Băn khoăn về giá thẩm định nhưng không phản đối
Sáng nay, 17/2, Hội đồng xét xử vụ án MobiFone mua AVG tiếp tục phần xét hỏi với các bị cáo là lãnh đạo của MobiFone và những người có liên quan.
Trả lời trước HĐXX, bị cáo Phan Thị Hoa Mai (cựu thành viên HĐTV MobiFone), cho rằng, bị cáo tham gia với chức danh thành viên Hội đồng thành viên, thực hiện theo điều lệ của công ty, không được giao thực hiện nhiệm vụ cụ thể nào trong dự án MobiFone mua cổ phần AVG.
Khi Chủ tọa hỏi, bị cáo nhận thức Quyết định 236 có sai không? Bị cáo Mai nói "nhận thức quyết định này hoàn toàn đúng, hoàn toàn tin tưởng vào cấp trên".
Về mức giá MobiFone mua AVG, bị cáo Mai khai không biết giá TGĐ trình lên HĐTV là cao hay thấp. Về giá trị của AVG, theo bị cáo được biết là thuê các đơn vị thẩm định giá và các đơn vị này đều được Bộ Tài chính cấp phép. Có lần bị cáo Mai thấy băn khoăn về giá mua của AVG và giá trị sổ sách của AVG, chứ không bao giờ quan tâm giá mua cổ phần AVG là cao hay thấp..
|
|
Các bị cáo tại phiên xét xử |
Bị cáo Hồ Tuấn (thành viên HĐTV MobiFone, Phó Tổng giám đốc) khai không tham gia bất cứ việc gì, không được chỉ đạo tham gia dự án. Lúc ký hợp đồng, dự án xong hết cả thì bị cáo được yêu cầu ký 2 văn bản để hoàn thiện thủ tục. Do nể nang, thiếu hiểu biết nên bị cáo đã ký.
|
|
Hồ Tuấn: Bị cáo ký các văn bản do tin tưởng báo cáo của Ban TGĐ |
Khi chủ tọa hỏi tiếp dự án do MobiFone thực hiện theo quyết định 236 được xác định có sai phạm, bị cáo có thấy trách nhiệm gì? Bị cáo Tuấn trả lời rằng “đến giờ tôi đã nhận thấy mình có sai phạm. Việc tôi ký các văn bản là do tôi hoàn toàn tin tưởng vào tất cả báo cáo của Ban TGĐ và các đơn vị chức năng.
Sau đó, HĐXX chuyển sang xét hỏi bị cáo Phạm Thị Phương Anh (là Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính, kế toán MobiFone), Phương Anh khai nhận, trong dự án, bị cáo được tham gia tư cách Tổ trưởng tổ giúp việc liên quan việc triển khai thủ tục. Ngoài ra, bị cáo còn là Tổ trưởng tổ đàm phán các thủ tục hợp đồng.
|
|
Bị cáo Phạm Thị Phương Anh: Bị cáo thấy băn khoăn khi kiểm tra tài chính AVG |
Bị cáo Phương Anh khai: “Có tất cả 7 báo cáo, nội dung chủ yếu tôi có ý kiến về tình hình tài chính AVG theo đánh giá của đơn vị tư vấn”. Khi HĐXX hỏi bị cáo nhận thức khả năng tài chính AVG ra sao? Bị cáo Phương Anh trả lời, có lẽ bị cáo là người duy nhất trong MobiFone băn khoăn, bất cập khi thấy tài chính của AVG. Tôi chỉ nói AVG đang có một số vấn đề như lỗ lũy kế, giá trị mảng truyền hình chỉ khoảng hơn 600 tỉ.
Ký khống chứng thư bảo lãnh để nhận … hoa hồng
AMAX là công ty đứng ra ký Báo cáo xác định giá trị Doanh nghiệp AVG số 256 ngày 5/8/2015; ký Chứng thư thẩm định giá số 256/TĐG-CT-AMAX ngày 5/8/2015.
Mục đích thẩm định giá làm căn cứ xem xét để quyết định việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, dùng phương pháp tài sản để xác định giá trị doanh nghiệp AVG khoảng 16.500 tỉ đồng. Trong khi trên thực tế, AVG lỗ luỹ kế, giá trị tài sản chỉ còn khoảng chưa đến 2.000 tỉ đồng.
Tại toà, Thẩm định viên Hoàng Duy Quang khai mình là người tìm mối để AMAX ký hợp đồng xác định giá trị doanh nghiệp AVG với MobiFone để được hưởng 10% giá trị hợp đồng. Mặc dù, Quang không tham gia thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG nhưng vẫn ký với tư cách là Thẩm định viên trong Chứng thư và Báo cáo xác định giá trị AVG để được hưởng thêm 5% giá trị hợp đồng.
MobiFone sau đó đã thanh toán cho AMAX số tiền 440 triệu đồng tiền thẩm định theo hợp đồng và Quang đã được hưởng lợi 60 triệu đồng tiền hoa hồng, nộp thuế thu nhập cá nhân 6 triệu đồng, còn lại 54 triệu đồng Quang sử dụng cá nhân.
Quang thừa nhận, mình không có kinh nghiệm, năng lực gì trong lĩnh vực định giá doanh nghiệp. Biết việc ký chứng thư và báo cáo định giá AVG để MobiFone mua lại nhưng vẫn nhắm mắt ký khống.
Bị cáo Quang khai nhận, đã tham gia ký Báo cáo xác định giá trị Doanh nghiệp AVG số 256 ngày 05/8/2015; Ký Chứng thư thẩm định giá số 256/TĐG-CT-AMAX ngày 05/8/2015, mục đích thẩm định giá làm căn cứ xem xét để quyết định việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, dùng phương pháp tài sản để xác định giá trị doanh nghiệp AVG là 16.565 tỉ đồng.
Trả lời câu hỏi của Chủ tọa “vì sao, căn cứ vào đâu để quyết định ký báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp lên đến 16.000 tỉ?”, Quang trả lời, “do bị cáo kém hiểu biết, trước đó căn cứ vào các tài liệu, hồ sơ thủ tục do đồng nghiệp đưa cho bị cáo xem xét. Đến nay bị cáo thấy hành vi của mình như vậy là hoàn toàn sai trái”. Theo đề nghị của Hoàng Duy Quang, gia đình nộp 54 triệu đồng vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra.