Doanh nghiệp không hoạt động tại địa điểm đăng ký

Năm 2021, phòng, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp tiếp tục là một chuyên đề kiểm tra trọng tâm của Cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), Tổng cục Hải quan trong năm 2021.

leftcenterrightdel
Một vụ gian lận xuất xứ bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Ảnh minh họa

Cụ thể, đối với chuyên đề KTSTQ mặt hàng hạt điều, đầu tháng 9/2021, bước đầu, Cục đã có kết luận kiểm tra đối với 18 vụ việc và phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm. Đó là, 2 doanh nghiệp có hành vi gian lận về xuất xứ hạt điều thuần túy Việt Nam. Theo yêu cầu quy tắc xuất xứ thuần túy đối với điều nhân xuất khẩu của Việt Nam (mã HS 08xx), tức là 100% nguồn điều thô nguyên liệu có xuất xứ từ thị trường trong nước. Cơ quan Hải quan sẽ xem xét xử lý 2 công ty về hành vi vi phạm xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu.

Đặc biệt, qua kiểm tra đã phát hiện có 4 doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất xuất khẩu có nghi vấn bán tiêu thụ nội địa. Song điều đáng nói, khi cơ quan Hải quan tiến hành kiểm tra, doanh nghiệp không có trụ sở, không còn hoạt động sản xuất tại địa điểm đăng ký kinh doanh, Cục KTSTQ đã chuyển thông tin về 4 doanh nghiệp này đến Công an tỉnh Bình Phước để tiếp tục làm rõ dấu hiệu vi phạm bán tiêu thụ nội địa.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện Cục KTSTQ đang trao đổi với VKSND tối cao xem xét các dấu hiệu vi phạm để tiến hành khởi tố đối với 1 doanh nghiệp.

Trong quý 1, Cục KTSTQ đã ban hành 39 quyết định kiểm tra, đã kết thúc kiểm tra đối với 29 doanh nghiệp, phát hiện 17 doanh nghiệp vi phạm về xuất xứ, buộc doanh nghiệp nộp lại khoản thu lợi bất hợp pháp, xử phạt vi phạm hành chính và vi phạm khác là 23,5 tỉ đồng. Còn trong quý 2 và quý 3, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên thực hiện chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về tăng cường KTSTQ trong phòng chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, Cục đã tăng cường công tác thu thập phân tích thông tin, xây dựng kế hoạch kiểm tra, trong đó vẫn tập trung ưu tiên kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ, bên cạnh đó, mở rộng sang các thị trường EU và Ấn Độ.

Thiếu những quy định xử lý

Từ thực tế cho thấy, hiện không có các quy định về gian lận xuất xứ, giả mạo made in Vietnam, các quy định pháp luật chưa quy định cụ thể thế nào là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam; cách thức thể hiện trên tem nhãn hàng hóa đã gây khó khăn cho các cơ quan khi xử lý vi phạm…

Bên cạnh đó, Nghị định thay thế Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa, được dự thảo đã lâu nhưng chưa được ban hành. Hay như Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có hiệu lực thi hành từ cuối năm 2020, quy định việc xử lý về hành vi giả mạo xuất xứ, chế tài rất nặng (quy định tại Điều 17) nhưng khi trên thực tiễn khó xử lý.

Nguyên nhân, theo Cục KTSTQ do chưa có quy định cụ thể, thống nhất cách hiểu thế nào là “giả mạo xuất xứ” nên dẫn đến tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện khi tiến hành xử lý.

Vì vậy, để hoạt động phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng Việt Nam xuất khẩu có hiệu quả, Tổng cục Hải quan cho rằng, cần sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 43, trong đó quy định rõ thế nào là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, cách thức ghi tem nhãn. Đồng thời, cần sửa đổi Điều 17 Nghị định 128/2020/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp nhưng cũng giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Về trước mắt, hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện C/O mẫu D trên cơ sở kết quả Phiên họp Tiểu ban quy tắc xuất xứ lần thứ 36 thực thi Hiệp định ATIGA về sự khác biệt mô tả hàng hóa trên hóa đơn thương mại của chứng từ tự chứng nhận xuất xứ với đăng ký trên cơ sở dữ liệu tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN. Thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu thuốc lá Luffman; thực hiện việc nộp C/O bản scan, bản điện tử và tra cứu trên hệ thống đối với C/O mẫu VK, KV. Xử lý vướng mắc về xuất xứ hàng hóa khi thực hiện Hiệp định Việt Nam-Vương quốc Anh và Bắc Ailen; Thực hiện kiểm tra xuất xứ đối với mặt hàng điều thô nhập khẩu tại các tỉnh biên giới với Campuchia.

Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, việc xuất khẩu một số sản phẩm của Việt Nam có sự gia tăng nhanh chóng trong vài năm gần đây, kể cả những mặt hàng đang là đối tượng bị áp dụng phòng vệ thương mại của một số nước. Vì vậy, Cục đã liên tục lưu ý các hiệp hội, doanh nghiệp và thông báo với các cơ quan chức năng để tăng cường kiểm tra, giám sát về xuất xứ và sau thông quan nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của quốc gia khác.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Bởi thực tiễn cho thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài "trừng phạt" rất nặng, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ "mất" toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan. Ông Dũng cũng cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý phù hợp với chủ trương, chính sách của nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, cũng như hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến xuất xứ hàng hóa, nhất là hàng hóa lưu thông trong nước.

Huyền Trang