Ngành điện từ lâu đã thiết lập giá cơ sở. Từ đó, họ tính giá điện cho các nhu cầu sử dụng khác nhau của người dân và doanh nghiệp. Với giá điện bình quân (giá cơ sở) hiện nay quy về USD, tôi tính ra trung bình giá điện công nghiệp là 6,8 cent/kWh, giá điện sinh hoạt là 8,5 cent/kWh và giá điện kinh doanh là 10,7 cent/kWh. So với giá trung bình của Trung Quốc và Ấn Độ là 8 cent/kWh, giá điện sinh hoạt và kinh doanh tại Việt Nam đã rất cao, chỉ có giá điện công nghiệp là còn rẻ.

Sáu năm trước, tôi tiếp xúc nhiều quỹ đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư hệ thống phát điện từ nhiệt thải của các nhà máy xi măng tại Việt Nam. Hệ thống này cho phép nhà máy xi măng tự sản xuất và đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu điện năng của nhà máy. Sau khởi đầu thành công tại Kiên Giang, một quỹ có trụ sở ở Singapore rất hào hứng đề xuất 8 dự án với quy mô đầu tư gần 100 triệu USD, hợp tác với một tập đoàn xi măng hàng đầu Việt Nam.

Nhưng rồi, bao nhiêu đề xuất đầu tư gửi đi đều nhận lại một cái lắc đầu từ chối của phía doanh nghiệp Việt Nam. Lance, người sáng lập quỹ thắc mắc: "Vì sao một dự án tốt, có ý nghĩa tích cực về môi trường và mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho doanh nghiệp như thế mà các anh vẫn từ chối?". Đại diện doanh nghiệp kia trả lời: "Chúng tôi hiểu hết, nhưng chưa phải thời điểm này".

Tôi phân tích dữ liệu đầu vào sản xuất và chỉ ra cho Lance mấu chốt: rất khó thuyết phục các nhà máy xi măng tự đảm bảo nguồn điện vì giá điện cho ngành xi măng vẫn quá rẻ để tiết kiệm. Các nhà máy kiểu này tại Việt Nam đang được hưởng sự ưu tiên ít nước nào có được.

Có một mấu chốt rất quan trọng là khái niệm "bù giá", "bù chéo" được dùng lâu nay trong cơ cấu giá điện, khởi phát từ Luật điện lực năm 2004. "Bù chéo" chính là việc trợ giá điện cho sản xuất, một sáng kiến rất phi thị trường suốt nhiều năm qua: người dùng điện sinh hoạt và kinh doanh phải trả giá điện cao hơn giá bình quân để hỗ trợ cho khối sản xuất công nghiệp.

Điều phi lý là khối sản xuất công nghiệp tiêu thụ đến 54% lượng điện năng của cả nước, trong khi điện sinh hoạt chỉ chiếm 35% và điện cho kinh doanh chỉ chiếm 10%. Nói cách khác, người dùng ít điện hơn lại phải trả giá cao hơn để hỗ trợ cho người tiêu thụ nhiều điện - trong đó có bộ phận không nhỏ các ngành ngốn điện "như uống nước lã" là ngành thép, xi măng, hóa chất... Nghĩa là, dù bạn là ai, bạn đều đang âm thầm thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho khối sản xuất công nghiệp thông qua giá điện mình mua. Bạn đã luôn tham gia vào quá trình thúc đẩy công nghiệp hóa quốc gia bằng việc "bù chéo".

Hãy nhìn vào xi măng và thép, chỉ hai ngành này đã tiêu thụ 20% tổng điện năng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam. Do đặc trưng công nghiệp nặng, các nhà máy xi măng và thép đa số sử dụng điện áp cao trên 110 kV, nên giá điện được áp dụng là giá rẻ nhất, chỉ bằng 88% giá điện bình quân, cụ thể đang là 6,5 cent/kWh. Nhà máy nào càng dùng nhiều, giá điện càng rẻ.

Nhưng điểm chung của hai ngành này là dư thừa công suất trên 30% so với nhu cầu tiêu thụ nội địa. Công suất các nhà máy xi măng Việt Nam đứng thứ ba thế giới, trong khi công suất của các nhà máy thép đứng đầu Đông Nam Á. Tiêu thụ năng lượng của hai ngành này tại Việt Nam cũng thuộc diện hàng đầu thế giới, xét theo mức độ lãng phí với định mức tiêu thụ cao hơn 30%-50% mức trung bình của thế giới.

Trong khi Trung Quốc đang nỗ lực xanh hóa nền kinh tế bằng cách thắt chặt tiêu chuẩn môi trường, đóng cửa các nhà máy công nghiệp ô nhiễm như xi măng, sắt thép, hóa chất, chuyển ô nhiễm ra nước ngoài thì Việt Nam trở thành ngọn cờ đầu nhờ "lợi thế" tài nguyên giá rẻ. Trong "lợi thế" đó, có sự bù đắp tiền điện của người dân. Vậy, những cái nhất ấy có nghĩa lý gì, khi những "mũi nhọn" và "quả đấm" công nghiệp đang đâm thủng các tấm lưới phát triển bền vững, gây bất lợi cho cộng đồng và nền kinh tế?

Ngành điện nếu muốn "lành mạnh hóa tài chính" như lời tuyên bố, hay "bảo đảm công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện lực" như Luật điện lực đề ra thì phải cải tổ rất nhiều: bãi bỏ những "sáng kiến" phi thị trường, nâng cao sự minh bạch và trách nhiệm giải trình thay vì dựa trên sự yếu thế do không được lựa chọn của người dân và doanh nghiệp.

Sự bất hợp lý trong chính sách của ngành điện đã đến lúc phải đổi thay, đánh giá lại những chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp trong suốt thời gian qua. Lịch sử thế giới cho thấy chưa có một quốc gia nào trở thành một nước công nghiệp hiện đại nhờ dựa trên tài nguyên giá rẻ hay những chính sách duy ý chí và phi thị trường. Mô hình thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Israel đã chứng minh điều đó.

Nguyễn Đăng Anh Thi - Chuyên gia năng lượng và môi trường (theo vnexpess)