Tại phiên xét xử, có 34 bị cáo có mặt, 66 bị cáo khác có đơn xin vắng mặt. Trong số 100 bị cáo có 7 bị cáo bị tạm giam, còn lại các bị cáo được tại ngoại.

Cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố các bị cáo về các tội: “Mua bán trái phép hóa đơn”; “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; “Trốn thuế”.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng tại phiên tòa. 

Trong đó, đối tượng cầm đầu Nguyễn Minh Tú (SN 1992, trú tại TP Hồ Chí Minh) bị Viện kiểm sát truy tố về các tội danh: “Mua bán trái phép hóa đơn” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại điểm d, đ, e khoản 2 Điều 203 và điểm a, khoản 3 Điều 341 của Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nêu rõ, trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2022, Nguyễn Minh Tú đã trực tiếp và thông qua 73 đối tượng trung gian, sử dụng 646 công ty, để bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn Giá trị gia tăng (VAT) cho 88.053 đơn vị, tổ chức với tổng doanh số hơn 63.762 tỉ đồng.

Nguyễn Minh Tú thu được số tiền hơn 294 tỉ đồng từ hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Số tiền này, Tú đã chia cho Võ Tấn Lộc (là người điều hành các công ty tài chính của Tú) số tiền hơn 12,3 tỉ đồng; trả cho Nguyễn Thị Huế (là người giúp Tú “mua” các doanh nghiệp) số tiền 31,6 tỉ đồng; còn lại Tú tự nguyện giao nộp số tiền hơn 15,2 tỉ đồng.

Như vậy, Nguyễn Minh Tú còn phải nộp số tiền hưởng lợi hơn 234,9 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Đại diện Viện kiểm sát đã chỉ rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. 

Ngoài ra, Nguyễn Minh Tú đã đặt mua 32 con dấu giả của các cơ quan có thẩm quyền (UBND các tỉnh, các sở, ngành và cơ quan đăng kiểm, kiểm định, công chứng) và sử dụng để tạo dựng “khống” các bộ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ghi trên các hóa đơn, rồi chuyển lại cho doanh nghiệp mua hóa đơn sử dụng thanh, quyết toán với cơ quan Thuế.

Trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2022, Nguyễn Minh Tú, đã thông qua Nguyễn Thị Huế (SN 1988, ở Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) và 2 cá nhân tên là Kiên và Vân (không xác định được danh tính) để mua 646 doanh nghiệp.

Tú thông qua Huế mua 500 doanh nghiệp với chi phí từ 50 - 60 triệu đồng/doanh nghiệp (bao gồm: Phí chuyển nhượng, sang tên Công ty; Phí thuê trụ sở treo biển Công ty; Phí đăng ký chữ ký số; Phí mua dịch vụ hóa đơn điện tử; Phí mở tài khoản ngân hàng và tiền phí làm con dấu mới).

Tổng số tiền Tú đã trả cho Huế hơn 30,3 tỉ đồng. Sau đó, thông qua mạng xã hội “Facebook”, “Zalo” và các hội nhóm trên mạng Internet, Tú thiết lập mạng lưới đối tượng trung gian (F1, F2…) để bán hóa đơn VAT cho các đơn vị có nhu cầu trên địa bàn cả nước, hưởng lợi bất chính.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo nghe đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng truy tố. 

Để che giấu việc bán hóa đơn trái phép, Nguyễn Minh Tú đã thuê Nguyễn Thị Huế với giá từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng “tự kê”, rồi “khai khống” doanh số mua vào (thực tế không có hóa đơn đầu vào); “Khai giảm” (Chỉ khai một phần nhỏ) doanh số hóa đơn bán ra của các Công ty bán hóa đơn trên Tờ khai thuế điện tử tại các kỳ quyết toán thuế của doanh nghiệp.

Để hợp thức thủ tục thanh toán “qua ngân hàng” cho các hóa đơn GTGT đã bán, Nguyễn Minh Tú và Võ Tấn Lộc (SN, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) “mua” 6 công ty tài chính, Tú giao cho Lộc điều hành các công ty tài chính này.  

leftcenterrightdel
 Các hành vi phạm tội một cách tinh vi của các bị cáo được đại diện Viện kiểm sát làm rõ tại phiên tòa. 

 

Minh Hiếu - Vũ Phương