Sập bẫy vì thiếu hiểu biết về đối tác

Theo đơn tố giác của 4 nhà đầu tư Công ty MF Holdings Inc (MF), Gifed Wisdom Limited (Gifed), Fenghe Harvest Ltd (Fenghe), Harvest Investment Advisory Co.,Ltd (Harvest) gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an, họ đã bị lừa bởi những lời mời hợp tác “có cánh” của ông Nguyễn Lương Hoàng – Giám đốc Công ty Horizon Việt Nam (do ông Huy Nhật cử ra) về dự án (DA) Horizon Langco. Họ không thể ngờ tất cả các tài liệu, báo cáo về DA nghỉ dưỡng có quy mô sử dụng đất là 162ha, được triển khai tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam), do ông Huy Nhật “vẽ ra” đều là giả mạo, không có trong thực tế.

Trong khi đó theo thông tin từ ông Huy Nhật, DA này thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH MTV Horizon Property Group (công ty do ông làm chủ, đăng ký hoạt động tại Việt Nam, có số đăng ký doanh nghiệp 0314931578). Thực hư như thế nào còn phải chờ kết quả điều tra của CO3 Bộ Công an (?).

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, nhà đầu tư muốn thành lập DN có vốn đầu tư nước ngoài bắt buộc phải trải qua 2 công đoạn: Đăng ký chủ trương đầu tư với UBND cấp tỉnh; và xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Ở 2 công đoạn này, khó nhất với nhà đầu tư là phải có dự án đầu tư đề xuất, bao gồm: mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án; ký quỹ bảo đảm thực hiện DA từ 1-3% vốn đầu tư của DA; và chứng minh được năng lực tài chính.

Trong bối cảnh năm 2018, cả nước đang trong cơn khát thu hút nguồn lực FDI, cùng với chính sách trải thảm thu hút đầu tư ở các địa phương, quả thực nếu ông Huy Nhật có thiện chí đầu tư thì không quá khó để hoàn thành các thủ tục trên, thậm chí còn nhanh hơn các nhà đầu tư trong nước.

Tuy nhiên theo Công ty Luật Hợp danh YKVN (đơn vị đại diện cho 4 công ty nước ngoài nói trên), kết quả xác minh cho thấy không có khu đất nào của Huy Nhật tại Huế như mô tả trong hồ sơ giới thiệu về DA. Hay nói cách khác là không có DA nghỉ dưỡng Horizon Langco nào tồn tại ở Huế.

leftcenterrightdel

Ông Huy Nhật – người bị tố lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 1.800 tỉ. Ảnh: CTV.

Điều đó có nghĩa là nhà đầu tư Huy Nhật không đi từ con đường “chính ngạch”. Để dẫn dụ 4 nhà đầu tư FDI vào bẫy, ông này kỳ công dàn dựng “kịch bản lừa đảo” có một không hai.

Theo đó, 4 nhà đầu tư cùng với công ty của Huy Nhật có trụ sở tại Hồng Kông (Công ty Huy Fong Capital Limited) sẽ đầu tư vốn vào một công ty sẵn có của Huy Nhật tại Singapore là Công ty Horizon Vietnam Property Pte  (Horizon Singapore). Khi đó các nhà đầu tư sẽ trở thành cổ đông chính thức của Horizon Singapore. Horizon Singapore ký hợp đồng cho Horizon Vietnam vay tiền để triển khai dự án Horizon Langco…

Cùng với đó là những lời “mồi chài” khó cưỡng: Thực hiện các thủ tục chuyển nhượng vốn điều lệ cho Horizon Singapore, các nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận và sở hữu dự án Horizon Langco hợp pháp; sẽ chuyển vốn vay thành vốn góp của Horizon Singapore trong Horizon Vietnam cho dự án Horizon Langco; và lời cam kết không có bằng chứng sẽ sử dụng khoản vay từ 4 cổ đông đúng mục đích.

Song hành với DA ảo Horizon Langco bị lật tẩy, những tháng cuối năm 2019, người tiêu dùng Việt Nam “dậy sóng” khi hàng loạt Nhà hàng Món Huế cũng của ông Huy Nhật làm chủ bị đóng cửa vì kinh doanh thua lỗ. Người tiêu dùng Việt Nam và các nhà đầu tư thứ cấp không thể nào ngờ sự đổ vỡ đó đều nằm trong kịch bản lừa đảo do nhà đầu tư FDI này cùng các cộng sự đạo diễn và dàn dựng. Chỉ đến khi CO3 ra quyết định khởi tố vụ án đồng thời với DA Horizon Langco - theo đơn tố cáo của Công ty Huy Vietnam (Hong Kong) Limited về tội lừa đảo chiếm đoạt số tiền 1.269 tỉ đồng thì chân tướng của ông Huy Nhật mới lộ diện.

Khoảng trống của luật và bài học đắt giá  

Từ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do nhà đầu tư Huy Nhật chủ mưu gây ra và các vụ án xảy ra trong thời gian gần đây, có thể thấy tội phạm nước ngoài đã tìm hiểu và nghiên cứu rất kỹ về chủ trương, chính sách thu hút đầu tư FDI của Nhà nước ta, đặc biệt là kẽ hở của pháp luật Việt Nam chưa kịp hoàn thiện.

Một trong những điểm yếu “cốt tử” của pháp luật hiện hành đang được các nhà đầu tư FDI  “quan tâm” lợi dụng, đó chính là cơ chế hậu kiểm còn lỏng lẻo và chế tài không đủ sức răn đe. Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép khi thành lập DN được đăng ký vốn điều lệ không giới hạn nhưng lại không có quy định kiểm tra. Chỉ đến khi DN bị đổ bể, cơ quan có chức năng vào cuộc mới phát hiện ra vốn đăng ký hàng nghìn tỉ có khi là ảo.

Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam và Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế do ông Huy Nhật làm chủ bị tố lừa đảo chiếm đoạt số tiền 1.269 tỉ đồng cũng bắt đầu từ kẽ hở trên.

Rõ ràng là nhóm các nhà đầu tư lớn (bao gồm tổ chức ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital) hoàn toàn không biết về năng lực tài chính thực sự của ông Huy Nhật – cổ đông sáng lập ra Công ty Huy Việt Nam Group Limited và chủ chuỗi Món Huế, Phở Ông Hùng… nên đã mạnh tay cùng dốc vốn đầu tư vào Huy Việt Nam với tổng số vốn hơn 70 triệu USD.

leftcenterrightdel
Hệ thống Nhà hàng món Huế. Ảnh: CTV. 

Một khoảng trống khác của Luật Đầu tư 2014 được các nhà đầu tư FDI quan tâm “khai thác”, đó là quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 48. Theo đó, điều kiện DA đầu tư bị chấm dứt hoạt động, khi sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện DA theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư.

Nếu như DA Lăng Cô thật sự được cấp phép đầu tư nhưng không hề triển khai, chừng ấy thời gian là quá đủ để cho các nhà đầu tư FDI kiểu như Huy Nhật mồi chài các nhà đầu tư thừa nhẹ dạ cả tin nhưng lại thiếu thông tin, đặc biệt là không am hiểu gì về pháp luật Việt Nam… Chắc chắn khi bấm nút thông qua điều luật này, các đại biểu quốc hội mong muốn có đủ thời gian để giúp cho những nhà đầu tư FDI tháo gỡ khó khăn; nhưng không ngờ lại trở thành “con dao 2 lưỡi”. Đó là chưa kể tại Điều 46, Luật còn cho phép thời gian giãn tiến độ đầu tư đến 24 tháng, kèm theo điều kiện quá thoáng cho nhà đầu tư vượt “ải”.

Pháp luật Việt Nam điều chỉnh đến thời điểm này, có 2 hình thức để các nhà đầu tư FDI lựa chọn khi tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam: Đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp. Đầu tư trực tiếp là nhà đầu tư FDI bỏ vốn đầu tư 100%, thành lập doanh nghiệp và tham gia quản lý hoạt động đầu tư tại Việt Nam (như chuỗi nhà hàng Món Huế mà ông Huy Nhật đã làm thông qua Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam và Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế); và đầu tư gián tiếp thông qua việc hợp tác góp vốn, cho vay, mua cổ phần từ một DN đăng ký pháp nhân có trụ sở từ nước ngoài, mà không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư (như trường hợp 4 nhà đầu tư hợp tác đầu tư bằng hình thức cho nhà đầu tư Huy Nhật vay vốn để cùng khai thác dự án BĐS nghĩ dưỡng Lăng Cô; và nhóm các nhà đầu tư góp vốn qua Công ty Huy Việt Nam Group Limited để kinh doanh chuỗi Món Huế, Phở Ông Hùng…).

Tuy nhiên dù đầu tư theo hình thức nào, nếu nhà đầu tư FDI không tìm hiểu kỹ đối tác và dự án hợp tác đầu tư thì phải trả giá đắt. Từ cú lừa ngoạn mục của nhà đầu tư Huy Nhật chiếm đoạt số tiền số tiền hơn 1.800 tỉ của các nhà đầu tư FDI thông qua các thủ đoạn trên vừa bị CO3 khởi tố, là bài học đắt giá cho các nhà đầu tư FDI khi muốn đầu tư vào một quốc gia bất kỳ.

Trong thời đại công nghệ thông tin, mọi thứ đều có thể làm giả tinh vi, vàng thau lẫn lộn, nhưng nếu như nhà đầu tư FDI bình tĩnh tiếp cận đúng kênh thu hút đầu tư (do các tổ chức có pháp nhân chính thống đứng ra tổ chức hội nghị, hội thảo hoặc thông qua kênh các đại sứ quán…) thì sẽ hạn chế được rủi ro.

Có thể bỏ ra hàng chục triệu USD góp vốn thì tại sao không dành ra một con số lẻ để tìm đến Việt Nam xác thực DA, tìm hiểu đối tác mình đang góp vốn hợp tác đầu tư?. “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng” (Binh pháp Tôn Tử) mãi luôn là bí quyết giành lấy thành công cho cả trên thương trường.

MT