(BVPL) - Thời gian gần đây các vụ ngộ độc rượu diễn ra liên tục. Theo thống kê, trong giai đoạn 2007-2012, trên cả nước có tới 196 vụ ngộ độc rượu, làm 249 người bị nhiễm độc, 66 người tử vong. Tiếng chuông cảnh báo về ngộ độc rượu đã gióng, nhưng rượu độc vẫn hàng ngày hàng giờ hiên ngang được buôn bán khắp thôn cùng ngõ hẻm . “Đệ tử lưu linh” vẫn vô tư chén tạc chén thù với tử thần bên ly rượu độc.

 

 
Mất mạng vì một chén rượu
 
Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Việt Nam có 328 cơ sở sản xuất rượu lớn, sản lượng 360 triệu lít/năm, 320 cơ sở sản xuất nhỏ sản lượng dưới 1 triệu lít/năm/cơ sở và các hộ gia đình sản xuất 250 triệu lít/năm. Vậy mới biết mỗi năm lượng tiêu thụ rượu của người dân là rất lớn. Từ các hội nghị cấp cao đến các buổi tụ họp ở các quán cóc ven đường… ở đâu rượu cũng xuất hiện. Không chỉ đàn ông nhậu, các bà cũng nhậu, cũng dô chẳng kém gì cánh nam giới. Rượu là bạn giải sầu nhưng rượu cũng chẳng khác gì thuốc độc khiến nhiều người phải mất mạng.  
 
Người dân TP Hồ Chí Minh vẫn chưa quên trong thời gian 2 tuần đầu tháng 10-2011 đã có tới 9 vụ tử vong vì ngộ độc rượu. Chiều ngày 13-10-2011, sau hơn hai tuần hôn mê, ông Nguyễn Hữu Phong, 52 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh, đã tử vong tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP HCM. Theo người nhà nạn nhân, ông này uống tại một quán nhậu ở quận 2. Vài giờ sau tan tiệc, nạn nhân có dấu hiệu khó thở, sau đó hôn mê nên được chuyển đến bệnh viện Bưu điện 2 để điều trị nhưng không qua khỏi. 
 
Sáng ngày 7-1-2012, ông Huỳnh Xuân Tùng (61 tuổi ở thôn Hội Yên, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, Bình Định) đi ăn đám giỗ ở nhà thông gia là ông Huỳnh Giống (thôn Năng An, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) về đến nhà có biểu hiện chóng mặt, khó thở, mí mắt sụp xuống. Ngay sau đó, gia đình đưa đi cấp cứu nhưng ông Tùng đã tử vong trên đường đi. Ngoài ông Tùng, có khoảng 20 người khác đi đám giỗ nhà ông Huỳnh cũng trong tình trạng ngộ độc rượu ngâm rễ cây ba kích. 
 
Đầu tháng 6-2012, một vụ ngộ độc rượu tập thể xảy ra tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) làm 4 nạn nhân tử vong. Cả 4 nạn nhân đều có các triệu chứng tức ngực, khó thở, hoa mắt, nôn. Sau khi sự việc xảy ra, người nhà đã đưa 4 nạn nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. 
 
Tính đến tháng 9-2012, Theo Cục ATVSTP, trong thời gian qua, ngộ độc thực phẩm (NĐTP) do rượu chiếm 3,4% tổng số vụ NĐTP/năm nhưng số người tử vong do ngộ độc rượu chiếm tới 26% số người tử vong. Ba loại rượu thường gặp ở các vụ ngộ độc nhất là rượu trắng (27,8% số vụ), rượu trắng có hàm lượng methanol cao (30,6%) và rượu ngâm cây rừng độc (16,7%). TP.HCM và Gia Lai là hai địa phương ghi nhận nhiều vụ ngộ độc rượu nhất nước, mỗi địa phương chiếm 15,2% số vụ.
 
Rượu lậu tràn lan
 
Điều đáng bàn nhất là hiện nay tình trạng rượu lậu đang tràn lan trên thị trường. Hiện nay giá gạo thấp nhất cũng phải 10.000 đồng/kg. Theo tiêu chuẩn, mỗi 1 kg gạo chưng cất lên được khoảng 0,7 lít rượu. Vậy loại rượu đang bày bán tràn lan mà các ông các bà đang uống kia có giá 7,8 nghìn đồng chắc chắn là loại rượu chất lượng kém, là rượu lậu. 
 
Trên thị trường Việt Nam hiện có tới 70% rượu bán trên thị trường không qua kiểm duyệt. Chính các loại rượu không có nguồn gốc đang trôi nổi trên thị trường đã gây nên bao nhiêu vụ ngộ độc rượu. 42% số ca tử vong do ngộ độc thực phẩm nửa đầu năm nay có nguyên nhân từ rượu. Kết quả kiểm tra của Bộ Y tế cho thấy, thị trường có rất nhiều loại rượu giả với độc tố cao, đặc biệt là Methanol.
 
Tại các chợ cóc, sạp hàng nhỏ ở Hà Nội, rượu nút lá chuối (rượu tự nấu) muốn mua giá bao nhiêu tiền/lít, tùy chất lượng người bán cũng chấp nhận. Giá trung bình thường là 10.000 đồng/lít. Tại khu vực Kim Liên - Bạch Mai, việc bán rượu siêu rẻ diễn ra bình thường. Với dân lao động, thì loại nút lá chuối mới đủ “đô” và rẻ. Có những loại rượu nhập 5.000 đồng một lít, bán ra thị trường là 7.000 đồng vẫn được giới thiệu là rượu nếp cái hoa vàng. Ông Nguyễn Văn Hoàng ở Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể: “Rượu nấu nguyên chất ở Từ Sơn (Bắc Ninh), phải về tận nơi mua của người quen mà đã 50.000 đồng/lít rượu nếp và 40.000 đồng/lít rượu tẻ. Chỉ cần 1 lít rượu tẻ này, chủ quán pha với 5 lít nước lã, cộng với cồn, một ít đường hóa học, một chút muối... thế là thành rượu quê. Mua giá nào cũng được đáp ứng, nếu ít tiền thì chủ quán lại có can pha nhiều cồn, nhiều nước... hơn nhưng vẫn đậm mùi rượu”. Ông Hoàng khẳng định, 10 người là dân bợm nhậu uống rượu siêu rẻ, các loại giá như thế thì 9 người bị ngộ độc ở các thể khác nhau, tùy thuộc vào mức độ uống nhiều hay ít...”.
 
Sau vụ ngộ độc rượu ở thôn Ma Trai, xã Phước Chiến - Thuận Bắc khiến 5 người chết, 25 người vào viện trong ba ngày 30-1-2012 đến 1-2-2012, kết quả của viện Pasteur - Nha Trang cho thấy, lượng Methanol trong các mẫu rượu lấy từ các tiệm tạp hóa ở thôn Ma Trai vượt 192 lần so với quy định cho phép. Đây là chất độc có thể làm thay đổi môi trường máu chuyển sang dạng axit. Ngoài ra, trong các mẫu rượu xét nghiệm, còn phát hiện chất Aldehyte vượt bảy lần cho phép. Đây là chất có thể gây mù mắt sau khi nhiễm. Trong số 25 người bị ngộ độc phải nhập viện do uống rượu, có hai người đang bị mù mắt.
 
Dùng Methanol đầu độc dân nghèo
 
Trong hơn 20.000 cơ sở sản xuất rượu ở Việt Nam, chỉ khoảng 10% công bố tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm “ngoài luồng” thường có hàm lượng độc tố như aldehyde, methanol... rất cao. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu liên quan đến các ca tử vong cho thấy, hàm lượng methanol vượt quá mức cho phép từ vài chục đến vài trăm lần. 
 
Methanol là một trong những cồn có độc tính cao ở người, được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp dưới dạng một dung môi và trong các sản phẩm có hợp chất methyl và formaldehyde. Ngoài thị trường, methanol có trong các sản phẩm như dung dịch sản xuất sơn, dung dịch tẩy rửa (như dung dịch lau rửa máy copy, rửa cửa kính ô tô, dung môi làm sạch gỗ...), chất chống đông lạnh.... 
 
Trong đời sống nước ta, tập quán uống rượu tự pha chế, nấu rượu lậu, nhất là khi thuế nhập rượu ethanol cao thì methanol dễ dàng đóng góp cho sự bùng nổ ngộ độc ở người. Các vụ ngộ độc Methanol có thể xuất hiện khi dùng methanol để thay thế cho ethanol hoặc khi Methanol pha lẫn trong rượu hoặc làm rượu lậu gia đình chưng cất có Methanol. 
 
Các vụ ngộ dộc Methanol kinh hoàng trên thế giới như ngộ độc Methanol trong thuốc chống tiêu chảy ở New Delhi năm 1991 đã có trên 200 người tử vong; ở Ấn Độ vào tháng 12-2011 có tới 143 người thiệt mạng sau khi uống rượu có chứa Methanol… Ở nước ta hàng năm có khoảng trên 1000 ca ngộ độc rượu và trên 20 người tử vong (thống kê Bộ Y Tế). Người viết vẫn còn nhớ cách đây không lâu tại Hà Nội, vì bị buộc cai rượu, một giáo viên dạy hóa học của một trường cấp 3 đã liều uống một chén cồn ethanol khi lên cơn thèm và sau đó bị mù hoàn toàn. 
 
Người buôn hám lợi, người mua hám rẻ. Kết cục dẫn tới hậu quả chính người mình đang đầu độc người mình. Các đối tượng bị nhiễm rượu độc hầu hết là người dân lao động nghèo. Họ không đủ tiền để mua các loại rượu có giá thành cao, đảm bảo chất lượng. Vì thế, họ thường mua rượu từ những người bán rượu lậu với giá thành trung bình từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/lít. Trong khi đó, nhiều người bị ngộ độc rượu còn nhầm tưởng là say rượu, đến khi bị hôn mê mới được đưa đến bệnh viện thì đã muộn. Chính vì vậy, trước hết để bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ tiềm ẩn từ các loại rượu độc này người dân phải cứu lấy chính mình trước khi cơ quan chính quyền vào cuộc. 
 
Theo ANTĐ
.