Nghị quyết đề ra mục tiêu khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong giai đoạn 2011-2016; thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới nhằm tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội.

leftcenterrightdel
Theo báo cáo, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra 

Theo đó, tập trung triển khai 3 nhóm giải pháp đó là: Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý trách nhiệm.

Với nhóm giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý trách nhiệm với những điểm đáng lưu ý như:  Chính phủ giao các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thường xuyên rà soát, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại doanh nghiệp gửi Bộ Nội vụ tổng hợp chung, báo cáo Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2017; phối hợp với cơ quan thanh tra các cấp thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện vi phạm và có biện pháp xử lý, khắc phục. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm thực hiện công tác thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng kết, đánh giá và tập trung hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo đúng lộ trình và quy định của pháp luật, bảo đảm các nguyên tắc và cơ chế thị trường; minh bạch, công khai thông tin.

Xem xét cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn trong xử lý các vấn đề về tài chính, đất đai, lao động, chính sách khoa học, công nghệ... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số doanh nghiệp đã cơ cấu lại nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh còn chưa khả quan; áp dụng biện pháp giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật, nhất là doanh nghiệp nhà nước lâm vào tình trạng giải thể, phá sản mà không có phương án cơ cấu lại khả thi.

 Theo báo cáo, đến hết năm 2017, cả nước còn 583 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020, sẽ thực hiện cơ cấu lại, nhà nước chỉ nắm 100% vốn điều lệ tại 103 doanh nghiệp hoạt động trong 11 lĩnh vực. Trong giai đoạn 2017-2020 thực hiện thoái vốn khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Sau quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tính hết quý 2/2019 mới có 35/127 doanh nghiệp nhà nước trong danh mục được duyệt đã thực hiện cổ phần hóa, đạt tỷ lệ 27,5%.

Do vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do vướng mắc ở các quy định pháp lý, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Nguyễn Anh