Theo đó, tính riêng 3 tháng đầu năm nay, số thu từ thuế thu nhập cá nhân của hoạt động chuyển nhượng bất động sản đã đạt 8.209 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ.
Theo thông tin từ cơ quan thuế, hiện tượng các tổ chức, cá nhân mua bán, chuyển nhượng bất động sản ghi 2 giá (giá mua bán thực tế cao hơn trên hợp đồng công chứng) diễn ra khá phổ biến đã và đang gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Để đẩy mạnh công tác quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Bộ Công an; Bộ Tư pháp để phối hợp triển khai các giải pháp chống thất thu trong hoạt động này.
|
|
Hiện tượng mua bán, chuyển nhượng bất động sản ghi 2 giá (giá mua bán thực tế cao hơn trên hợp đồng công chứng) diễn ra khá phổ biến đã và đang gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Ảnh minh hoạ |
Mới nhất, Bộ Tài chính đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Trong đó, các biện pháp chống thất thu thuế của Bộ Tài chính tập trung vào việc yêu cầu người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng làm căn cứ tính thuế trên hợp đồng mua, bán.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế phối hợp với các cơ quan địa phương quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, đặc biệt tăng cường xử lý hình sự đối với hành vi trốn thuế liên quan đến hoạt động này.
Hiện tại, cơ quan thuế đã thực hiện một số biện pháp để thu thập chứng cứ xác minh giá chuyển nhượng như xác minh với các Văn phòng công chứng về hợp đồng đặt cọc; hợp đồng khác giá khai thuế; phụ lục hợp đồng với giá điều chỉnh; xác minh qua ngân hàng các thông tin về giao dịch liên quan chuyển nhượng bất động sản; vay để mua bất động sản…
Với các biện pháp kể trên, số thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đã ghi nhận kết quả tích cực. Tính riêng 3 tháng đầu năm nay, số thu từ thuế thu nhập cá nhân của hoạt động chuyển nhượng bất động sản đã đạt 8.209 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng ròng hơn 3.200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cơ quan thuế cho biết căn cứ vào cơ sở dữ liệu mà người nộp thuế đã kê khai và tham khảo giá thực tế chuyển nhượng ở một số khu vực, vị trí tương đương, cơ quan thuế đã phát hiện các rủi ro trong việc kê khai nộp thuế và yêu cầu kê khai lại, qua đó tăng thu ngân sách hàng trăm tỷ đồng.
Đặc biệt, qua kê khai lại của các tổ chức, cá nhân tại một số địa phương giá trị chuyển nhượng bất động sản đã tăng 2-5 lần so với ban đầu, số hồ sơ kê khai điều chỉnh giá chuyển nhượng cũng tăng 20-40 lần.
Để tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động này, thời gian tới, cơ quan thuế cho biết sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu mà người nộp thuế đã kê khai trong trường hợp có phát sinh biến động về giá cao hơn giá UBND đã ban hành cho cơ quan Tài nguyên môi trường để rà soát và tham mưu cho UBND cấp tỉnh quyết định ban hành Bảng giá đất cũng như hệ số điều chỉnh giá đất sát với giá giao dịch thực tế trên thị trường.
Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế địa phương không gây khó khăn, phiền hà cho người nộp thuế trong quá trình xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản; chỉ đạo và ban hành cơ chế giám sát cán bộ trong quá trình tuyên truyền, hướng dẫn kê khai giá...
Về dài hạn, cơ quan thuế cho biết sẽ tham mưu cho cơ quan chức năng sửa đổi các chính sách pháp luật để hoàn thiện cơ sở pháp lý, quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Với các trường hợp cố tình vi phạm, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an điều tra, xử lý nghiêm, đảm bảo công khai minh bạch trong hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản.