Chính thức bỏ quy định lập Quỹ bình ổn giá điện
Cập nhật lúc 23:25, Thứ tư, 28/12/2016 (GMT+7)
Nghị định 149 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá quy định chỉ lập Quỹ bình ổn giá với mặt hàng xăng, dầu tiêu thụ nội địa, bỏ quy định lập Quỹ bình ổn giá với mặt hàng điện, thóc và gạo tẻ thường. Đồng thời, sẽ có 17 loại phí được chuyển sang cơ chế giá, song cơ bản không ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước. (Quỹ bình ổn giá điện, Luật giá, quy định, Nghị định 149)
Nghị định 149 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá quy định chỉ lập Quỹ bình ổn giá với mặt hàng xăng, dầu tiêu thụ nội địa, bỏ quy định lập Quỹ bình ổn giá với mặt hàng điện, thóc và gạo tẻ thường. Đồng thời, sẽ có 17 loại phí được chuyển sang cơ chế giá, song cơ bản không ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước.
|
Việc quy định lập quỹ bình ổn giá điện trước đó có nhiều ý kiến trái chiều |
Ngày 11/11/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 149/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá.
Tại buổi họp báo chuyên đề diễn ra chiều 27/12 tại Bộ Tài chính, Nguyễn Văn Chuyền, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Giá cho biết, tổng cộng sẽ có 17 loại phí được chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá như dịch vụ thủy lợi công ích, dịch vụ kiểm nghiệm thuốc bảo vệ động thực vật; dịch vụ sử dụng đường bộ với các dự án đầu tư xây dựng để kinh doanh; dịch vụ sử dụng cảng, nhà ga; dịch vụ kiểm định phương tiện; dịch vụ kiểm dịch y tế; dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán; dịch vụ trông giữ xe...
Trong đó, 10/17 loại hàng hóa, dịch vụ sẽ do 6 bộ quy định giá và 9/17 loại hàng hóa, dịch vụ do UBND tỉnh quy định. Hình thức định giá gồm khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu và giá cụ thể.
Nghị định 149 quy định chỉ lập Quỹ bình ổn giá với mặt hàng xăng, dầu tiêu thụ nội địa, bỏ quy định lập Quỹ bình ổn giá với mặt hàng điện, thóc và gạo tẻ thường (trước đó được quy định tại Nghị định 177/2013).
Với giá sữa và thực phẩm chức năng cho cho trẻ em dưới 6 tuổi, trước đây quy định quản lý giá do Bộ Tài chính, nay chuyển sang Bộ Công Thương.
Nghị định 149 cũng sửa đổi, khi giảm giá một số mặt hàng kê khai giá thì cho giảm ngay và gửi bản kê khai giá để thông báo mức giá mới tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không phải mất thời gian kê khai giá như trước.
Bên cạnh đó, Nghị định này cũng thay đổi các quy định về kê khai giá, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh. Theo đó, cơ quan nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm về mức giá kê khai phù hợp với biến động của các yêu tố hình thành giá trong trường hợp cần thiết để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý Nhà nước về giá, thanh kiểm tra theo quy định.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá cho biết, khi chuyển nhiều loại phí sang cơ chế giá, về cơ bản vẫn giữ nguyên mức thu nên không ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước. Điểm thay đổi là trước đây phí do Nhà nước thu thì nay giá do cơ quan thực hiện thu. Giá công khai, niêm yết tùy từng địa phương quy định theo thẩm quyền.
Ông Tuấn cũng nói thêm rằng, khi chuyển sang cơ chế giá thì nhiều mặt hàng, dịch vụ Nhà nước sẽ không còn phải cấp bù. Những nhóm mặt hàng Nhà nước còn định giá thì tính đúng tính đủ vào giá, nếu tăng giá thì phải có lộ trình. Loại dịch vụ Nhà nước không định giá thì thực hiện theo thị trường.
Theo ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, bên cạnh việc không phải bù đắp cho một số loại dịch vụ, hàng hóa (như phí đổ rác chỉ đáp ứng được 15-20% chi phí vận chuyển) thì cũng có nhiều khoản phí lớn như phí trước bạ, phí đường bộ, phí xăng dầu... sẽ có ảnh hưởng đến ngân sách. Song tựu chung lại trên tổng thể thì sẽ không ảnh hưởng đến tổng thu.
Theo Bích Diệp/Dân trí
.