Giá sản phẩm thời trang tại VN như một mê cung khiến nhiều người dùng không biết mình đang mặc món hàng đến từ đâu, do ai sản xuất và thậm chí khó lường hết nguy cơ độc hại.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP HCM, kể câu chuyện cháu ông đến chơi và đố ông biết giá cái áo nữ cô ấy mới mua ở chợ là bao nhiêu. Ông “phán” đại 20.000 đồng cho vui, ai ngờ lại trúng thiệt. “Các doanh nghiệp may phải lắc đầu chào thua vì không cách nào làm được với giá đó” - ông Hồng nói.
|
Vải giá nào cũng có phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Nguyên phụ liệu 100% Trung Quốc
Để giải đáp cho câu hỏi vì sao hàng may mặc giá nào cũng có, chúng tôi đã được chị Hoa - chủ một cơ sở may tại Q.Tân Phú (TP HCM) đưa đi khảo sát giá ở các cửa hàng vải, nguyên phụ liệu may mặc đồng thời giải thích chi tiết các công đoạn may ra thành phẩm.
Cụ thể, hiện gia đình chị đang may loại quần nữ có chất liệu thun co giãn nhiều gọi là bố chéo. Giá vải mua vào là 45.000 đồng/m (giảm khoảng 7.000 đồng/m so với những tháng đầu năm 2015).
Bình quân một quần nữ may hết 0,8 m vải; tiền may gia công 10.000 đồng/quần; chi phí khác gồm phụ liệu như dây kéo, nút, công giặt ủi, xếp vô bao bì... khoảng 10.000 đồng/quần, giá thành từ 60.000 - 62.000 đồng/quần. Chị Hoa bán sỉ cho các cửa hàng ở chợ đầu mối lớn như An Đông (Q.5), Tân Bình (Q.Tân Bình)... với giá từ 68.000 - 70.000 đồng/quần. “Các chủ sạp chủ yếu đóng hàng sỉ về các tỉnh và mỗi cái họ cũng chỉ lời khoảng 3.000 - 5.000 đồng.
Tuy nhiên, hàng này nếu ra các cửa hàng ở những đường mặt tiền tại Q.1, Q.3... thì giá bán sẽ dao động ở mức 120.000 - 130.000 đồng/cái” - chị Hoa nói.
Nhưng đó chưa phải là mức giá rẻ nhất. Cũng với loại vải như vậy, chúng tôi được giới thiệu loại quần với giá bán sỉ tại chợ Tân Bình chỉ có 55.000 - 60.000 đồng. Đây là nguồn hàng chính của những người bán chợ đêm, bán vỉa hè và ở các chợ vùng ven với giá bán lẻ 80.000 - 85.000 đồng.
Giải thích về sự chênh lệch giá này, chị Hoa tiết lộ, đó là thủ thuật “ăn cắp vải”. Nếu chị Hoa cắt quần đúng size hết 0,8 m thì có những cơ sở cắt tiết kiệm với đáy ngắn, đường may nhỏ, size nhỏ... chỉ còn 0,7 m/quần. Nếu chị đưa phí gia công là 10.000 đồng thì có nhiều nơi chỉ nhận may 8.000 - 8.500 đồng/quần...
|
Một cơ sở gia công quần áo giá rẻ - Ảnh: M.P |
Còn theo một số chủ sạp quần áo tại chợ Tân Bình, điều quan trọng nhất là người mua không cần quan tâm về xuất xứ, nguồn gốc mà chỉ chú ý đến kiểu dáng, màu sắc và mức giá. Vì vậy chỉ có những sản phẩm được may ở các cơ sở như trên mới đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của một bộ phận người dùng trong nước còn có mức thu nhập thấp.
Một vòng khảo sát giá xoay quanh khu vực chợ Tân Bình và đường Phú Thọ Hòa (Q.Tân Phú), hàng loạt cửa hàng vải và nguyên phụ liệu cho ngành may mặc nằm san sát nhau với đủ chủng loại, màu sắc. Hàng trăm loại vải khác nhau dành cho các sản phẩm thời trang từ nam, nữ đến trẻ em, từ chất liệu gấm, cotton, thun, bố chéo, bố nhung, jean mỏng, jean hai da... và tất cả đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Nguy cơ ung thư, vô sinh...
Tất nhiên, tiền nào của ấy. Nguyên liệu vải cũng như quần áo giá bèo của Trung Quốc nổi tiếng là chất lượng kém và đặc biệt là độc hại. Năm 2013, thông tin 85 mẫu quần áo trẻ em do Trung Quốc sản xuất được các chuyên gia của tổ chức GreenPeace (Hòa Bình xanh) đem đi kiểm nghiệm đã bị phát hiện chứa... chất độc hại như NPE, antimon và cả phthalates có thể gây vô sinh khi sử dụng.
Năm 2015, hàng dệt may Trung Quốc tiếp tục bị phát hiện chứa hàm lượng formaldehyde (chất có nguy cơ gây ung thư) cao quá mức cho phép đầu tiên trên thế giới. Thậm chí, các nhà chức trách Trung Quốc đã khuyến cáo người dân, kể cả hàng hiệu, hàng đắt tiền cũng có nguy cơ chứa hàm lượng các chất này cao, nếu không qua kiểm định, rất khó để biết.
Trên thực tế, từ năm 2009, Thông tư 32 của Bộ Công thương đã bắt buộc tất cả các loại vải, quần áo nhập khẩu vào VN phải kiểm nghiệm formaldehyde và amin thơm để bảo vệ người tiêu dùng. Chất này tồn tại trong vải do sử dụng trong công đoạn in nhuộm và hoàn tất vải.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng các hóa chất sử dụng trong công nghệ in ấn, nhuộm... người tiêu dùng không thể phát hiện được bằng mắt thường. Do vậy để bảo vệ an toàn người tiêu dùng, nhất là trước lượng hàng tiểu ngạch, hàng buôn lậu từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường VN, các cơ quan quản lý cần phải tăng cường kiểm tra như ngăn chặn từ xa ở các cửa khẩu.
Việc tiêu thụ trên thị trường nội địa, quản lý thị trường có thể xem xét thông qua việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và sau đó cần thiết phải đưa mẫu đi kiểm nghiệm. Từ đó đưa ra những cảnh báo cụ thể cho người dùng để phân biệt và tránh xa những sản phẩm có chứa chất độc hại.
Chỉ cần đưa mẫu là... sang Trung Quốc đặt hàng
Chủ một cửa hàng trên đường Phú Thọ Hòa cho biết nếu muốn loại vải nào cũng có, chỉ cần đưa mẫu là cô sẽ sang ngay Trung Quốc để đặt hàng. Thậm chí giá cả cũng có thể đàm phán trước, muốn giá rẻ hơn thị trường cũng có luôn (theo giải thích thường để có giá rẻ thì vải sẽ được dệt theo kiểu rút sợi - dệt ít sợi hơn, vải mỏng hơn...).
Giám đốc một công ty kinh doanh hàng thời trang trong nước cũng thừa nhận hầu hết các loại nguyên phụ liệu từ vải đến nút, chỉ may, dây kéo... đều được mua từ Trung Quốc.
“Trung Quốc là nguồn sản xuất và cung cấp vải cho thị trường thế giới. Nhưng sản xuất lớn thì lượng hàng tồn kho cũng rất lớn và đó chính là nguồn nguyên liệu đa dạng, giá rẻ cho các cơ sở may mặc trong nước để sản xuất ra hàng có giá thấp. Tương tự thì đa số phụ liệu cho sản phẩm may mặc cũng được mua từ Trung Quốc” - Chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP HCM nhìn nhận. |
Theo Người lao động