Sáng 9/10, TAND tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Châu Thị Mỹ Linh (SN 1970, trú tại phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TP Hồ Chí Minh; Giám đốc Công ty Yên Phước) và cặp anh em song sinh “đại gia lan đột biến Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh (cùng sinh năm 1989, trú tại Đông Triều, Quảng Ninh; Thành viên góp vốn điều hành Công ty Đông Bắc Hải Dương), cùng 29 bị cáo nữa trong vụ khai thác trái phép hơn 3 triệu tấn than tại mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), thu lời bất chính hơn 375 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên xét xử.  Ảnh: Trọng Tài.

Trong buổi sáng, HĐXX đã dành quá nửa thời gian làm việc để kiểm tra lại những người có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án và kiểm tra lí lịch, phổ biến quyền và nghĩa vụ của các bị cáo, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liện quan… Trong buổi chiều làm việc, đại diện Viện kiểm sát tiếp tục công bố bản cáo trạng truy tố các bị cáo.

Theo cáo trạng của VKSND tối cao, năm 2014, Công ty Yên Phước được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác mỏ than Minh Tiến, với tổng trữ lượng được cấp phép là 136.000 tấn, công suất khai thác 8.500 tấn/năm, thời hạn khai thác đến tháng 6/2031.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng. Ảnh: N.Minh.

Sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng xong, năm 2018, Công ty Yên Phước bắt đầu khai thác than lộ thiên tại Khu B Mỏ than Minh Tiến.

Từ tháng 7/2018 đến tháng 3/2019, thông qua giới thiệu của Đàm Hương Huệ (SN 1981, trú tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên; Giám đốc Công ty TNHH Uyên Hiển), Công ty Đông Bắc Hải Dương đã mua của Công ty Yên Phước 25.554,47 tấn than và bã sàng với tổng số tiền 19.246.406.200 đồng. Đàm Hương Huệ được Công ty Đông Bắc Hải Dương thuê vận chuyển toàn bộ số than nêu trên.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng. Ảnh: N.Minh.

Tháng 3/2019, Châu Thị Mỹ Linh và Hà Anh Tuấn (SN 1982, Giám đốc Công ty Đông Bắc Hải Dương - công ty này do anh em Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang cổ phần chính với 70% cổ phần), ký hợp đồng để cho Công ty Đông Bắc được khai thác, chế biến than tại mỏ than Minh Tiến. Theo đó, Công ty Đông Bắc Hải Dương mua toàn bộ số than của Công ty Yên Phước đã khai thác còn tồn tại mỏ với giá 9,95 tỷ đồng; mua toàn bộ máy móc, thiết bị khai thác, vận chuyển than hiện có của Công ty Yên Phước với giá 15 tỷ đồng và Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp khai thác than tại mỏ, với giá thành 450.000 đồng/1 tấn than thành phẩm, công suất tối thiểu 400.000 tấn than/năm (gấp 47,05 lần trữ lượng được cấp phép).

Thực hiện hợp đồng, Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp là Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang điều hành thực hiện việc khai thác, chế biến, tiêu thụ than và trả tiền cho Châu Thị Mỹ Linh.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Châu Thị Mỹ Linh trước bục khai báo. Ảnh: Trọng Tài.

Công ty Đông Bắc Hải Dương đã đầu tư thêm máy móc, thiết bị khai thác, sàng tuyển, chế biến; thuê bãi chứa than và bố trí nhân sự quản lý, điều hành việc khai thác than tại Mỏ than Minh Tiến. Theo đó, Bùi Hữu Khoa được phân công quản lý, điều hành hoạt động khai thác. Bùi Hữu Thương được phân công quản lý bãi than; cân hàng; đối chiếu và chốt số lượng, giá trị sản phẩm than đã khai thác và mua bán với Công ty Yên Phước.

Cơ quan tố tụng xác định, từ ngày 12/3/2019, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã khai thác và vận chuyển ra khỏi Mỏ than Minh Tiến hơn 1.145.933 tấn than; 330.714 m3 bã sàng; 89.066 m3 đá đen.

Quá trình điều tra, đã thu giữ toàn bộ số than do Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác và còn tồn tại mỏ than Minh Tiến. Kết luận Giám định ngày 24/2/2023 của Tổ Giám định viên tư pháp Bộ Tài nguyên và Môi trường, xác định chủng loại khoáng sản là than, khối lượng là 1.581.766 tấn.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo đứng nghe đại diện Viện kiểm sát công bố bản cáo trạng. Ảnh: Trọng Tài.

Như vậy, từ tháng 7/2018 đến ngày 18/8/2021, tổng số than, khoáng sản đi kèm được khai thác là hơn 3.180.534 tấn. Trong đó, giai đoạn Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp khai thác từ sau ngày 12/3/2019 là hơn 3.147.480 tấn than cùng khoáng sản.

Từ tháng 7/2018 đến tháng 8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã trả cho Châu Thị Mỹ Linh 166,804 tỷ đồng. Công ty Yên Phước đã nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền hơn 11,7 tỷ đồng, gồm:  tiền cấp quyền khai thác, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, tiền thuê đất, tiền ký quỹ phục hồi môi trường… và hơn 3,3 tỷ đồng mua đất và chi phí hỗ trợ người dân. Như vậy, số tiền Châu Thị Mỹ Linh thu lợi từ việc khai thác trái phép tại mỏ than Minh Tiến là hơn 151,7 tỷ đồng.

Để qua mắt các cơ quan quản lý nhà nước, Châu Thị Mỹ Linh và Công ty Đông Bắc Hải Dương đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi vừa tránh bị phát hiện, vừa trốn thuế, phí hàng chục tỉ đồng, bằng việc tạo lập khống các hợp đồng kinh tế nhằm hợp thức cho việc Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương chỉ khai thác đúng khối lượng than mà Công ty Yên Phước được phép khai thác (8.500 tấn than/năm).

Châu Thị Mỹ Linh chỉ đạo Ngụy Quang Thuyên (SN 1968, nhân viên Công Yên Phước; là em chồng của Linh) lập và ký với Bùi Hữu Khoa (đại diện Công ty Đông Bắc Hải Dương) các biên bản nghiệm thu khối lượng than nguyên khai do Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác hàng tháng chỉ từ 900 đến 1.400 tấn để phù hợp với sản lượng khai thác ghi tại hợp đồng khống và phù hợp với số lượng than được phép khai thác hàng năm, để báo cáo UBND tỉnh Thái Nguyên và Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh này.

Theo đó, từ tháng 6/2018 đến ngày 31/7/2020, Công ty Yên Phước chỉ báo cáo tổng số than khai thác được là 18.695 tấn. Cụ thể, năm 2018, sản lượng khai thác là 5.000 tấn, tiêu thụ 3.043,2 tấn, doanh thu 1.930.368.000 đồng; năm 2019 là 5.000 tấn, tiêu thụ 3.043,2 tấn, doanh thu 1.930.368.000 đồng; năm 2020, sản lượng khai thác 5.172 tấn, tiêu thụ 4,712 tấn, doanh thu 1.358.270.000 đồng.

Nhật Minh - Trọng Tài