Tòa án quân sự (TAQS) khu vực Thủ đô đã mở phiên toà xét xử  đối với bị cáo Nguyễn Thị Hương (SN 1989, trú tại huyện Kiến Thuỵ, TP Hải Phòng) về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, theo quy định tại điểm b, c khoản 2, Điều 341 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng truy tố, Nguyễn Thị Hương tham gia nhóm “Cho nhận con nuôi” trên mạng xã hội Facebook để tìm kiếm những người mang thai sắp sinh đẻ nhưng muốn cho con đi và những người muốn nhận con nuôi. Từ đó, Hương làm môi giới những người này thực hiện cho, nhận con nuôi mà không thông qua cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Trong khoảng từ tháng 7/2020-  8/2020, Hương đã làm môi giới 5 trường hợp cho và nhận nuôi con là những cháu bé mới sinh tại Khoa sản Bệnh viện Quân y 103. Trong những lần này, Hương đều thỏa thuận với người nhận con đưa cho Hương tiền chi phí để nhận con là 55 triệu đồng, Hương đưa lại 25 triệu đồng cho người cho con, còn lại tạm ứng viện phí, chi tiêu phát sinh trong bệnh viện, mua Giấy chứng sinh giả và hưởng lợi cá nhân.

 
leftcenterrightdel
 Nguyễn Thị Hương bị tuyên phạt 30 tháng tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Trong khoảng thời gian từ ngày 29/7/2020 đến 5/8/2020, Nguyễn Thị Hương đã có hành vi làm giả 3 giấy chứng sinh của Bệnh viện Quân y 103 – Học viện Quân y tại khu vực Bệnh viên Quân y 103 và Viện Bỏng Quốc gia thuộc Học viện Quân y với mục đích đưa cho các gia đình nhận con để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu bé.

Thông qua ứng dụng Zalo, Hương liên hệ đặt mua Giấy chứng sinh giả in theo mẫu với giá từ 5,2 – 5,5 triệu đồng/giấy. Khi cần, Hương nhắn tin qua Zalo thông báo, hôm sau nhận Giấy chứng sinh giả rồi trả tiền tại khu vực cổng Viện Bỏng Quốc gia.

Trên cơ sở thông tin của những người nhận con đã gửi cho Hương từ trước qua Facebook hoặc Zalo và thông tin về giới tính, cân nặng, ngày, giờ sinh của các cháu; tại khu vực cạnh Khoa sản Bệnh viện Quân y 103, Hương viết các thông tin có được theo các mục in sẵn để hoàn thiện nội dung trên các Giấy chứng sinh giả rồi đưa cho những người nhận con.

Hành vi nêu trên của Nguyễn Thị Hương đã trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính Nhà nước về con dấu, tài liệu và giấy tờ khác, xâm phạm đến sự hoạt động bình thường và uy tín của cơ quan, tổ chức được pháp luật bảo vệ.

Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Hương đã thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của mình như bản cáo trạng truy tố. Lời khai nhận của bị cáo phù hợp với tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa.

Sau khi nghị án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX sơ thẩm TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội có đủ cơ sở kết luận bị cáo Nguyễn Thị Hương đã phạm tội: “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” với các tình tiết định khung tăng nặng theo điểm b, c khoản 2 Điều 341 BLHS. Tính chất của vụ án là nghiêm trọng; hành vi của Nguyễn Thị Hương đã xâm phạm khách thể được Luật Hình sự bảo vệ đó là xâm phạm đến hoạt động của cơ quan Nhà nước; lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và làm ảnh hưởng đến uy tín của Quân đội.

Do đó, căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ TNHS và nhân thân của bị cáo, HĐXX  sơ thẩm TAQS  khu vực Thủ đô đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hương 30 tháng tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Hà Nhân