Sáng nay (18/1) TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và TP Hồ Chí Minh.

Gần 8 giờ sáng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng xuất hiện tại toà cùng luật sư của mình là ông Nguyễn Huy Thiệp.

Trong khi cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín vắng mặt, các bị cáo Lê Văn Thanh (cựu Phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM) và Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM) đã có mặt tại phiên xử. Trước đó, hôm 7/1, vì sự vắng mặt của các bị cáo trên, cùng nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác, mà phiên toà đã phải hoãn lại.

8 giờ 20 phút, Thẩm phán công bố quyết định mở lại phiên toà. Tại phần kiểm tra lý lịch, bị cáo Vũ Huy Hoàng giới thiệu: “Tôi nguyên là cán bộ Bộ Công thương”.

leftcenterrightdel
 Hội đồng xét xử vụ án.

Bị cáo Hoàng cũng cho biết, tuy sức khoẻ yếu, đang điều trị, nhưng "đã nghiêm túc, trách nhiệm, tuân thủ quy định theo pháp luật với một bị cáo, tôi đã cố gắng đến phiên toà, nhưng do sức khoẻ không cho phép, tôi xin phép được ngồi, sử dụng thuốc và nếu có nhu cầu cá nhân, xin phép được ra ngoài".

Lý do vắng mặt của bị cáo Nguyễn Hữu Tín được thẩm phán, chủ toạ phiên toà cho biết là "hiện đang bị bệnh nặng không di chuyển được và đã có đơn xin xét xử vắng mặt".

Do vắng bị cáo Tín, nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như dàn lãnh đạo cũ của Sabeco, Giám định viên của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 1 thành viên HĐXX và một số luật sư, HĐXX đã xin ý kiến Viện kiểm sát và các luật sư về việc có hoãn phiên xét xử lần 2 hay không?

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, theo quy định về sự có mặt của HĐXX, Thẩm phán Chử Phương Ngọc vắng mặt, nhưng đã có thẩm phán dự khuyết, nên sự vắng mặt của Thẩm phán Chử Phương Ngọc không ảnh hưởng đến kết quả phiên toà.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Vũ Huy Hoàng tại phiên xét xử sáng 18/1/2020.

Tuy nhiên, sự vắng mặt bị cáo Nguyễn Hữu Tín cùng một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ ảnh hưởng đến việc xét xử… Đề nghị HĐXX căn cứ sự có mặt của những người này, quy định tại các Điều 291 - 294 và 297 Bộ luật Tố tụng hình sự xem xét quyết định hoãn phiên toà.

Nhiều luật sư cũng có đề nghị tương tự. Đề nghị triệu tập nguyên lãnh đạo Sabeco

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho ông Vũ Huy Hoàng, đề nghị hoãn phiên toà, với 2 lý do cụ thể. Theo ông Thiệp, tại phiên toà 7/1, khi hoãn phiên toà lần 1, luật sư đã đề nghị triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đặc biệt là ông Phan Đăng Tuất, nguyên Chủ tịch HĐTV Sabeco; ông Lê Hồng Xanh, nguyên Tổng giám đốc Sabeco; và ông Võ Thanh Hà, nguyên Chủ tịch HĐTV Sabeco, vì những người này có lời khai được sử dụng nhưng chưa được kiểm chứng, chưa được đối chất, nên đây là nội dung cần đánh giá tại phiên toà.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Phan Chí Dũng tại phiên xét xử.

Luật sư Thiệp cho rằng, lời khai của những người này quan trọng ở chỗ, nó đã chứng minh mấu chốt của vụ án là việc chuyển đất công thành tư, thể hiện ở nội dung việc chuyển từ hợp đồng nguyên tắc sang hợp đồng hợp tác, cho phép chuyển chủ đầu tư; trong khi theo hợp đồng nguyên tắc thì tất cả các bên góp vốn chuyển tiền để Sabeco nộp tiền sử dụng đất và đứng tên chủ đầu tư.

Luật sư của bị cáo Nguyễn Hữu Tín thì cho biết, bị cáo này đang bị suy tim, di chuyển rất nguy hiểm...

leftcenterrightdel
 Đại diện Bộ Công thương là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Sau khi hội ý, chủ tọa thông báo phiên tòa được mở lần thứ nhất ngày 7/1 nhưng hoãn do vắng mặt một số bị cáo và nhiều người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Tòa đã triệu tập và tống đạt giấy triệu tập đến các bị cáo, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến phiên tòa ngày 18/1.

Tuy nhiên, hôm nay 18/1, một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan tiếp tục vắng mặt, Giám định viên Bộ Tài nguyên - Môi trường vắng mặt không có lý do.

Căn cứ đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, một số luật sư và căn cứ một số quy định pháp luật, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, thời gian mở lại sẽ thông báo sau.

Theo cáo trạng, bị cáo Vũ Huy Hoàng và 9 bị cáo khác có nhiều sai phạm dẫn đến quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng có diện tích 6.000m2 thuộc doanh nghiệp nhà nước rơi vào tay tư nhân.

Từ năm 2012 - 2016, bị cáo Hoàng đã chỉ đạo cấp dưới là bà Hồ Thị Kim Thoa và bị cáo Dũng ký các văn bản yêu cầu Sabeco dùng quyền sử dụng đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng không chỉ đạo Sabeco thực hiện dự án đã được phê duyệt, mà chỉ đạo đơn vị này thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh liên kết để hoàn tất việc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất hơn 6.000m2 là tài sản nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật.

Các bị cáo là lãnh đạo nhiều sở, ngành thuộc UBND TP.HCM đã tham mưu cho ông Nguyễn Hữu Tín ký ban hành quyết định cho Sabeco Pearl thuê đất trái quy định pháp luật.

Viện kiểm sát xác định bị cáo Hoàng và 9 đồng phạm đã dùng quyền sử dụng đất hoặc các quyền về tài sản khác của Nhà nước để góp vốn, liên doanh sau đó thoái vốn (chuyển nhượng vốn) không minh bạch, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 2.700 tỉ đồng.


Hà Nhân