Giá cau thấp kỷ lục

Huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi từ lâu được mệnh danh là “thủ phủ” hay là “xứ ngàn cau” bởi với thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nên hàng trăm ha cau tại huyện Sơn Tây phát triển xanh tốt, cây cau được xem là cây trồng chủ lực mang lại nguồn kinh tế cao cho người đồng bào vùng cao đặc biệt là thời điểm gần đến Tết Nguyên đán.

Khi cau tươi tăng giá, người trồng cau trên địa bàn huyện miền núi Sơn Tây, phấn khởi mở rộng diện tích và dốc công sức đầu tư chăm sóc, mong loại cây này sẽ mang lại nguồn kinh tế cao. Tuy nhiên, giá cau năm nay rớt thê thảm, cau chín rụng đầy gốc cũng không có người mua, khiến người dân đứng ngồi không yên.

leftcenterrightdel
 Cau rớt giá, thương lái không thu mua, người nông dân bất lực nhìn cau chín vàng cây

Hiện tại, giá cau ở huyện Sơn Tây thời điểm này chỉ còn 3.000 đồng/kg, nhưng cũng không có người mua, giá bình quân cả tỉnh chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thu mua năm 2018 có thời điểm lên đến 30.000 – 33.000 đồng/kg. Một vụ mùa thất thu đã hiện hữu trước mắt đối với người trồng cau.

Tại xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, nơi đây được xem là “vựa” cau lớn của cả huyện miền núi Sơn Tây. Thế nhưng, trái ngược với những năm trước, thời điểm này người dân đang gặp cảnh khốn đốn khi cau bước vào vụ thu hoạch chính nhưng thương lái không mặn mà thu mua với lý do không xuất khẩu được.

Ông Đinh Văn Nhóc, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi chỉ tay về hàng cau mới được trồng xen với những cây cau già gần 4 ha trĩu quả xót xa, “Gia đình tôi có thu nhập nhờ vào mấy cây cau này. Năm trước, có lúc giá cau lên đến 30.000 – 33.000 đồng/kg, với giá này, chỉ trong tháng cuối năm như gia đình tôi có thể thu về khoảng trên 20 triệu đồng. Bây giờ, giá xuống rớt thê thảm chỉ còn 3.000 đồng/kg, nhưng cũng chẳng có người mua, năm nay lỗ vốn rồi do phải bỏ tiền mua giống cây về trồng, phân bón và công chăm sóc”.

“Như năm ngoái khi cau tươi có giá, nhiều người còn lo sợ có người trộm cau, bà con còn phải canh gác, ngủ ngoài rẫy. Các thương lái tại địa phương thi nhau mở lò xông, sấy cau để xuất bán đi các nơi. Họ còn đến tận nhà dân đặt tiền cọc trước để thu mua cau tươi. Năm nay, cau rớt giá, các lò sấy cau đóng cửa khiến không ít bà con nông dân than vản thở dài, đã không bán được tiền mà còn phải tốn tiền thuê người hái, vì nếu để cau khô trên cây thì năm sau cây sẽ ít đậu trái”, ông Nhóc buồn bã chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Giá cau chỉ còn bằng 1/10 so với năm ngoái nhưng cũng không có người mua.
Chị Dương Thị Hoa, một chủ lò sấy trên địa bàn xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây cho biết, năm nay nhu cầu tiêu thụ cau của thị trường Trung Quốc giảm mạnh do đó giá cau rớt thê thảm. Đầu vụ cau, dù giá rẻ nhưng thương lái còn thu mua, nhưng giờ họ cho rằng cau núi vỏ dày nên không mua nữa. Do đó, hầu như sản lượng cau ở huyện Sơn Tây bị ùn ứ khiến cả người trồng và những chủ lò sấy như tôi cũng hết cửa làm ăn, nhiều lò sấy cũng phải đành đóng cửa.

Cần ổn định đầu ra cho cau

Trong những năm trở lại đây, cây cau là một trong những cây trồng cho thu nhập tương đối cao và ổn định đối với người đồng bào của huyện miền núi Sơn Tây. Song, với thị trường phần lớn phụ thuộc vào Trung Quốc như hiện nay, người dân cần cân nhắc trước khi mở rộng diện tích, để tránh thiệt hại do biến động của thời tiết, giá cả và đầu ra cho sản phẩm.

Nguyên nhân dẫn đến điệp khúc “được mùa mất giá” được các cơ quan chức năng xác định là bởi sự mất cân đối cung cầu, sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định và dường như trong nước chưa có một doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm, chế biến các sản phẩm từ loại quả này.

Theo đó, người trồng cau bây giờ như “đánh bạc với trời”, phó mặc cho sự biến động của thị trường chứ chưa có hướng đi nào hiệu quả. Các cơ quan chức năng vẫn loay hoay giải bài toán đầu ra cho cây cau.

leftcenterrightdel
 Năm 2018, huyện Sơn Tây đã đưa cây cau vào cây trồng chủ lực của địa phương

Ông Đinh Quang Ven - Quyền Chủ tịch UBNN huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, huyện xác định cau là cây trồng chủ lực, dù cau có năm được giá, năm mất giá nhưng nếu so sánh với các cây trồng khác trên địa bàn như cây keo, cây sắn thì cau vẫn có giá trị hơn. Cây keo thì phải 5 – 6 năm mới cho khai thác và sau đó phải trồng lại. Cau cũng trồng 5 năm mới cho thu hoạch nhưng lại cho thu liên tục vào những năm sau đó. Những năm qua, cau đã giúp cho hàng trăm hộ đồng bào Ca Dong của huyện xóa đói, giảm nghèo.

“Để giúp người dân vừa trồng cau, vừa đảm bảo nguồn kinh tế gia đình. Huyện đã phối hợp với Viện Quy hoạch Nông nghiệp, Bộ NN-PTNT để đưa một số giống cây vào trồng dưới tán cây cau như, hành Hà Lan, ổi Nữ Hoàng, cây sả… để trong những năm cau không có giá thì người dân vẫn có thu nhập từ những cây trồng khác”, ông Ven nói.

Được biết, năm 2018, huyện Sơn Tây đã đưa cây cau vào cây trồng chủ lực của huyện và xây dựng dự án hình thành vùng chuyên canh cây cau. Theo đó, giai đoạn 2019 – 2023, dự án tiến hành trồng mới 830 ha cau, với kinh phí 20 tỷ đồng. Đến năm 2025 sẽ hình thành vùng chuyên canh cây cau tập trung khoảng 2.000 ha trên địa bàn 9 xã. Để thực hiện dự án, chính quyền địa phương sẽ cấp cau giống và phân bón thích hợp tùy vào nhu cầu của các hộ gia đình.

Nguyễn Toàn - X.Nha