Theo hồ sơ vụ việc, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) và một nhóm khách hàng của VietABank chi nhánh Đông Đô (Lê Văn Lương, Hà Nội) gửi đến cơ quan công an TP. Hà Nội tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của đối tượng Nguyễn Thị Hà Thành.  

Theo khách hàng của VietABank thì, cách đây vài tháng, khách hàng đến VietABank chi nhánh Đông Đô (ở đường Lê Văn Lương, Hà Nội) được Thành đón tiếp, khiến nhiều người lầm tưởng bà ta là cán bộ của ngân hàng. Lấy lý do cần tăng doanh số tiền gửi, Thành thuyết phục khách hàng lập sổ tiết kiệm đồng sở hữu với bà ta để hưởng lãi suất ưu đãi.

Nghe theo lời Thành, một số khách hàng đã làm theo hướng dẫn của Thành, lập sổ tiết kiệm, đứng đồng sở hữu. Điển hình, như trường hợp anh Đặng Nghĩa Toàn (Hoàn Kiếm, Hà Nội); bà Quế Anh (Hà Nội); ông Triệu Văn Cường (ở Hoàng Mai, Hà Nội)… số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Thông báo của  cơ quan an ninh điều tra

Thủ đoạn của Thành là dụ dỗ khách hàng đứng tên sổ tiết kiệm đồng sở hữu, sau đó, Thành sử dụng toàn bộ số tiền tiết kiệm đứng tên đồng sở hữu trên để thế chấp cho khoản vay khác, rút tiền của ngân hàng ra chi tiêu. Khi các nạn nhân phát hiện ra khoản tiền tiết kiệm bị phong tỏa mới đề nghị phía ngân hàng cung cấp hồ sơ vay vốn. Tất cả các chữ ký trên giấy tờ vay vốn được xác định là chữ ký giả mạo.

Bước đầu điều tra, cơ quan chức năng đã giám định chữ ký, kết quả giám định xác minh chữ ký trên hồ sơ vay vốn không phải của khách hàng. Ngày 24/12/2018, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự  “Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Hà Nội”. VKSND Thành phố Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Hà Thành.

Cơ quan An ninh điều tra đang xác minh đồng phạm của Thành, thông tin ban đầu hé lộ, đồng phạm của Thành có thể là người làm việc trực tiếp tại Ngân hàng VietABank.

Hiện nay, cơ quan công an đang tiếp tục xác minh các trường hợp khác để xác định tổng số tiền bị chiếm đoạt. VietABank đang phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ sự thật, qua đó bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của khách hàng cũng như ngân hàng.

Theo quy định của pháp luật, đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là 2 cá nhân trở lên cùng đứng tên trên sổ tiết kiệm. Việc rút tiền phải do các đồng sở hữu cùng thực hiện. Trường hợp đồng sở hữu không thể có mặt để cùng thực hiện thủ tục rút tiền thì phải làm văn bản ủy quyền hợp pháp, hợp lệ cho đồng sở hữu còn lại hoặc người khác thực hiện thủ tục rút tiền có các yếu tố cơ bản như họ tên, địa chỉ, số, ngày, nơi cấp CMND hoặc hộ chiếu của từng thành viên đồng chủ sở hữu; số tiền thuộc sở hữu của mỗi người, điều cam kết chung và chữ ký của từng thành viên.

Hoàng Anh