Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15/1/2019, của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, đánh giá: “Việc quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy các nguồn lực hiện còn hạn chế, bất cập; việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao, nhiều trường hợp chưa theo cơ chế thị trường, gây lãng phí và làm cạn kiệt nguồn lực của đất nước...”.

Theo chúng tôi, để góp phần khai thông nguồn lực, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, cần tập trung vào một số giải pháp sau đây:

Một là, tuyên truyền, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, đạt hiệu quả cao nội dung Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15/1/2019, của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Thấu triệt các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 39-NQ/TW, để “nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tiến tới trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Song song đó, bám chắc, sát sao, thực hiện tốt các mục tiêu cụ thể, về nguồn nhân lực, nguồn vật lực, nguồn tài lực theo từng giai đoạn xác định cụ thể. 

leftcenterrightdel
Những “nút thắt”, vướng mắc kinh tế cần được tháo gỡ kịp thời, quyết liệt, đồng bộ. 

Một vấn đề rất quan trọng là, cần phải chú trọng đầu tư đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các hình thức khác nhau, cả ở trong và ngoài nước. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến thế hệ lãnh đạo trẻ, những cá nhân có tiềm năng phát triển trên các lĩnh vực… Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả các chính sách liên quan đến vấn đề thu hút, sử dụng, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ có trình độ cao để họ toàn tâm, toàn ý đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Hai là, cần chủ động khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho các lĩnh vực khác nhau như: kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ phía các doanh nghiệp có tiềm lực. Lấy ví dụ từ việc huy động nguồn lực xã hội cho xây dựng nông thôn mới, tuy đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, nhưng vẫn còn hạn chế, chưa đồng đều ở các địa phương, mức độ tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức còn ít, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu “Nhà nước và nhân dân cùng làm”…

Giải pháp cho vấn đề này là ngày càng tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, ban hành những cơ chế, chính sách tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, đầu tư nguồn lực xã hội góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đạt những kết quả tích cực, khác biệt…

leftcenterrightdel
Cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh VTV 

Bên cạnh đó là việc rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là thuế, tín dụng, đất đai… nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các thành phần kinh tế hoạt động hiệu quả, tránh tình trạng gây khó dễ, hạch sách, phiền hà, tiêu cực trong các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính…

Ba là, quan tâm hơn nữa đến thành phần kinh tế tư nhân. Ngày 3/6/2019, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TƯ về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. 

Bởi vì, khi được đối xử bình đẳng, được “cởi trói” với nhiều cơ chế, chính sách được ban hành, giải pháp được triển khai, kinh tế tư nhân đã có sự phát triển thần tốc, khai thông nguồn lực từ khu vực tư nhân, tạo những đột phá, kỳ tích trong phát triển đúng theo đường lối của Đảng và Nhà nước đề ra.

Tuy nhiên, vẫn còn  những “nút thắt”, vướng mắc để khu vực kinh tế này phát triển, tạo những đột phá mới trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc làm “bệ đỡ” cho khu vực kinh tế tư nhân hoạt động, loại bỏ rất nhiều “giấy phép con” gây phiền hà, tốn kém cho khối doanh nghiệp tư nhân.  

leftcenterrightdel
Việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cần những chính sách, giải pháp khắc phục hợp lý. 

Bốn là, tiếp tục khai thông dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội. Có thể khẳng định rằng, việc đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI đã huy động được nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Khu vực FDI đã góp phần quan trọng vào gia tăng năng lực sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; tạo việc làm cho hàng triệu người lao động, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về kỹ năng nghề nghiệp cũng như khả năng ngoại ngữ, tác phong làm việc chuyên nghiệp trong môi trường hội nhập, quốc tế hóa; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội một cách rõ rệt…

Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để việc thu hút nguồn vốn FDI không có sự ưu đãi quá cách biệt so với khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, đồng thời, giảm thiểu những thiệt hại từ việc các doanh nghiệp FDI báo lỗ, chuyển giá, chuyển vốn ra nước ngoài, gây thất thoát nguồn thu đáng kể… 

leftcenterrightdel
 Cần hoàn thiện cơ chế thu hút vốn FDI. Ảnh Thời báo TC

Năm là, khai thông nguồn lực đất đai cho phát triển. Sau nhiều năm tiến hành triển khai, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ những bất cập, không đồng bộ với các luật khác dẫn tới không rõ trách nhiệm trong quản lý, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất theo pháp luật về đấu thầu và đấu giá quyền sử dụng đất…

Thực tế tại các địa phương cho thấy, việc áp dụng quy định về thu hồi đất, điều kiện để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 còn lúng túng. Đơn cử như trong việc thực hiện chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất, “dồn điền, đổi thửa” cũng còn những khó khăn, vướng mắc, chưa thể đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, liên kết chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp, chưa góp phần mạnh mẽ để hình thành nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, giá trị cao… 

Vì vậy, cần sửa đổi kịp thời, hợp lý những vướng mắc, bất cập của Luật Đất đai năm 2013 để tăng nguồn thu từ đất đai phục vụ cho đầu tư phát triển, tạo điều kiện khai thông, giải phóng nguồn lực đất đai cho những bước phát triển đột phá, mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên khắp cả nước…

leftcenterrightdel
 Đất nước ngày càng giàu mạnh. Ảnh Zing

Sáu là, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài sản công. Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật”.

Thực tế, việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cần những chủ trương, chính sách, giải pháp khắc phục hợp lý… Nhất là các vấn đề liên quan đến công sở, đất công còn sử dụng phân tán, lãng phí, hiệu quả không cao, chưa được khai thác triệt để, thậm chí có sự hình thành lợi ích nhóm, trục lợi cá nhân, gây thất thoát tài sản nhà nước ở không ít dự án chuyển đổi mục đích sử dụng tài sản công, nhất là đất đai…

Vậy nên, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý, sử dụng tài sản công, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công.

Nguyễn Tri Thức