Dự án chiến lược phát triển cơ khí quốc gia

Ngành cơ khí được ví như xương sống của ngành kinh tế, là nền tảng và động lực hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng. Dự án đầu tư Nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ của Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (Tập đoàn Quang Trung) tại xã Phương Nam, thị xã Uông Bí (nay là phường Phương Nam, TP. Uông Bí), tỉnh Quảng Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 428/TTg-CN ngày 14/4/2005. Ngày 4/12/2009, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định 3960/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 mở rộng, nâng công suất Nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ theo văn bản số 428/TTg-CN ngày 14/04/2005 của thủ tướng chính phủ. Ngày 21/5/2011, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ ngành đã xuống thăm dự án và đã ban hành kết luận số 126/TB-VPCP ngày 26/5/2011 đồng ý chủ trương cho phép mở rộng Nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ để hoàn thiện đồng bộ hóa dây chuyền công nghệ của dự án.

leftcenterrightdel
Dự án đầu tư Nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ của Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung. 

Theo đó, dự án này thuộc Chương trình phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm Nhà nước, trực tiếp sản xuất sản phẩm cơ khí nặng, mới, thay thế nhập khẩu, được Nhà nước ưu đãi. Dự án đặc biệt được Bộ Công thương đưa vào quy hoạch phát triển ngành cơ khí của Việt Nam tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018

Tại thời điểm hiện nay, Nhà máy đã hoàn thành được 60%, làm chủ được công nghệ, thiết kế, chế tạo, nội địa hóa sản xuất tại Việt Nam đạt tỷ lệ trên 90% cho 6/12 các loại cần cẩu và đã làm thí điểm cho hai công trình lớn của quốc gia là Nhà máy Thủy điện Sơn La và Nhà máy Thủy điện Lai Châu, làm lợi cho Nhà nước trên 15.000 tỉ đồng do đẩy nhanh tiến độ sớm 3 năm giảm lãi vay Ngân hàng và tận dụng được tài nguyên nước, ngành Điện đã kịp thời đưa toàn bộ công suất của nhà máy này để thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước. Trước đây, các sản phẩm này 100% đều phải nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí rất cao.

TP. Uông Bí kiến nghị thu hồi dự án thuộc thẩm quyền của Chính phủ?

Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 mở rộng, nâng công suất Nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ có tổng diện tích 21,39 ha. Trong đó, chủ yếu là đất nông nghiệp 1 vụ và đất thủy sản, có diện tích khoảng 16,61 ha. Đất thuê xây dựng Nhà máy giai đoạn 1 là 3,31 ha; đất hành lang đường cộng quản là 0,97 ha; đất chưa giải phóng mặt bằng là 0,487 ha.

Tại Quyết định số 3960/QĐ-UBND, ngày 4/12/2009, UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho UBND TP. Uông Bí có trách nhiệm phối hợp với Chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng và công bố công khai quy hoạch và hoàn thiện các thủ tục đất đai theo đúng quy định của pháp luật. Trên thực tế, UBND TP. Uông Bí chưa hỗ trợ Tập đoàn Quang Trung để đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng dự án, gây chậm trễ. Không hoàn thành trách nhiệm của mình, vậy nhưng, ngày 11/9/2020, UBND TP. Uông Bí lại gửi Công văn số 2193/UBND-QLĐT đề nghị với UBND tỉnh Quảng Ninh thu hồi chủ trương đầu tư và hủy bỏ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ mở rộng. Văn bản này cũng kiến nghị sau khi thu hồi chủ trương đầu tư, hủy bỏ quy hoạch thì tỉnh sẽ thu hồi diện tích đất 21 ha của dự án để giao cho UBND TP. Uông Bí quản lý.

leftcenterrightdel
 Dự án đầu tư Nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ gặp vướng trong giải phóng mặt bằng.

Rõ ràng, đây là dự án không thuộc đối tượng rà soát do chậm tiến độ theo chủ trương chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh tại Văn bản số 2073/UBND-QLĐĐ1 ngày 01/04/2020, vì dự án mới đang ở giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng chưa giao đất chính thức cho doanh nghiệp nên không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp chậm triển khai đầu tư theo quy định của Luật Đất đai. Có thể thấy, UBND TP. Uông Bí không hề quan tâm đến nhiệm vụ triển khai dự án theo chiến lược quốc gia mà chỉ quan tâm đến khu đất được giao để thực hiện dự án.

Hơn nữa, đây là dự án trọng điểm, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên việc điều chỉnh hay thu hồi phải được Thủ tướng chấp thuận. Vì vậy, văn bản trên của TP. Uông Bí có nội dung tham mưu cho tỉnh Quảng Ninh phải chăng đã vượt thẩm quyền? Dư luận cho rằng, thay vì việc UBND TP. Uông Bí ra Văn bản số 2193/UBND-QLĐT thì cần thực hiện trách nhiệm của mình phối hợp với chủ đầu tư, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện giúp đỡ cho chủ đầu tư thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Chính phủ, nhằm thúc đẩy nhanh lĩnh vực hết sức then chốt của đất nước theo Nghị quyết 23/NQ-TW ngày 22/3/2018 và Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

"Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ; đảm bảo khả năng tham gia sâu, có hiệu quả của nền kinh tế vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu, được quan tâm đầu tư thích đáng. Cần phát triển ngành cơ khí Việt Nam trọng tâm là cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, ô tô, thiết bị công trình công nghiệp, thiết bị điện và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí trên cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, trong đó chủ yếu khu vực ngoài nhà nước". - trích Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ.

 

Ngọc Anh