Đã từ lâu, làng Bình Lương, xã Tân Quang (Văn Lâm, Hưng Yên) được mệnh danh là làng sản xuất bóng bì lớn nhất miền Bắc. Về Bình Lương, PV mới biết nhiều người dân vẫn gọi những gia đình giàu có là "đại gia bóng bì". Khi trực tiếp ghi lại những câu chuyện xung quanh công nghệ chế biến, sản xuất bóng bì, PV Người Đưa Tin không khỏi rùng mình...
 
Làng bóng bì và sự cảnh giác cao độ với người lạ
 
Trong khi ngồi chờ người bà con trong làng ra đón, cứ khoảng 15 phút, chúng tôi lại thấy có một chiếc xe máy gắn phía sau là chiếc xe cải tiến loại nhỏ chạy qua, trong thùng xe chất đầy bao tải buộc kín. Lái xe chủ yếu là những thanh niên trẻ, mình trần đội mũ phớt và rồ ga phóng như bay. Vừa hướng ánh mắt ra phía ngoài đường, người phụ nữ bán hàng nước chừng hơn 50 tuổi tên Thu nói: "Lại chở bì về đấy. Nó chạy xe nhanh qua còn đỡ, chứ hôm rồi nó chỉ đỗ xịch trước cửa quán, mùi của bì lợn ôi thiu bốc ra, không chịu được".
 
Theo lời chỉ dẫn của bà Thu, chúng tôi tìm đến nhà bà V. - một gia đình sản xuất bóng bì và nem chua lớn vào loại nhất nhì Bình Lương. Tuy một đồng nghiệp nam đi cùng tôi đã đóng vai người đến đặt hàng nhưng bà V. cũng không tỏ vẻ vồn vã hay vui mừng. Các câu trả lời của bà V. đều nhát gừng, gượng gạo, kèm theo đó là ánh mắt dè chừng xen lẫn đề phòng. Dọc con ngõ nhỏ vào xưởng sản xuất của gia đình bà V., là một khu đất trống có rất nhiều phên tre màu đen, phía trên phơi la liệt bì lợn. Cỏ mọc um tùm kèm rác rưởi tập kết ngay chỗ phơi bì. Đi sâu vào bên trong, chúng tôi nhận ra đây là nơi làm nem chua và giò.
 
Khi được hỏi muốn xem trước khi đặt hàng, bà V. bảo sẽ về nhà lấy cho chúng tôi xem trước. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đi cùng thì bà này kiên quyết từ chối: "Cứ ngồi đây, tôi về lấy cho!".
 
Bì được phơi trên những tấm phên đen dọc con ngõ vào xưởng của gia đình bà V.
Bì được phơi trên những tấm phên đen dọc con ngõ vào xưởng của gia đình bà V.
 
Không lâu sau, bà V. mang hai loại bóng bì cho tôi xem. Tôi chưa kịp hỏi chuyện thì một người đàn ông kéo tay bà V. ra một góc rồi nói nhỏ chuyện gì đó. Ngay sau đó, thái độ của bà V. thay đổi hẳn, e dè và cảnh giác hơn. Vừa cầm hàng trên tay, bà V. vừa cho biết: "Đây là hàng tuyển. Một loại bán giá 200.000 đồng/kg, một loại 240.000 đồng/kg". Khi được hỏi có dùng chất để tẩy trắng không, bà V. khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Trắng quá là hàng tẩy, không ngon, em đem hàng này về ăn sẽ thấy tuyệt vời luôn. Ở đây chị chỉ tẩy bằng chanh với axit chanh thôi. Ăn bóng này đảm bảo không sợ độc hại. Tôi vẫn xào bóng với su hào cho thợ ở đây ăn". Khi chúng tôi thắc mắc tại sao lại có những mức giá chênh nhau từ vài trăm nghìn cho tới hơn chục nghìn đồng thì bà V. không trả lời.
 
Ngồi quan sát chúng tôi từ nãy giờ, một người đàn ông bỗng lên tiếng: "Bóng này quan trọng không có lông, nếu nó dính vào họng sẽ hóc, rất nguy hiểm. Nhiều người mua không biết cứ tham rẻ. Có mấy loại, nếu bóng xào phải luộc dừ, bóng nấu và ăn lẩu phải dai mới ngon. Ở đây, chúng tôi làm cầu kỳ cẩn thận, đảm bảo vệ sinh".
 
Người đàn ông này cho biết, tầm giờ này (khoảng hơn 6h chiều - PV) không có nhà làm. Thường thì từ sáng sớm, người ta mổ lợn xong, lấy bì về đánh sạch mỡ, nhúng nước ấm cạo lông rồi cho vào lò nổ hoặc sấy. "Chúng tôi không tẩy gì cả, nếu bóng tẩy thì nát toét, không ai ăn", người đàn ông khẳng định.
 
Khi chúng tôi hỏi loại bì đang phơi la liệt ngoài dãy phên cáu bẩn, người đàn ông ngại ngần nói: "Loại đó bán sang Trung Quốc, người ta nhập làm keo, làm vỏ của viên thuốc dầu cá, các công ty dược của mình vẫn làm đấy thôi. Lúc cao điểm, chúng tôi bán cho Trung Quốc với giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Vừa rồi, Trung Quốc có dịch tai xanh nên cấm nhập, giờ hàng đang ế ẩm, giá hạ, chỉ còn 30.000 - 40.000 đồng/kg".
 
Rồi không để chúng tôi hỏi thêm, người đàn ông xẵng giọng: "Lò sản xuất bên trong kia nhưng giờ đang bận lắm. Anh chị là nhà báo hay sao mà hỏi kỹ vậy?". Thấy vậy, bà V. có ý phân trần: "Lò bây giờ không phải thời vụ có khi làm hai tạ bóng bì xong đóng túi tắt lò. Từ tháng 8 trở đi sẽ làm 24/24h". Có lẽ nghi chúng tôi là nhà báo, bà V. nói liên hồi: "Lò sạch sẽ lắm, miếng bì để trong lò không hề có vết bẩn, không phải như loại bì xuất đi Trung Quốc kia. Cả làng làm, chứ không phải mình nhà tôi, làm cái này ít, còn làm bóng bì đại trà xuất đi Trung Quốc thì nhiều nhà làm".
 
Tiết lộ bất ngờ
 
Chập choạng tối, biết chắc người lạ sẽ không tiếp cận được những "lò sản xuất", tôi đành nhờ cậu em người bản địa tên Tuấn đưa đến cơ sở sản xuất bóng bì khác để lấy thêm thông tin. Trước khi đi, Tuấn nhắc tôi không nên chụp ảnh để tránh bị nghi ngờ. Tuấn còn kể lại trường hợp đã từng có một phóng viên bị đuổi và bị dọa đánh khi đi gặp trực tiếp các hộ dân để viết bài phản ánh về nghề làm bóng bì. Sau khi một số báo đăng tải về việc làm bóng bì mất vệ sinh không ít gia đình làm nghề ở đây đã bị ảnh hưởng.
 
Thấy chúng tôi đi cùng người trong làng, chủ cơ sở này có vẻ cởi mở hơn. Thật bất ngờ, những thông tin mà tôi ghi nhận được lần này lại khác hoàn toàn so với lần đầu. Theo chủ cơ sở sản xuất tên B., bì lợn sống được mua từ Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai... với giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Sau khi gom từ hai đến ba ngày, bì được chuyển bằng ô tô xuống xã Tân Quang, sau đó, các gia đình thuê người chở vào làng.
 
Bì được cạo sạch mỡ, nhúng qua nước sôi để cạo cho sạch lông sau đó cho vào lò sấy hoặc phơi khô. Khi được hỏi làm thế nào để bì trắng sạch, trông bắt mắt, ông B. ngần ngại bảo phải dùng hoá chất để tẩy trắng. Còn tên loại hóa chất là gì thì đến chính ông B. cũng không biết. Với những bì làm bóng bán tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận, sau khi cạo lông sẽ được cho vào lò nổ. Với những loại bì bán sang Trung Quốc thì cạo lông xong chỉ cần phơi ngoài trời hai đến ba ngày thì lấy đũa xiên cho thẳng. Loại bì bán sang Trung Quốc giá 40.000 - 45.000 đồng/kg.
 
Sau khi tận mục sở thị, chúng tôi được biết, vì gom cả hai ba ngày từ trên miền núi nên khi đến tay người dân nơi đây thì bì đã bốc mùi hôi thối. Cậu em đi cùng tôi phân trần, do mỡ phân hủy nên tạo mùi hôi, sau khi được tẩy trắng bằng hóa chất thì bì sẽ bớt mùi hơn.
 
Vì chúng tôi đến vào buổi tối nên đồ nghề, nguyên liệu đã được chủ cơ sở thu dọn hết. Trên đường về, Tuấn kể: "Mỡ và bì ở đây được cho vào cái chảo bẩn rồi rán lấy mỡ bán. Em ở đây chứng kiến cảnh họ đi ủng giẫm lên cả đống mỡ bèo nhèo để trên nền đất trước khi cho rán cũng thấy ghê. Mỡ đó được bán cho hàng làm bánh rán, quẩy, chỉ người nơi khác mới dám ăn". Tuấn cho biết, thu nhập của các hộ làm bóng bì đều rất khá. Trung bình một gia đình mỗi ngày làm được vài tạ bóng bì và thường bán buôn.                                    
 
Bóng bì không được kiểm dịch
 
Tuấn còn cho biết, chiều nào cũng có chiếc xe ô tô ba chục tấn bốc hàng ở đầu cầu vào thôn rồi xuất đi Trung Quốc. Mỗi gia đình khi gom được số bì lớn thì điện cho các mối hàng đến lấy. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những sản phẩm bóng bì được bán cả trong, ngoài nước và thường có trong thực đơn các nhà hàng, cỗ cưới ấy trên thực tế không hề có kiểm dịch. Ai sẽ là người đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng khi ăn những sản phẩm này?    

 

Theo Yến Dương
Nguoiduatin.vn