Ngày 10/6, 3 tấn vải thiều tươi của nông dân Hải Dương đã được Công ty TNHH Rồng Đỏ (TP.HCM) thu mua, chiếu xạ và đóng gói xuất sang thị trường Úc bằng đường hàng không. Lô hàng đầu tiên này có sứ mệnh vô cùng quan trọng trong việc thăm dò thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này.
Phải mất hơn 10 năm để một thị trường nhập khẩu trái cây “khó tính” như Úc chính thức mở cửa, cho phép nhập khẩu trái vải tươi từ Việt Nam. Với dân số trên 23 triệu người, mức thu nhập trung bình (GDP) hơn 64.000 USD/người năm 2013 (theo số liệu của Australian Bureau of Statistics vào năm 2013), thì Úc là thị trường đầy tiềm năng. Kim ngạch nhập khẩu trái cây của Úc năm 2014 đạt khoảng 840 triệu USD, tăng 25% so với năm 2013 (theo số liệu của ABARES: Agricultural Commodity Statistics vào năm 2014). Điều đó chứng tỏ, thị trường Úc đang là cơ hội lớn cho hoạt động xuất khẩu trái cây nói chung và trái vải tươi nói riêng. Ngoài ra, Úc cũng là nước đang tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi hiệp định được ký kết thì trái cây Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để xâm nhập mạnh vào thị trường này.
Với sản lượng vải thiều năm 2015 lên tới 200.000 tấn, tăng hơn 10.000 tấn so với năm 2014, Bộ Công Thương dự báo vải thiều sẽ được tiêu thụ nội địa khoảng 60%, tương ứng khoảng 120.000 tấn (chủ yếu là quả tươi), xuất khẩu khoảng 40%, tương ứng 80.000 tấn.
Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Rồng Đỏ (TP.HCM), đơn vị đầu tiên thu mua trái vải tươi và xuất khẩu đến thị trường Úc ngày 10/6, cho rằng Úc được biết đến là một thị trường cực kỳ khó tính vì vậy công ty ông đã phải chuẩn bị từ 3 tháng trước. “Chúng tôi phải đi đến những vùng trồng vải được Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng rồi tiến hành khảo sát, kiểm tra và thực hiện theo tiêu chuẩn GlobalGap (những vùng trồng này trước đây đã được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap-PV) sau đó xây dựng nhà máy đóng gói ngay tại vùng nguyên liệu”, ông Thìn nói.
Được biết, giá trái vải tươi tại vùng trồng mà công ty này thu mua luôn cao hơn so với giá thị trường, đảm bảo lợi ích cao nhất cho người nông dân. Bên cạnh đó, sau những đợt hàng xuất thuận lợi sang thị trường Úc, nếu có những tín hiệu tích cực, công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu từ 15-20 tấn trái vải tươi trong một tuần đến Úc so với sản lượng từ 6 - 10 tấn/tuần như hiện nay.
Mặc dù trái vải của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Úc sẽ phải cạnh tranh rất lớn với một số nước đã có thời gian dài và ổn định xuất khẩu vào Úc là Trung Quốc và Thái Lan nhưng, vải của Thái Lan hoặc Trung Quốc là vải xử lý đông lạnh, còn vải của Việt Nam là vải tươi chiếu xạ. Đây là sự khác biệt giúp trái vải của Việt Nam có thể cạnh tranh với trái vải của các nước khác.
Theo TS. Nguyễn Đức Lộc công tác Trung tâm Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp miền Nam - IPSARD, việc trái vải tươi của Việt Nam được cấp phép nhập khẩu vào Úc sẽ là cơ hội rất lớn cho mặt hàng rau quả tươi của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên kỳ vọng sẽ xuất khẩu được nhiều vải sang thị trường Úc ngay lập tức mà phải quyết tâm làm để mở cửa dần cho mặt hàng rau quả tươi của Việt Nam vào thị trường có sức mua vào loại tốt nhất thế giới này.
Thách thức
Theo TS.Nguyễn Đức Lộc, chúng ta phải mất một thời gian dài để chờ đợi trái vải tươi được cấp phép xuất khẩu vào thị trường này không chỉ là nguyên nhân từ phía Úc mà còn do khâu tổ chức ngành hàng trái vải của chúng ta thay đổi chậm. Chúng ta phải trải qua một thời gian dài để tổ chức lại theo đúng tiêu chuẩn GlobalGap và đây là những yếu tố mà chúng ta phải khắc phục trong thời gian tới để hướng đến nhiều thị trường tiềm năng hơn.
Một khó khăn cho việc xuất khẩu vải là vấn đề vận chuyển chủ yếu bằng đường hàng không. Như vậy, chi phí sẽ cao hơn so với vận tải biển. Mặc dù, Vietnam Airlines mới đây đã công bố giảm giá đối với vận chuyển vải thiều tươi cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng mỗi chuyến bay cũng chỉ vận chuyển được 10 tấn, trong khi đó, sản lượng vải để xuất khẩu mùa vụ này đến các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia... lên tới 80.000 tấn.
Ngoài ra, muốn đạt chuẩn xuất khẩu trái vải tươi vào Úc, trái vải phải được vận chuyển vào chiếu xạ tại các cơ sở phía Nam. Tuy nhiên, theo nhiều cơ sở sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, chi phí chiếu xạ còn quá cao. Cụ thể, mức giá chiếu xạ do các doanh nghiệp chiếu xạ đưa ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu dao động từ 0,8 đến 1 USD/kg trái cây, chưa kể chi phí chuyển. Điều đó làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Vừa qua Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát cùng Bộ trưởng Bộ KH - CN Nguyễn Quân đã chỉ đạo đầu tư nâng cao trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội với các trang thiết bị, kho lạnh theo tiêu chuẩn Mỹ, Úc để sẵn sàng cho vụ vải thiều năm sau.
Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, để trái vải có thể xuất ngoại, nông dân cần phải tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật, tuân thủ theo quy trình GlobalGap và phải chọn thuốc bảo vệ thực vật theo đúng yêu cầu của phía Úc. Bên cạnh đó, những hộ đã được cấp mã số vùng trồng cần sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
“Chính phủ Úc chỉ cấp phép cho từng loại quả một và vải là loại trái cây đầu tiên của Việt Nam. Nếu không “thông” được trái vải thì các loại trái cây khác sẽ bị tắc. Ngược lại, nếu trái vải “dẫn đường” thành công thì các loại trái khác của Việt Nam như thanh long, xoài, nhãn... sẽ có cơ hội rất lớn thâm nhập vào thị trường này”, bà Nguyễn Hoàng Thúy, đại diện Thương mại - Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia, nói.
Theo Người tiêu dùng