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, 5 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, tổng hợp hình phạt là 17 năm tù.
Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Minh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Bị cáo Minh kêu oan, nói mình làm đúng theo chủ trương của thành phố.
Đối với Phan Văn Anh Vũ, sau khi bị tuyên phạt 25 năm tù về 2 tội danh, bị cáo Vũ đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Trước đó, tòa sơ thẩm cho rằng, đủ căn cứ xác định Phan Văn Anh Vũ có quan hệ với lãnh đạo Đà Nẵng đặc biệt là cố Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND Đà Nẵng; các vụ án khác cũng thể hiện Vũ có quan hệ với lãnh đạo cấp cao tại Bộ Công an nên lợi dụng danh nghĩa công ty bình phong của Bộ Công an để thâu tóm nhà đất...
Hành vi thâu tóm của Vũ tại 4 dự án bất động sản đã gây thiệt hại hơn 18.200 tỉ đồng; tại 15 nhà công sản, gây thiệt hại hơn 1.700 tỉ đồng.
Từ hành vi trái pháp luật nêu trên, các bị cáo đã tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ trực tiếp được nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà, đất công sản và 6/7 dự án đất, gây thiệt hại 22.000 tỉ đồng.
Sau án sơ thẩm, cựu Chủ tịch Đà Nẵng Văn Hữu Chiến có đơn kháng cáo một phần trong vụ án. Bị cáo Chiến khẳng định, việc tòa sơ thẩm quy kết bị cáo có hành vi giúp sức cho bị cáo Trần Văn Minh ký Quyết định 5870 ngày 12/7/2011 thu hồi và giao Công ty xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ diện tích 29 ha không đấu giá là… bị oan.
Ngoài ra, bị cáo Chiến xin giảm nhẹ hình phạt, trách nhiệm dân sự và đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại bối cảnh thành phố Đà Nẵng cách đây 15 năm. Bị cáo Chiến cho rằng, việc giảm 10% giá và giảm hệ số sinh lời là chủ trương chung của TP Đà Nẵng, đã được Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố đồng ý, tập thể đồng ý, là chính sách công khai diễn ra cách đây 15 năm... Bị cáo Chiến chỉ là người thi hành những chính sách này.
|
|
Phan Văn Anh Vũ vẫn "một mực" kêu oan dù gây thiệt hại 22 nghìn tỉ cho Nhà nước |
Tuy nhiên, tại tòa phúc thẩm, cựu Chủ tịch Đà Nẵng Văn Hữu Chiến bất ngờ thay đổi nội dung kháng cáo, kêu oan với cả 2 tội danh bị quy kết.
Cũng tại phiên xét xử, nhiều bị cáo thay đổi kháng cáo, từ việc xin giảm nhẹ hình phạt chuyển sáng kháng cáo… kêu oan, cho rằng mình vô tội, chỉ làm theo chủ trương của thành phố, theo chỉ đạo của lãnh đạo.
Sẽ triệu tập giám định viên để làm rõ thiệt hại
Trước đó, tại phần thủ tục, các luật sư đề nghị triệu tập Hội đồng định giá trung ương vì cho rằng kết luận định giá có vi phạm; triệu tập một số định giá viên. Một số luật sư đề nghị HĐXX mời Hội đồng định giá tài sản tới tòa. Đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị triệu tập các Giám định viên liên quan tới giám định trong vụ án đến tòa. Vì theo lời đại diện VKS, việc kết luận hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án dựa trên các kết luận giám định về tài chính, tài nguyên môi trường.
Bị cáo Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch Đà Nẵng đề nghị mời thêm ông Hoàng Tuấn Anh, nguyên Chủ tịch Đà Nẵng; Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Đà Nẵng nhằm làm rõ việc chuyển mục đích sử dụng đất; trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng đất không đúng mục đích tại đơn vị bình phong của Bộ Công an.
Bị cáo Minh cũng đề nghị mời đại diện của Bộ Công an để làm rõ trách nhiệm trong thi hành pháp lệnh tình báo và giải thích văn bản của Thứ trưởng Bộ Công an gửi cho bị cáo về việc cho công ty bình phong mua đất công.
|
|
Bị cáo Trần Văn Minh vẫn cho rằng mình làm đúng chủ trương của thành phố. |
Chủ tọa cho biết nếu cần thiết sẽ triệu tập thêm người tham gia phiên tòa. Ngoài ra, hồ sơ vụ án có tài liệu đóng dấu "Mật", ai đưa ra các tài liệu này sẽ phải chịu trách nhiệm; các phóng viên có trách nhiệm đưa tin phiên tòa đúng sự thật, sai sẽ bị xử lý.
Cũng tại phiên xét xử, bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã "đính chính" một số thông tin liên quan tới nhân thân mình. Trong đó, bị cáo Vũ khẳng định mình không bị bắt theo lệnh truy nã.
Trước đó, thư ký phiên tòa báo cáo có 3 Điều tra viên có mặt tại tòa. Tuy nhiên khi HĐXX hỏi, cả 3 Điều tra viên đều vắng mặt.
HĐXX cũng cho biết quá trình xét xử nếu thấy cần triệu tập những người liên quan khác thì sẽ triệu tập.