|
|
Cánh đồng chuẩn giống lúa ST25. |
Thăng trầm giống gạo ngon nhất thế giới
Chúng tôi có dịp về Sóc Trăng, nơi có những cánh đồng lúa bạt ngàn. Cách xa những cánh đồng lúa chừng vài cây số đã thấy thoang thoảng mùi hương ngọt ngào từ những bông lúa trĩu hạt. Tỉnh Sóc Trăng có diện tích gieo trồng cả năm đạt hơn 36.700 ha, trong đó diện tích nông dân trồng đặc sản chiếm 35%. Đây là thành quả dành nguồn vốn đầu tư nghiên cứu và ứng dụng vào tiến bộ khoa học, công nghệ, tiến bộ chuyển giao cho cây lúa cũng như sự đầu tư đúng mức của chính quyền địa phương.
Trải qua bao thăng trầm của đất nước qua các thời kỳ chiến tranh, gạo Sóc Trăng từ lâu đã được xem là tinh hoa của đất trời vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long. Từ việc xuất khẩu sang các nước châu Âu, rồi vắng bóng một thời do chiến tranh, sau đó trở lại với bao tâm huyết của ngành nông nghiệp tỉnh cũng như đội ngũ kỹ sư nghiên cứu, làm việc ngày đêm trên những cánh đồng. Từ năm 1992, nơi đây đã cho mọi người biết đến một loại gạo mang tên gạo ST và dần dần phát triển khắp vùng nước lợ của tỉnh Sóc Trăng.
|
|
Đoàn kiểm tra chuẩn Global G.A.P. |
Để đáp ứng thị trường cũng như nhu cầu hiện nay, một nhóm các nhà khoa học, đi đầu là kỹ sư Hồ Quang Cua, sau đó là tiến sỹ Trần Tấn Phương cùng nhiều kỹ sư khác đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cải tạo thành công giống lúa, giúp cho không chỉ giữ được chất lượng gạo trắng, thơm mà còn tăng năng suất và khả năng chịu đựng của cây lúa.
Từ lúc chỉ trồng một vụ, nay đã trồng ba vụ và năng suất tăng gấp 4 - 5 lần như hiện nay. Việc phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản xuất khẩu chất lượng cao như hiện nay của tỉnh Sóc Trăng không chỉ khẳng định hướng đi đúng trong việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mà còn nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Gạo Việt vươn ra biển lớn
Theo đề án phát triển của tỉnh Sóc Trăng, tỉnh quy hoạch vùng sản xuất ở 7 huyện: Trần Đề, Mỹ Xuyên, Ngã Năm, Thành Trị, Mỹ Tú và Long Phú, diện tích lúa đặc sản đạt 117.000 ha, chiếm 96% lúa đặc sản toàn tỉnh, trong đó diện tích trồng lúa thơm ST nhiều nhất, còn lại là giống tài nguyên mùa và các giống lúa thơm nhẹ khác.
“Những giống lúa thơm ST của Sóc Trăng được lai tạo, đây là giống lúa cải tiến nên cho năng suất cao, có khả năng chống chịu ngoại cảnh khá tốt. So với những giống đang phổ biến thì nhóm nghiên cứu chúng tôi lập trình nên những tổ hợp lai có nhiều đời bố mẹ có gen thơm, rất tốt tạo ra những phẩm chất đặc biệt, nó có thể xen lẫn mùi thơm của dứa, của cốm, nên người tiêu dùng sẽ cảm nhận được hương vị khác của lúa Sóc Trăng”, kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ.
|
|
Kỹ sư Hồ Quang Cua đang theo dõi quá trình phát triển của giống lúa ST25.
Gạo ST25 giúp nông sản Việt vươn tầm thế giới. |
Luôn đặt chất lượng hạt gạo, cũng như sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu, tỉnh chú trọng đến chất lượng Global G.A.P và Viet G.A.P xuyên suốt quá trình sản xuất từ giai đoạn giống, gieo trồng, sản xuất, tới thu hoạch xay xát, đóng gói sản phẩm cho ra thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt phương án cánh đồng mẫu lớn.
Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Chúng tôi đã xác định giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng, do đó, UBND tỉnh đã xuất ngân sách cho ngành Nông nghiệp xây dựng dự án gồm hai giai đoạn trên nhiều cánh đồng mẫu, mỗi cánh đồng mẫu có diện tích từ 300 đến 500ha. Tiến tới, Sóc Trăng sẽ gây dựng một thương hiệu gạo và xây dựng vùng nguyên liệu gạo đặc sản mang tên ST. Trong đó có gạo đặc sản ST25. Với phương châm sản xuất an toàn và hiệu quả, chúng tôi hướng tới góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, bảo đảm thu nhập cho người dân có lợi nhuận cao hơn”.
Tại Hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines diễn ra từ ngày 10 - 13/11/2019, gạo ST25 của Việt Nam đã được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới năm 2019”. Gạo Thái Lan đứng thứ 2 thế giới. Hội nghị năm nay quy tụ hơn 20 công ty kinh doanh gạo quốc tế, hơn 100 thương gia xuất nhập khẩu và 20 nhà khoa học các châu lục. Giống lúa ST25 của Việt Nam do nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua, Nguyễn Thị Thu Hương và tiến sỹ Trần Tấn Phương lai tạo. Đây là giống lúa cao sản có thể trồng 2 - 3 vụ/năm (gạo thơm Thái Lan là lúa mùa dài ngày, chỉ trồng được 1 vụ/năm).
|
|
Kỹ sư Hồ Quang Cua đang theo dõi quá trình phát triển của giống lúa ST25.
Gạo ST25 giúp nông sản Việt vươn tầm thế giới. |
Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết: “Gạo thơm ST25 được nghiên cứu lai tạo từ năm 2008. Năm 2016, ST25 bắt đầu nổi tiếng tại các thị trường tiêu thụ gạo mạnh như: Chợ gạo Tân Trụ (tỉnh Long An), chợ gạo Bà Đắc (tỉnh Tiền Giang). Gạo ST25 Việt Nam được bình chọn là gạo đạt chuẩn về các tiêu chí: hạt dài, trắng trong, cơm dẻo vừa và có hương thơm mùi lá dứa. Đặc biệt, khi để nguội cơm vẫn ngon, không bị cứng.
Về đặc tính, ST25 là giống lúa cứng và cao cây (110 - 115 cm), lá xanh bền, lâu tàn nên nuôi hạt tốt, thân cứng, nếu bón phân cân đối sẽ không đổ ngã. Giống lúa này chịu phèn, mặn tốt nên có thể trồng ở đất đồng hoặc luân canh lúa - tôm. ST25 cũng không nhiễm bệnh sọc trong, đạo ôn lá và khoan cổ bông... Trong điều kiện thời tiết tốt, năng suất ST25 có thể đạt 8,5 tấn/ha, trung bình khoảng 6 - 7 tấn/ha.”. Việc được vinh danh đứng đầu thế giới lần này khẳng định vị thế chất lượng gạo Việt Nam không thua kém gì các nước khác trên thế giới.
Cây lúa, hạt gạo quê hương đang ngày càng khẳng định ví trí của mình, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đang phát triển theo hướng bền vững, cho những vụ mùa bội thu và hơn hết luôn chào đón các nhà đầu tư vào hợp tác, đưa giá trị gạo Việt Nam, đưa thương hiệu gạo ST 25 Sóc Trăng vươn ra biển lớn.