Đó là phiên tòa xét xử phúc thẩm ly hôn giữa nguyên đơn là anh L.T.Ch. (SN 1976; Địa chỉ: xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang); bị đơn là chị V.H.C. (SN 1986, cùng địa chỉ). Về con chung có hai cháu là P. (nam, SN 2008) và cháu U. (nữ, SN 2012).

Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa anh Ch. và chị C. Giao 02 con chung cho chị C. tiếp tục nuôi dưỡng và buộc anh Ch. cấp dưỡng nuôi con chung theo định kỳ hàng tháng...

Do chị C. không đồng ý nuôi con chung, nên kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại việc nuôi con.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên đã nhiều lần động viên chị C., khơi dậy tình mẫu tử thiêng liêng, tấm lòng bao la của người mẹ, đạo lý ở đời. Qua thực tế kiểm sát xét xử các vụ ly hôn cho thấy, hầu hết sau những vụ ly hôn, người phụ nữ đều nhận phần thua thiệt về mình để mong được nuôi dạy con cái, kể cả chống đối không chấp hành án (không giao con). Nhưng trong vụ ly hôn này, người mẹ lại từ chối nuôi con khiến cho những người tham dự phiên tòa hôm ấy không khỏi bất bình. Riêng tôi không nén được tình cảm và sự nghẹn ngào khi tham gia hỏi chị C. và cháu P. Bởi lẽ là người hiếm muộn, tôi mong ước được có những đứa con, trong khi chị C. được hưởng thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ lại không biết trân trọng.

Nhìn cháu P. thân hình gầy gò, nhỏ nhắn, đen nhẻm tôi không khỏi chạnh lòng. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã hỏi cháu P. nhiều lần về nguyện vọng sống chung với cha hay mẹ. Cháu trả lời trong tiếng khóc nức nở, lúc thì cháu trả lời muốn sống với cha, lúc thì cháu trả lời không biết sống với ai. Cũng dễ hiểu thôi vì cả anh Ch. và chị C. đều không đồng ý nuôi bé. Có lẽ phiên tòa hôm ấy đã để lại trong lòng cháu P. những tổn thương nhất định và ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý về sau của cháu.

Qua phiên tòa này, mong rằng các bậc làm cha, làm mẹ trước khi ly hôn nên cân nhắc và có những quyết định vì lợi ích của con trẻ, đừng biến chúng trở thành những đứa trẻ “mồ côi”.

Kim Quang