Sự kiện 41 lao động người Việt ở Campuchia “nổi dậy”, tháo chạy khỏi casino bơi qua sông về nước một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng lao động người Việt bị bóc lột sức lao động, bị cưỡng bức, đánh đập, không trả lương. Không những thế, đã có lao động người Việt đã bị thủ tiêu, mất tích ở Campuchia do muốn về nhưng gia đình không có tiền chuộc.
Rất nhiều thủ đoạn để dẫn dụ lao động người Việt qua Campuchia để làm việc trong các casino hay công ty hoạt động trực tuyến trên không gian mạng để lừa đảo hoặc game đánh bạc online.. đều với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao” để rồi rất nhiều lao động người Việt đã phải lao động cực khổ, sống như trong địa ngục trần gian.
Cũng có nhiều lao động bị lừa đem bán sang Campuchia. Như trường hợp anh N.V.P, SN 1995; ngụ phường Hải Thành, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Tháng 4/2021, anh P tình cờ quen biết một phụ nữ tên Linh làm nhân viên massage tại một khách sạn trên địa bàn TP Đồng Hới. Sau khi Linh về TP Hồ Chí Minh, anh P đã vào thăm.
|
|
Nạn nhân P ở Quảng Bình bị lừa bán sang Campuchia may mắn trốn thoát về nước trình báo với Công an. |
Tối 7/4, anh P theo Linh về tỉnh Long An để ăn nhậu với nhóm bạn của Linh. Sau đó, anh P bị nhóm người này khống chế, đưa sang Capuchia bán cho một cơ sở do người Trung Quốc làm chủ.
Tại đây, anh P bị ép buộc, yêu cầu phải thiết lập các tài khoản Facebook ảo kết bạn, nhắn tin kêu gọi, dụ dỗ, lừa gạt người Việt Nam nạp tiền vào các ứng dụng trang mạng đánh bạc trực tuyến, làm cộng tác viên cho các sàn giao dịch điện tử để chiếm đoạt tài sản.
Sau đó 1 tháng, cơ sở nơi anh P làm việc bị người lao động phản đối, dẫn tới bạo động. Nhiều người chạy thoát ra ngoài trong đó có anh P.
Tại Hà Tĩnh, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Hà Tĩnh liên tục phát hiện nhiều gia đình sống trên địa bàn có người thân bị lừa sang Campuchia lao động, bị bóc lột, cưỡng bức, để được trở về Việt Nam thì người nhà các nạn nhân phải đưa số tiền lớn hơn rất nhiều lần để chuộc.
Quá trình điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh được biết thông qua mạng xã hội các đối tượng ở Campuchia đã đăng tải thông tin, tuyển dụng lừa người Việt Nam sang Campuchia lao động và tại đây các nạn nhân đã bị bóc lột, cưỡng bức bằng nhiều hình thức.
Cụ thể, thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook, Wechat,... các đối tượng ở Campuchia đã đăng tải thông tin, tuyển dụng người ở Việt Nam vào làm việc với công việc đơn giản, yêu cầu có kiến thức về công nghệ thông tin, với mức lương rất cao từ 700 - 1.000 USD/tháng và mọi chi phí đi lại được chi trả trước.
Các đối tượng ở Campuchia đã móc nối với đối tượng ở Việt Nam để liên lạc, hướng dẫn nạn nhân cách thức vượt biên trái phép qua Campuchia thông qua các đường mòn, lối mở, đường đồng ruộng...
Khi vượt biên qua đến lãnh thổ Campuchia có sẵn các đối tượng người Campuchia chờ sẵn, đưa đến các địa điểm tập kết có trụ sở công ty, những công ty này đều do người Trung Quốc làm chủ tại Campuchia.
Tại đây, các đối tượng dẫn dụ là người Việt Nam đã cấu kết với các đối tượng người Trung Quốc giao công việc và hướng dẫn nạn nhân lập các tài khoản mạng xã hội quảng cáo cho các trang Website đánh bạc trực tuyến; giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên các sàn đầu tư tài chính, nhân viên cơ quan nhà nước..., nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam.
Các đối tượng người Trung Quốc ép nạn nhân thực hiện các chỉ tiêu về số lượng tiền người tham gia đánh bạc hoặc số tiền lừa đảo được trong tháng, nếu không hoàn thành sẽ cho vào diện vi phạm hợp đồng và bị phạt với mức phạt từ 1.000 USD trở lên. Đồng thời, để tránh việc các nạn nhân tìm cách bỏ trốn, các đối tượng luôn bố trí người canh gác, quản thúc nạn nhân nghiêm ngặt, không cho liên lạc về gia đình, nếu nạn nhân chống đối sẽ bị đánh đập, chích điện, không cho ăn uống.
|
|
Công an tỉnh Hà Tĩnh lấy lời khai đối tượng mua bán người sang Campuchia. |
Được biết, đa số các nạn nhân người Việt bị lôi kéo, dụ dỗ đưa sang Campuchia làm việc đều không hoàn thành chỉ tiêu, khi nạn nhân muốn trở về Việt Nam thì các đối tượng người Trung Quốc yêu cầu liên hệ với gia đình đòi tiền chuộc từ 5.000 - 7.000 USD, đồng thời đe dọa gia đình sẽ đánh đập, chặt tay, chân nếu không đưa tiền chuộc đúng hẹn.
Đối tượng cầm đầu hoạt động cưỡng bức lao động và đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản là các đối tượng người Trung Quốc, có sự tham gia, giúp sức của các đối tượng người Việt Nam đang hoạt động tại Campuchia.
Với những thông tin thu thập được trong quá trình điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã xác định hai đối tượng Nguyễn Tiến Dũng, SN 1998, trú tại xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh và Nguyễn Ngọc Tuyền, SN 1994, trú tại xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (đây là hai đối tượng đã bị Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố về tội Mua bán người) là những đối tượng liên quan trực tiếp đến các vụ việc đưa người dân trên địa bàn Hà Tĩnh sang lao động tại Campuchia trong thời gian qua.
Theo đó, ngày 30/5/2022 Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án về “Mua bán người”, để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và tập trung đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội của hai đối tượng trên. Đến ngày 30/7/2022 Công an tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn tất hồ sơ tài liệu, ra quyết định khởi tố đối với hai bị can Nguyễn Tiến Dũng và Nguyễn Ngọc Tuyền về tội “Mua bán người”.
|
|
Công an tỉnh Hà Tĩnh gặp gỡ động viên gia đình có người thân làm việc tại Campuchia. |
Trao đổi với PV, Thượng tá Nguyễn Phi Hải - Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Tĩnh cho biết, để tránh bị dụ dỗ qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao và bị bóc lột sức lao động, quần chúng nhân dân cần phải nêu cao cảnh giác với các lời mời, dụ dỗ trên mạng xã hội, không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo sang Campuchia làm việc và bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản như trên.
Khi phát hiện hoặc nghi vấn có dấu hiệu môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc trái phép cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Trường hợp công dân có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ, liên hệ cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh, xuất khẩu lao động tại nước ngoài.