Từ trước đến nay, tại các tỉnh Tây Nguyên, chúng ta thường nghe đến những câu chuyện như “Đại lý vỡ nợ - người dân điêu đứng” hay điệp khúc “bỗng dưng tay trắng” để chỉ việc các đại lý chuyên thu mua, nhận ký gửi nông sản mất khả năng thanh toán gây thiệt hại về kinh tế cho người dân.

Hình thức vay mượn trong giao dịch

Ở Việt Nam nói chung và việc thu mua cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, có một cách thức mua, bán thuận tiện, phổ biến cho hai bên mua và bên bán đó là: “Chốt giá trước, trả hàng sau”.

leftcenterrightdel
 Đại lý thu mua nông sản. Ảnh minh họa của vnexpress

“Chốt giá trước, trả hàng sau” đối với mặt hàng nông sản được hiểu nôm na là: Nếu có sự tin tưởng nhau, khi đến vụ mùa nhưng người dân chưa thu hoạch được, hoặc thu hoạch rồi nhưng chưa phơi, chưa sấy, chưa cho ra được mặt hàng hoàn hảo để bán mà lại cần một số tiền để chi tiêu thì họ sẽ liên hệ đến các cơ sở đại lý thu mua nông sản để chốt giá tiền đối với một số lượng nông sản nhất định để có tiền dùng trước, khi có sản phẩm sẽ quay lại trở nơi chốt để bán hàng trả lại tiền chốt sau (việc chốt giá tiền tại thời điểm đó sẽ do các bên tự thỏa thuận). Đây có thể gọi là hình thức vay mượn.

Nếu câu chuyện cứ đơn giản theo kiểu “vay, mượn - trả” thì không có gì đáng để bàn. Tuy nhiên, trên thực tế, dựa vào lòng tin của cơ sở thu mua, nhiều người tuy biết số lượng hàng của mình không đủ nhưng vẫn chốt với số lượng nhiều hơn rồi không trả được hoặc có ý định “xù nợ”, dẫn đến nhiều vụ tranh chấp.

Điển hình là thời gian gần đây ở một số địa phương xuất hiện tình trạng người dân chốt giá ở cơ sở thu mua số 1, số 2… rồi lại đi bán cà phê ở cơ sở thu mua số n, dùng số tiền đó trả một phần số nợ cho số 1, số 2… và những khoản nợ đầu tư khác, giữ lại cho mình thêm được một ít tiền. Cứ thế, khi người dân cả vùng đều thực hiện như vậy, dần dần số nợ trong dân của đại lý thu mua đã tăng lên đáng kể.

Trước tình trạng đó, cần phải làm gì để có thể bảo vệ được quyền lợi của những cơ sở, đại lý thu mua cà phê?

“Chốt giá trước, trả hàng sau” dưới góc độ pháp luật

Nếu có tranh chấp pháp lý xảy ra thì đây là một dạng tranh chấp dân sự và người thiệt hại vẫn là đại lý thu mua. Giả sử: Các đại lý khởi kiện vụ án dân sự thì sẽ không thể đạt được kết quả như mong muốn; bởi vì, tài sản của người dân không thể đủ để trả nợ hoàn toàn cho tất cả các đại lý, trong khi thời gian khởi kiện dân sự kéo dài mà tiền của các cơ sở đại lý là “đồng tiền xoay vòng”, tiền vay mượn, thậm chí cũng là tiền chốt ở cơ sở mua khác, chưa kể tài sản của người dân đã được vay bảo đảm ở các ngân hàng… Do vậy, rất khó để đưa ra các biện pháp buộc người dân thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của mình.

leftcenterrightdel
 Đóng gói nông sản. Ảnh minh họa của vnexpress

Nhưng nếu nhìn nhận dưới góc độ là một loại tội phạm hình sự thì lại rất khó xử lý đối với các cơ quan chức năng. Bởi lẽ, nếu xét về hành vi của người nông dân sau khi chốt khối lượng hàng ở đại lý 1 lại tiếp tục đi chốt ở đại lý 2, 3… rồi sử dụng số tiền “xoay được” tiến hành “đập chỗ này, vá chỗ kia” liên hoàn. Để có thể thực hiện hành vi này thì bên mua đã ước lượng, nhận định tương đối khối lượng hàng hay khả năng trả nợ của người dân rồi mới tin tưởng giao tiền cho bên bán.

Trong trường hợp này, để có thể kết luận người nông dân có hành vi lừa đảo thì phải chứng minh được ý thức lừa đảo, dùng thủ đoạn gian dối để có được tài sản phải hình thành trước khi thực hiện hành vi nhưng ở đây, đại lý thu mua và nông dân đã tiến hành thỏa thuận với nhau, mặc dù đã thực hiện theo cam kết, nhưng sau đó người nông dân không có khả năng để hoàn thành nốt phần nghĩa vụ còn lại của mình. Do vậy, điều này thực sự rất khó vì chủ yếu hai bên giao dịch dựa trên sự thỏa thuận hợp pháp, tự nguyện và tin tưởng lẫn nhau. Vì thế, nếu không thể chứng minh được người nông dân đã có ý định lừa đảo từ trước thì không thể khép người dân vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Còn nếu trong trường hợp phân tích hành vi trên theo cấu thành tội phạm của tội “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” thì trong trường hợp này, người nông dân có được số tiền dựa trên sự cân nhắc, tính toán, cũng như sự tin tưởng của chủ đại lý. Tuy nhiên, người nông dân có nghĩa vụ trả hàng hoặc trả tiền chỉ thực hiện một phần nghĩa vụ của mình. Phần nghĩa vụ còn lại của hợp đồng, có thể họ chưa trả được, hứa sẽ trả sau hoặc cũng có thể họ sẽ phản bội lại lòng tin của chủ đại lý rồi bỏ trốn. Vì thế, nếu không chứng minh được người nông dân có hành vi không thực hiện như cam kết trong hợp đồng và sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản thì cũng không thể xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản.

Phương thức kinh doanh này rất phổ biến tại Tây Nguyên và là nguyên nhân gây ra nhiều vụ kiện tụng, gây mất trật tự an ninh tại địa phương. Tuy nhiên, các đối tượng này rất “am hiểu pháp luật”, lợi dụng lòng tin của người khác để tính toán, trục lợi cho cá nhân. Vậy nên, khi vụ việc “vỡ lở” thì người thiệt vẫn là những cơ sở đại lý. Sự thật vẫn tồn tại và diễn ra hàng ngày, những kẻ gây ra thì vẫn nhởn nhơ, không có biện pháp, chế tài để xử lý. Chúng ta cần tìm ra giải pháp để xử lý những hành vi gian dối này, để tạo môi trường kinh doanh ổn định, công bằng, lành mạnh hơn.

Trường Lưu – Ánh Phượng (VKSND tỉnh Đắk Lắk)