Lần đầu tiên tại Việt Nam, các nhà khoa học của Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bước đầu nghiên cứu thành công kháng nguyên tái tổ hợp giảm độc lực để tạo kháng thể đơn dòng, phục vụ việc sản xuất que thử (Kít) phát hiện nhanh vi khuẩn tụ cầu vàng trong thực phẩm.
 


Trong Staphylococcus aureus, độc tố staphylococcal enterotoxin B là một siêu kháng nguyên có độc tính mạnh, tác động nhanh, gây độc cho đường tiêu hoá, đường hô hấp, các vết thương thậm chí có thể xâm nhập qua da lành…

Chính vì vậy, tạo kháng nguyên (những chất có khả năng kích thích sinh ra một đáp ứng miễn dịch đặc hiệu) SEB là việc làm đầu tiên hết sức cần thiết, từ đó tạo ra nguồn nguyên liệu sạch, chủ động nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất Kit phát hiện nhanh ngộ độc thực phẩm nhóm B do tụ cầu vàng gây nên.

Vừa qua, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập các mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp ngộ độc thức ăn tại nhiều địa phương trên cả nước như Thái Nguyên, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… để làm nguồn nguyên liệu nhân gen sinh tổng hợp ra protein SEB. Sử dụng các công nghệ hiện đại như PCR, xử lý enzym hạn chế… để tạo gen SEB giảm độc lực, tạo vector tái tổ hợp, biểu hiện và tinh sạch protein SEB tái tổ hợp.

Sau hàng loạt các nghiên cứu và thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tạo được kháng nguyên đột biến tái tổ hợp và tự nhiên để làm nguyên liệu chính. Việc tạo được kháng nguyên là một bước đột phá lớn bởi SEB là một siêu độc tố và khó phát hiện.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nghiêm Ngọc Minh ví dụ, nếu ví như may một cái áo (mua vải, cắt, may), việc tạo ra được kháng nguyên đột biến tái tổ hợp giống như đã cắt xong vải. Bước tiếp theo tới đây là tiến hành tạo kháng thể đơn dòng và sản xuất kit chuẩn đoán. Hiện nay trên thế giới có nhiều phương pháp giúp chuẩn đoán SEB như phương pháp nuôi cấy, phương pháp PCR, realtime PCR, chuẩn đoán miễn dịch... Đây là những phương pháp đáng tin cậy, chính xác và vẫn thường được sử dụng.

Tuy vậy, các phương pháp này có nhược điểm là tốn nhiều công sức và thời gian nuôi cấy dài: từ 2-3 thậm chí là 9-10 ngày. Một số các phương pháp hiện đại như cảm biến sinh học, đòi hỏi phải có phòng thí nghiệm, đặc biệt phải cần các trang thiết bị hiện đại đi kèm và yêu cầu người thực hiện phải có kỹ thuật, cẩn thận và chu đáo.

Từ việc phân tích các phương pháp, nhóm chuyên gia quyết định lựa chọn phương pháp phát hiện nhanh bằng que thử nhanh (lateral flow test), là dạng test có cấu tạo và cách sử dụng rất đơn giản chỉ dưới dạng một “que nhúng” có kích thước 2x7cm với độ nhạy cỡ ng/ml và độ đặc hiệu cao. Đặc biệt que thử không chỉ cho kết quả nhanh từ 5-10 phút (các phương pháp khác mất nhiều thời gian hơn), que thử này còn có thể kiểm tra tại chỗ.

Ví dụ đối với mẫu bị ô nhiễm, chỉ cần lấy mẫu nghiền nhỏ sau đó nhúng que thử vào, khoảng 5-10 phút là có kết quả. Nếu mẫu cần phát hiện có độc tố SEB, trên que thử sẽ xuất hiện hai vạch mầu đỏ gạch tại vị trí vạch kiểm tra (test line "T") và trên vạch đối chứng “C,” nếu không có độc tố, trên que thử chỉ xuất hiện một vạch tại vùng “C.” Đặc biệt, dự kiến nếu sản xuất ở quy mô lớn, giá Kit khá rẻ chỉ khoảng 8-10.000 đồng/que thử.

Dự kiến từ nay tới năm 2015, que thử sẽ ra được đưa ra thử nghiệm ngoài thực tế. Khi ấy, Việt Nam có thể chủ động trong việc phát hiện nhanh độc tố nhóm B trong thực phẩm, nước... Quan trọng hơn, các que thử này còn giúp chúng ta có thể chủ động trong việc phát hiện độc tố nhóm B do Staphylococcus aureus.


Theo Lý Thanh Hương
TTXVN

.