(BVPL) - Sau gần 4 năm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (1/7/2011) có hiệu lực, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta vẫn khiêm tốn. Người tiêu dùng vẫn đang phải đối mặt với các vấn đề như: nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm và các thủ đoạn gian lận thương mại khác.
 


Sau gần 4 năm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực nhưng việc thực thi vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Theo các chuyên gia đánh giá, xét từ phía doanh nghiệp, không ít các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, không có trách nhiệm với người tiêu dùng, thông tin quảng cáo một đường, bán hàng một nẻo, thậm chí lừa đảo, hàng hóa cung cấp chất lượng không như quảng cáo, công bố, không nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ. Khi bị khiếu nại thì lẩn tránh, từ chối. Trong khi đó, người tiêu dùng chưa nắm được các quyền của mình, thiếu thông tin và hiểu biết, nhiều khi ham rẻ nên quyền lợi bị xâm hại, dẫn đến khiếu nại.

Người tiêu dùng liên kết để bảo vệ mình

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS): Người tiêu dùng ở thế yếu khi đơn độc, nhưng ở thế mạnh khi là số đông. Thực tế cho thấy, phong trào tẩy chay của người tiêu dùng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hay sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng nào đó còn tác động mạnh hơn cả chế tài xử phạt bởi hậu quả đối với tổ chức cá nhân kinh doanh có hành vi vi phạm sẽ lớn hơn nhiều.

Cũng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đã đến lúc Nhà nước không nên chỉ cho phép các cá nhân khởi kiện như quy định trong Luật bảo vệ người tiêu dùng, mà cần trao quyền cho các hiệp hội được đại diện cho tập thể người tiêu dùng khởi kiện vì lợi ích công cộng. Đồng thời, các khoản đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng không nên nộp vào ngân sách nhà nước một cách chung chung như hiện nay, mà phải được trả lại cho người tiêu dùng một cách thiết thực thông qua các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng do các tổ chức đại diện cho họ thực hiện.
 

Hà Nhân

.