Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chiều nay (18/1/2020).

leftcenterrightdel
Ông Cẩn cho biết, sẽ thông tin về các doanh nghiệp vi phạm về xuất xứ ( ảnh: Minh Nhật) 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2019, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động.

Kết quả, từ 16/12/2018 đến 15/12/2019, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn Ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý: 17.321 vụ vi phạm pháp luật Hải quan (tăng 4,14 % so với cùng kỳ năm 2018); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 3.035 tỉ đồng (tăng 78,29 % so với cùng kỳ 2018). Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 481 tỉ đồng (tăng 37,08 % so với cùng kỳ 2018). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 51 vụ (giảm 17,74 % so với cùng kỳ 2018). Chuyển cơ quan khác khởi tố 164 vụ (tăng 23,31 % so với cùng kỳ 2018).

Đáng nói là công tác kiểm soát chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa và chuyển tải bất hợp pháp. Theo ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, trong bối cảnh căng thẳng thương mại diễn biến phức tạp nhận thấy nguy cơ các đối tượng lợi dụng xuất xứ Việt Nam để thực hiện hành vi chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo xuất xứ, gian lận trong việc ghi nhãn hàng hóa, Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát kiểm soát chặt chẽ về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống chuyển tải bất hợp pháp đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu.

Cùng với đó, xây dựng và triển khai các kế hoạch đấu tranh trọng điểm. Tập trung điều tra xác minh một số doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng, buôn lậu trốn thuế. Phối hợp với các Bộ, ngành thống nhất và trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra xác minh thông tin vụ việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo và đề xuất kiến nghị tăng cường kiểm soát đối với các trường hợp tương tự rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo chặt chẽ trong quản lý nhà nước về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa. 

Thông tin thêm về nội dung này, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: “Ngay sau Tết Nguyên đán này, Hải quan sẽ báo cáo hàng loạt vụ vi phạm, gian lận xuất xứ lớn do cơ quan hải quan phát hiện, xử lý. Trong đó, có những vụ như thu hơn 30 ngàn xe đạp điện các loại, có vụ tịch thu hàng hóa có giá trị cả trăm tỉ đồng, với những mặt hàng giả mạo xuất xứ như: gỗ, linh kiện, điện mặt trời”- ông Cẩn thông tin.

Đồng thời cho biết, dịp Tết này sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý hàng cấm, ma túy, thực hiện kiểm tra ở các kho ngoại quan, các khu công nghiệp, các địa bàn trên cả nước nhằm ngăn chặn phòng ngừa các vi phạm.

Ngoài ra, theo ông Cẩn, khó khăn hiện nay đó là có những việc liên quan đến xử phạt của hải quan nằm rải rác ở hơn 10 văn bản quy định. Ví dụ như xử phạt vi phạm trong vụ in hình đường lưỡi bò lên ô tô nhập khẩu quy định ở 8 văn bản khác nhau. Hay như vụ Asanzo thì thấy khoảng trống pháp lý rất lớn, hiện không có các quy định về gian lận xuất xứ, giả mạo made in Vietnam đã gây khó khăn cho các cơ quan khi xử lý vi phạm.

Minh Nhật