leftcenterrightdel
Kiểm sát viên công bố cáo trạng tại phiên tòa. 
TAND huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) vừa mở phiên tòa xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với 2 bị cáo Hoàng Thị Tình, sinh năm 1989 và Lê Thị Huyền, sinh năm 1983 (đều trú tại thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà).

Ngay từ khi khởi tố, vụ án Hoàng Thị Tình cùng đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 3 Điều 174 Bộ luật hình sự, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 2 Điều 341 Bộ luật hình sự, đã nhận được sự chú ý đặc biệt của chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân, bởi 2 bị can đều đang là nữ giáo viên tại các trường mầm non trên địa bàn huyện.

Vụ án đã được các cơ quan Công an - Viện kiểm sát - Toà án nhân dân huyện Đầm Hà xác định là án trọng điểm để điều tra, truy tố, xét xử nhanh, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Ngày 20/1/2022, tại Hội trường xét xử của TAND huyện Đầm Hà, đồng chí Dương Tiến Dũng - Kiểm sát viên VKSND huyện Đầm Hà thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án, đồng chí Nguyễn Khánh - Kiểm tra viên giúp việc Kiểm sát viên tại phiên tòa.

Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát: Khoảng tháng 12/2020, Hoàng Thị Tình có hành vi thuê làm giả 1 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), mang tên mình, rồi bằng thủ đoạn gian dối, thỏa thuận chuyển nhượng cho anh Bùi Văn Tự để chiếm đoạt số tiền 150 triệu đồng.

Đến khoảng tháng 2/2021, với thủ đoạn như trên, Tình cùng Lê Thị Huyền thuê làm giả 2 giấy CNQSDĐ đều số CM 190190 và mang tên Lê Thị Huyền. Sau đó, Tình và Huyền đem 1 Giấy CNQSDĐ chuyển nhượng cho anh Bùi Văn Tự nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền 250 triệu đồng. Còn 1 giấy CNQSDĐ, Tình và Huyền đem cầm cố cho anh Tô Văn Tuấn để chiếm đoạt số tiền 10 triệu đồng chia nhau. Do bị phát hiện nên ngày 15/3/2021, Tình và Huyền đến Công an đầu thú, chưa kịp chiếm đoạt của anh Tự số tiền 250 triệu đồng.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã kết hợp việc xét hỏi và trình chiếu các tài liệu, chứng cứ, bản ảnh, làm rõ hành vi, động cơ mục đích của các bị cáo, phân tích và giải thích rõ cho các bị cáo về vai trò đồng phạm của bị cáo Lê Thị Huyền trong việc làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên trình chiếu hồ sơ án tại phiên tòa.

Sau quá trình xét hỏi, xem xét, đánh giá các chứng cứ, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân của từng bị cáo và đề nghị của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các mức hình phạt phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo. Cụ thể: Xử phạt bị cáo Hoàng Thị Tình 6 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 2 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; xử phạt bị cáo Lê Thị Huyền 2 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 1 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Hai bị cáo đều có nghề nghiệp ổn định, nhưng chỉ vì vụ lợi, lòng tham mà hai bị cáo đã đánh mất lương tâm, đi ngược lại đạo đức của một cán bộ viên chức, nhiều lần thực hiện hành vi làm giả GCNQSDĐ và mang đi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác. Hành vi của các bị cáo không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, an ninh trật tự trên địa bàn mà còn gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của giáo viên – một nghề cao quý và được xã hội tôn trọng. Ngoài việc phải chịu mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của mình, bị cáo Tình, Huyền sẽ còn phải chịu bản án lương tâm đi theo suốt cuộc đời.

Hạnh Quyên