Chủ tọa phiên tòa công bố, việc hoãn phiên tòa là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo, bị hại và người liên quan. Đồng thời, để xem xét quá trình gia đình các bị cáo thực hiện việc khắc phục hậu quả vụ án nói chung, khắc phục cho người bị hại, người liên quan nói riêng.

Dự kiến, mở lại phiên xử phúc thẩm trong tháng 6/2025, ngày cụ thể sẽ được thông báo sau.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên tòa phúc thẩm xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm. Ảnh: Hồng Nguyên

Buổi sáng cùng ngày, khai mạc phiên tòa, Thư ký thông báo bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) vắng mặt đã có đơn xin hoãn phiên tòa và xét xử vắng mặt.

Hai em gái của Trịnh Văn Quyết là bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế và bị cáo Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC) cùng hơn 20 bị cáo có đơn kháng cáo có mặt.

Theo thông báo của Hội đồng xét xử, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đang phải điều trị tại bệnh viện, phải thở oxy do gặp vấn đề về sức khỏe.

Cụ thể, Chủ tọa phiên tòa Võ Hồng Sơn công bố xác nhận của Bệnh viện 198 về việc bị cáo Trịnh Văn Quyết đang điều trị nội trú bệnh lao, hen phế quản nặng, tăng huyết áp, suy tim độ 3, tiên lượng mắc nhiều bệnh, nguy cơ tử vong cao cần được điều trị nội trú, không đủ điều kiện sức khỏe có mặt tại phiên tòa.

Trình bày trước Hội đồng xét xử về sự vắng mặt của thân chủ, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, ông Trịnh Văn Quyết ngoài bệnh lao phổi đang điều trị. Bệnh viện Bạch Mai cũng đã chẩn đoán ông Quyết bị suy tim cấp độ 3, mắc nhiều bệnh, nguy hiểm đến tính mạng.  

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế. Ảnh: Hồng Nguyên

Ngoài lý do về sức khỏe, luật sư của bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng cho biết, thân chủ và gia đình ông Quyết có đơn gửi tòa, xin hoãn xét xử phúc thẩm để có điều kiện khắc phục hoàn toàn hậu quả vụ án.

Gia đình bị cáo Trịnh Văn Quyết đã có đơn gửi Hội đồng xét xử xin đảm bảo nộp thêm 100-200 tỉ đồng trong tuần này. Trong tháng 5, gia đình ông Quyết cũng cam kết sẽ khắc phục toàn bộ hậu quả thiệt hại vụ án.

Theo các chứng từ và các khoản được Tòa công bố, bị cáo Trịnh Văn Quyết và 2 em gái đã nộp khoảng 1.000 tỉ đồng, trong tổng 2.400 tỉ đồng phải khắc phục.

Trước diễn biến nêu trên, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, tình trạng sức khỏe của bị cáo Trịnh Văn Quyết có nguy cơ tử vong cao, trong khi đó, bị cáo có vai trò lớn trong vụ án. Gia đình bị cáo đã có đơn cam kết, trong tuần này sẽ khắc phục thêm 100 - 200 tỉ đồng và hết tháng 5/2025 sẽ khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát cũng đánh giá, từ khi hoãn phiên tòa lần đầu đến nay, bị cáo Quyết đã khắc phục được thêm 400 tỉ đồng. Điều đó cho thấy, bị cáo và gia đình đã cố gắng khắc phục hậu quả, dù bị cáo đang bệnh nặng.

Để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu gia đình bị cáo khắc phục được toàn bộ hậu quả vụ án, Viện kiểm sát đề nghị lần cuối hoãn phiên tòa phúc thẩm.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Trịnh Văn Đại, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros (anh họ Trịnh Văn Quyết). Ảnh: Hồng Nguyên

Trước đó, vào tháng 8/2024, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án và tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết mức án 21 năm tù về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.

Cùng tội danh này, hai em gái ông Trịnh Văn Quyết là bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị tuyên phạt 14 năm tù và bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga 8 năm tù.

Sau đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ mức án phạt tù và xem xét giảm trách nhiệm bồi thường dân sự.

Các bị cáo Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, 22 bị cáo khác xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo,...xin gỡ bỏ phong tỏa về tài sản.

Có 135 bị hại và 384 người liên quan kháng cáo yêu cầu xác định lại số tiền bồi thường và xem xét lại một số nội dung trong bản án sơ thẩm đã tuyên.

Tháng 12/2024, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm nhưng sau đó HĐXX đã ra quyết định hoãn phiên tòa cũng vì lý do sức khỏe của bị cáo Trịnh Văn Quyết.

Vũ Phương - Hồng Nguyên