Tính đến ngày 30/9, tổng tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi là hơn 186,795 tỷ đồng.

Theo đó, trong con số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của toàn tỉnh (không tính 492 triệu tiền do NSNN đóng) hơn 186 tỷ đồng, có nợ dưới 3 tháng là 1.357 đơn vị, tương ứng 56,561 tỷ đồng.

Nợ từ 03 tháng đến 11 tháng là 608 đơn vị, tương ứng 24,101 tỷ đồng. Nợ từ 12 tháng đến 23 tháng là 73 đơn vị, tương ứng 14,027 tỷ đồng. Nợ từ 24 tháng đến 35 tháng là 37 đơn vị, tương ứng 4,990 tỷ đồng. Nợ từ 36 tháng trở lên là 86 đơn vị, tương ứng 48,167 tỷ đồng. Nợ khó thu (các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, ngừng hoạt động…) 279 đơn vị nợ với số tiền nợ hơn 38,457 tỷ đồng.

Đặc biệt, một số đơn vị có số nợ lớn như Công ty CP Lilama 45.3 (đơn vị nhận từ BHXH tỉnh Phú Yên về ngày 01/4/2021) nợ 7,583 tỷ đồng tương ứng với thời gian nợ 18 tháng; Công ty CP Licogi Quảng Ngãi nợ 6,765 tỷ đồng tương ứng với thời gian nợ 47 tháng; Công ty CP Phát triển cơ sở hạ tầng Quảng Ngãi nợ 3,213 tỷ đồng tương ứng với thời gian nợ 72 tháng; Công ty CP Bê tông ly tâm Dung Quất, trụ sở đóng tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN với số tiền hơn 12,657 tỷ đồng tương ứng với thời gian nợ 140 tháng, đã chuyển hồ sơ cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh nhưng chưa thu hồi được nợ.

leftcenterrightdel
 Việc nợ BHXH, BHYT, BHTN của doanh nghiệp kéo dài qua nhiều năm nhưng chưa có giải pháp khắc phục, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người lao động. Ảnh minh hoạ

Đối với nhóm nợ khó thu, một số đơn vị đã khoanh nợ do phá sản, giải thể... như Công ty Cổ Phần tổng hợp Việt Phú-Quảng Ngãi nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN với số tiền hơn 5,450 tỷ đồng tương ứng với thời gian nợ 79 tháng; Công ty TNHH 1 thành viên Lâm nghiệp Trà Tân Quảng Ngãi nợ với số tiền hơn 1,483 tỷ đồng tương ứng với thời gian nợ 142 tháng; Công ty Cổ phần Thiên Đàng nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN với số tiền hơn 1,851 tỷ đồng tương ứng với thời gian nợ 154 tháng.....

Tại Kỳ họp, đại biểu cũng chỉ ra các nguyên nhân như việc xử lý nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài đối với các doanh nghiệp nợ khó thu (phá sản, giải thể,...) vẫn chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể của Nhà nước về các trường hợp phá sản, giải thể đối với nợ BHXH, BHTN, khiến cho tỷ lệ nợ BHXH, BHTN của tỉnh cộng dồn ở mức cao so với bình quân chung cả nước.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm về pháp luật BHXH, BHYT, BHTN dẫn đến tình trạng trốn đóng, nợ đọng kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp.

Trả lời cử tri, Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết, trong thời gian tới sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để đôn đốc, xử lý các đơn vị, doanh nghiệp cố tình chây ì, nợ kéo dài đã được cơ quan BHXH đôn đốc nhiều lần. Thành lập các Tổ công tác đến đơn vị, doanh nghiệp để triển khai thực hiện quy trình khai thác, phát triển người tham gia BHXH bắt buộc theo dữ liệu cơ quan Thuế và đôn đốc thu nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ…

Ngọc Anh